Nâng cao năng lực thẩm phán trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

Thông qua việc bình luận, thảo luận, trao đổi với các chuyên gia quốc tế về những vấn đề thường phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, các thẩm phán Việt Nam sẽ tích lũy được thêm kiến thức, kinh nghiệm bổ ích để phục vụ công tác trước mắt cũng như lâu dài.

Ngày 24/10, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP), Đại sứ quán Anh và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa Thẩm phán Việt Nam và Thẩm phán quốc tế về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động của dự án cấp khu vực của UNDP về “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do Quỹ Thịnh vượng của Vương Quốc Anh tài trợ.

Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu đến từ Tòa án Nhân dân tối cao, các tòa án cấp cao và các tòa án cấp tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, các đoàn luật sư, trường đại học, đại diện của UNDP.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. (Ảnh: Phạm Hiên)

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, cho biết “Việc tổ chức hội thảo ngày hôm nay là rất cần thiết và hữu ích. Đây là cơ hội để các thẩm phán Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các thẩm phán Tòa Phá án Pháp trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Theo đó, thông qua việc bình luận, thảo luận, trao đổi với các chuyên gia quốc tế về những vấn đề thường phát sinh trong quá trình giải quyết các loại việc nêu trên, các thẩm phán Việt Nam sẽ tích lũy được thêm kiến thức, kinh nghiệm bổ ích để phục vụ công tác trước mắt cũng như lâu dài. Qua đó, tạo được sự thống nhất của các thẩm phán khi áp dụng quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án thương mại quốc tế tại tòa án Việt Nam cũng như yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết các loại việc này cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta trong thời gian tới”.

Bà Catherine Phương, Trợ lý Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, trong bài phát biểu của mình cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu mới nhất vào năm 2019 do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam có nhiều cải thiện rõ rệt nhất trong số 141 nền kinh tế, tăng 10 bậc để xếp hạng thứ 67 về năng lực cạnh tranh.

Theo đuổi thành công chính sách hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 và tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, trong đó có 2 hiệp định lớn là Hiệp đinh thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là điều kiện cần để Việt Nam xóa bỏ rào cản, thúc đẩy hợp tác thương mại quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh mới này, tranh chấp kinh doanh và thương mại quốc tế đã và đang trở nên đa dạng và phức tạp hơn.

Ông Stephen Taylor, Trưởng phòng chính trị, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam. (Ảnh: Phạm Hiên)

Để có cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, Việt Nam đã tham gia một số Công ước của Liên Hợp quốc liên quan đến thương mại quốc tế. Chẳng hạn năm 1995, Việt Nam phê chuẩn Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; năm 2015, Việt Nam tham gia Công ước của Liên Hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Sau khi gia nhập các văn kiện quốc tế này, Việt Nam đã sửa đổi các luật quan trọng, như Luật Thương mại, Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Tố tụng dân sự để nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế vào luật pháp quốc gia.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, tình hình thụ lý giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài trong 5 năm 2014 – 2018 dao động ở mức thấp từ 80 – 150 vụ. Các tranh chấp này thương tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Dương.

Cũng theo số liệu của Tòa án Nhân dân tối cao trong 5 năm 2014-2018, chỉ có 28 yêu cầu công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài được giải quyết so với tổng số 45 yêu cầu được tiếp nhận.

Hội thảo này là một trong các hoạt động hỗ trợ của UNDP cho Tòa án Nhân dân tối cao trong nỗ lực cải cách hệ thống tòa án và nâng cao năng lực cho các thẩm phán trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế đang ngày càng nhiều và càng phức tạp để thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam.

Mục đích của hoạt động này là tạo ra một diễn đàn cho những thẩm phán có kinh nghiệm về xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm với các thẩm phán Việt Nam./.

Khắc Kiên - Phạm Hiên

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/phap-luat/nang-cao-nang-luc-tham-phan-trong-giai-quyet-tranh-chap-thuong-mai-quoc-te-540400.html