Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo

Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng là rất cần thiết, góp phần quan trọng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, nhiều năm qua, Thái Nguyên thường xuyên quan tâm đến công tác này.

Toàn tỉnh hiện có 25.826 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (CBQL, GV, NV) trong ngành Giáo dục. Trong đó, CBQL các cấp học là 1.661 người; GV các cấp học là 19.931; nhân viên: 4.234 người; CBGV trong biên chế là: 17.431 người; hợp đồng: 8.395 người.

Giờ Toán học tại Trường THPT Phú Lương.

Giờ Toán học tại Trường THPT Phú Lương.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) và các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Trong đó có kế hoạch cụ thể thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của GV mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (MN, TH, THCS) giai đoạn 2020-2025; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV thực hiện Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; phối hợp với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Học viện Quản lý giáo dục tổ chức bồi dưỡng cho GV phổ thông cốt cán và CBQL trên hệ thống LMS. Đồng thời triển khai bồi dưỡng các mô đun thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho CBQL và GV trên hệ thống LMS; phối hợp với các nhà xuất bản triển khai tập huấn, bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa...

Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành bồi dưỡng 6 mô đun (mô đun 1, 2, 3,4, 5, 9) thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đang tiếp tục triển khai các mô đun 6, 7, 8 cho CBQL và GV. Các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ CBQL, GV; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn đảm bảo trình độ theo Luật Giáo dục.

Các đơn vị, cơ sở giáo dục đã rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ GV, CBQL và cử CB, GV tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Tỉnh cũng đã bố trí kinh phí kịp thời để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn và nâng chuẩn, chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông và nâng cao năng lực tiếng Anh cho GV...

Sau hai năm triển khai, Đề án đã góp phần nâng cao năng lực quản lý giáo dục, chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo và CBQL, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập tại các nhà trường.

Từ năm 2021 đến nay, tổng số GV, CBQL các cấp tham gia đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn là 1.636 người (trong đó, cấp MN: 489 người; cấp tiểu học: 809 người; cấp THCS: 314 người; cấp THPT: 24 người).

Toàn tỉnh hiện có: 19.319 GV và CBQL các cấp đạt chuẩn trở lên (đạt 89,47%, tăng 6,96% so với năm 2020); trong đó, trên chuẩn là 6.755 người (đạt 31,28%, tăng 0,8% so với năm 2020). Riêng GV, CBQL trong biên chế, tỷ lệ có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên là 95,21%...

100% GV, CBQL được bồi dưỡng năng lực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông và bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, năng lực quản lý, ngoại ngữ, công nghệ thông tin; năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng; 100% CBQL cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục, năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học...

Tỷ lệ giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ là 95,38%, tăng 4,52% so với năm 2020. 100% GV, CBQL công tác tại các trường phổ thông dân tộc nội trú sử dụng được ít nhất một tiếng dân tộc ở địa bàn công tác...

Cô giáo Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB, GV không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà có tác dụng, hiệu quả lâu dài đến đội ngũ cán bộ, giáo viên; phương pháp quan trọng để đưa sự nghiệp giáo dục phát triển là các thầy giáo, cô giáo và những người làm công tác giáo dục được bồi dưỡng thường xuyên. Qua các lớp bồi dưỡng, đào tạo, chúng tôi được trau dồi kiến thức chuyên môn và áp dụng vào thực tiễn công tác quản lý, giảng dạy và vận dụng để kết hợp với cả ba môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội.

Để tiếp tục đạt dược mục tiêu của Đề án đến năm 2025, Sở GDĐT cùng các địa phương tiếp tục tham mưu xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của GV các trường MN, tiểu học và THCS; mở các lớp đào tạo giáo viên đạt chuẩn; chọn cử giáo viên đi học các lớp nâng chuẩn...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202310/nang-cao-nang-luc-doi-ngu-nha-giao-e5c01ed/