Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở Hội, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới

Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở Hội, nhiều năm trở lại đây, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ hội các cấp. Đội ngũ cán bộ Hội đã từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác Hội và phong trào phụ nữ, nâng cao vị thế phụ nữ Ninh Bình trong giai đoạn mới. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đào Thị Hòa, TUV, Ủy viên BCH TW Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện.

Đồng chí Đỗ Việt Anh, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao giải thưởng, hỗ trợ cho các thí sinh đạt giải Cuộc thi "Sáng kiến đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng cơ sở Hội vững mạnh" năm 2022. Ảnh: Đức Lam

PV: Thưa đồng chí, cán bộ cơ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ là hạt nhân, là nền tảng để đẩy mạnh, phát triển phong trào phụ nữ tại các địa phương. Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ này?

Đ/c Đào Thị Hòa: Hiện toàn tỉnh có 175 cơ sở Hội, 1.680 chi hội phụ nữ ở các thôn, xóm, phố với tổng số hội viên trên 211.600 người, đạt tỷ lệ tập hợp 86,25%. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chú trọng chỉ đạo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở. Đây được xem khâu then chốt triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp.

Theo đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là Chủ tịch hội, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài ngày càng cao. Hàng năm, các cấp Hội rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng, phân loại trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở Hội để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới, gắn bồi dưỡng với tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả.

Những năm gần đây, Hội LHPN tỉnh đã chú trọng rèn luyện phương pháp, kỹ năng cho đội ngũ Chủ tịch Hội LHPN cơ sở thông qua đổi mới hình thức thi viết sáng kiến, xây dựng và bảo vệ đề án giải quyết các vấn đặt ra trong thực tiễn như: khởi nghiệp của phụ nữ; các vấn đề về bất bình đẳng giới, bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em… Các đề án đạt giải cao tại hội thi được hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện.

Để đáp ứng tiêu chuẩn chức danh cán bộ cơ sở Hội, trong đó có yêu cầu về trình độ lý luận chính trị, Ban Thường vụ Hội LHPN nữ tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố rà soát, tham mưu, đề xuất với cấp ủy cử cán bộ cơ sở Hội đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Đến nay, 100% Chủ tịch Hội LHPN cơ sở có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (trong đó có 88% có trình độ đại học trở lên); 90,1% có trình độ trung cấp lý luận chính trị, số còn lại đang theo học trung cấp LLCT.

Đội ngũ cán bộ Hội cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, đã phát huy năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm, sâu sát cơ sở, nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào phụ nữ và công tác Hội.

PV: Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song hiện nay đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở vẫn còn những hạn chế, bất cập, cần tháo gỡ?

Đ/c Đào Thị Hòa: Đặc thù đội ngũ cán bộ cơ sở Hội là đa dạng về trình độ, độ tuổi và thâm niên công tác. Do đó, bên cạnh những ưu điểm thì vẫn còn một số bất cập nhất định. Đội ngũ Chủ tịch Hội cơ sở được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên, song khả năng lựa chọn, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên còn hạn chế; một số ít cán bộ làm việc theo lối mòn, theo kinh nghiệm, đôi khi ngại đổi mới.

Một số chủ tịch trẻ, có kiến thức, song kinh nghiệm chưa nhiều, uy tín, tinh thần lăn lộn, nhiệt huyết với phong trào để có thể thực hiện hiệu quả công tác vận động phụ nữ còn hạn chế. Một số phó Chủ tịch Hội LHPN cơ sở, chi hội trưởng mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chất lượng, hiệu quả chưa cao. Nhiều chi hội trưởng tuy có kinh nghiệm và uy tín thường lớn tuổi, hạn chế về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của Hội; một số chi hội trưởng kiến thức, kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm vận động phụ nữ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số cán bộ Hội cơ sở chưa chủ động, quyết liệt trong tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội. Đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở có nhiều biến động. Điều này dẫn đến việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội của một số cơ sở còn hạn chế. Do vậy chưa thực sự tạo hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ cho các phong trào thi đua, hoạt động do tổ chức Hội triển khai.

Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến về tiêu chí người phụ nữ Ninh Bình thời đại mới. Ảnh: Mạnh Tuấn

PV: Thưa đồng chí, để tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, thời gian tới, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?

Đ/c Đào Thị Hòa: Để xây dựng đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực hoạt động thực tiễn, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, thời gian tới, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh sẽ tăng cường công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp với cấp ủy các cấp; đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lý tưởng và khát vọng cống hiến cho cán bộ Hội các cấp.

Với phương châm 3 cùng "Cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ làm theo" và "Ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động Hội" và để hỗ trợ cán bộ Hội cơ sở thực hiện nhiệm vụ một cách thiết thực, hiệu quả, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ Hội cấp tỉnh, cấp huyện theo dõi, phụ trách địa bàn.

Theo đó, trên tinh thần: "cấp tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ", cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện sẽ cùng với Ban Thường vụ Hội LHPN cấp xã hướng dẫn, đồng hành, hỗ trợ nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho chi hội trưởng.

Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh yêu cầu cán bộ Hội các cấp thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm chắc địa bàn, tình hình thực tiễn để chủ động, tích cực tham mưu giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc mà đội ngũ cán bộ Hội cơ sở cũng như phong trào phụ nữ cơ sở đang gặp phải.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện 2 khâu đột phá đã được xác định tại Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Ninh Bình lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021-2026: "Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin" và "Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh". Các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, hoạt động hướng về cơ sở, trong đó tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tại chi hội theo hướng: phải rõ việc, hiệu quả thực chất, lấy hạnh phúc, sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo hoạt động Hội; tăng cường tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ nhất là tại vùng có đạo, vùng sâu, vùng xa và trong các khu, cụm công nghiệp…

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ cơ sở Hội cũng cần nhìn nhận, đánh giá năng lực thực tế của bản thân để không ngừng nỗ lực, rèn luyện, gương mẫu đi đầu trong phong trào, hoạt động Hội, phấn đấu mỗi cán bộ Hội thực sự là người truyền cảm hứng, tạo dựng niềm tin nơi hội viên, phụ nữ, góp phần xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, nâng cao hình ảnh, vị thế của phụ nữ Ninh Bình trong thời đại mới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Đinh Ngọc (Thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nang-cao-nang-luc-doi-ngu-can-bo-co-so-hoi-dap-ung-yeu-cau/d20230302164057834.htm