Nâng cao năng lực hoạt động của Kiểm lâm địa bàn

Việc thực hiện Quy định của Bộ NN&PTNT về nhiệm vụ công chức Kiểm lâm địa bàn cấp xã đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rì) phối hợp với chính quyền địa phương thả động vật hoang dã trở lại rừng.

Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rì) phối hợp với chính quyền địa phương thả động vật hoang dã trở lại rừng.

Thực hiện Quyết định 83/2007/QĐ-BNN ngày 4/10/2007 về Nhiệm vụ công chức Kiểm lâm địa bàn cấp xã, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phân công công chức, viên chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn các xã, phường, thị trấn và phụ trách đến từng khoảnh, tiểu khu rừng đối với các khu bảo tồn, nhằm tham mưu kịp thời với Chủ tịch UBND xã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Kiểm lâm địa bàn cấp xã những năm qua, cho thấy việc phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn đã đạt được hiệu quả đáng ghi nhận. Tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cơ bản sâu sát, kịp thời; công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương được đội ngũ Kiểm lâm địa bàn thực hiện nhanh chóng; công tác vận động, tuyên truyền có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng; công tác tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp kịp thời, nhanh chóng…

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của một số Kiểm lâm địa bàn còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục như: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực của nhiều kiểm lâm địa bàn chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ; một số kiểm lâm địa bàn chưa bám nắm, quản lý tốt địa bàn; chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp hoặc đã tham mưu nhưng chất lượng, hiệu quả chưa cao; nhiều vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn nhưng Kiểm lâm địa bàn không phát hiện, ngăn chặn; chất lượng công tác tuyên truyền trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa cao…

Ý thức được việc cần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Kiểm lâm địa bàn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ký kết Quy chế phối hợp giữa các Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý các Khu bảo tồn với UBND các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Quy chế phối hợp) để quản lý, chỉ đạo Kiểm lâm phụ trách địa bàn cấp xã thực hiện nhiệm vụ; đưa Kiểm lâm phụ trách địa bàn cấp xã xuống trực tiếp làm việc và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; yêu cầu công chức, viên chức Kiểm lâm địa bàn phải xây dựng kế hoạch công tác hằng tuần, hằng tháng báo cáo lãnh đạo Hạt và Chủ tịch UBND xã để thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; chủ động thường xuyên trao đổi, nắm tình hình kiểm lâm địa bàn làm việc tại xã; nắm bắt kịp thời những vấn đề nảy sinh, khó khăn, vướng mắc để cùng bàn bạc, trao đổi, thống nhất trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp.

Dù còn có mặt hạn chế nhưng hoạt động của đội ngũ Kiểm lâm địa bàn đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Việc Chi Cục Kiểm lâm tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực Kiểm lâm địa bàn, nhất là đẩy mạnh thực hiện Quy chế phối hợp là cần thiết, kịp thời nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại hạn chế, nêu cao tinh thần trách nhiệm, của đội ngũ Kiểm lâm địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở./.

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202112/nang-cao-nang-luc-hoat-dong-cua-kiem-lam-dia-ban-69e55d5/