Nâng cao kỹ năng nghiên cứu để phát hiện, nhận diện các dạng vi phạm trong bản án hình sự sơ thẩm

VKSND thành phố Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị tập 'Nâng cao kỹ năng nghiên cứu để phát hiện, nhận diện các dạng vi phạm trong bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án cấp huyện' theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 15 điểm cầu trong toàn ngành Kiểm sát Hải Phòng.

 Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Vũ Mạnh Hùng, Viện trưởng VKSND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: Thời gian qua, để tăng cường hơn nữa hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, căn cứ Chỉ thị, hướng dẫn của Viện kiểm sát tối cao, để nâng cao kỹ năng kiểm sát Bản án, cũng là cơ sở quan trọng để tăng cường công tác kháng nghị, kiến nghị trong lĩnh vực hình sự, VKSND thành phố Hải Phòng đã nghiêm túc quán triệt đồng thời triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để hai cấp Kiểm sát áp dụng hiệu quả các nội dung được hướng dẫn.

Về cơ bản, Kiểm sát viên hai cấp ở thành phố Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, góp phần vào thành tích chung của toàn ngành (Năm 2022, không có án bị hủy, sửa trên một cấp do có trách nhiệm của VKS; đường lối xét xử cơ bản thống nhất giữa hai ngành TA – VKS; Ban hành 3 kháng nghị, 22 kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm pháp luật, 3 kiến nghị phòng ngừa, đều được chấp nhận, tiếp thu …).

Với mục đích là để tổng kết, đánh giá thực trạng công tác kiểm sát bản án, trong đó, chỉ ra những cách làm tốt, đặc biệt tập trung vào những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cụ thể phát sinh khi kiểm sát bản án của Tòa án.

Trên cơ sở đó, chia sẻ kỹ năng, cách làm hay của những đơn vị đã làm tốt nhiệm vụ này cũng như vấn đề cần rút kinh nghiệm từ những thiếu sót của một số bản án trên thực tế đã bị kháng nghị, hủy, sửa trên cấp hoặc bị kiến nghị, được tiếp thu; đề xuất các giải pháp khắc phục.

Hội nghị đã tập trung đưa ra thảo luận về một số vấn đề liên quan trực tiếp tới công tác kiểm sát bản án, bao gồm: Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị đối với hoạt động kiểm sát bản án hình sự của Kiểm sát viên; Kỹ năng nhận diện, phát hiện một số dạng vi phạm, thiếu sót thường gặp trong các Bản án hình sự sơ thẩm; Mối quan hệ phối hợp với Tòa án cùng cấp và với Viện kiểm sát cấp trên để thực hiện tốt công tác kiểm sát bản án; Mối quan hệ giữa hoạt động kiểm sát việc chuẩn bị xét xử, kiểm sát xét xử và kiểm sát bản án để nhận diện, phát hiện các vi phạm của Bản án hình sự sơ thẩm; Mối quan hệ phối hợp giữa các Phòng 1, 2, 3 với Phòng 7 trong hoạt động kiểm tra, theo dõi Cáo trạng với hoạt động Kiểm sát bản án sơ thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới; Việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm sát bản án hình sự của Kiểm sát viên và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo liên quan tới hoạt động này.

Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo, Kiểm sát viên các đơn vị VKSND hai cấp tại nhiều điểm cầu.

Đồng chí Phạm Văn Hòa, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Phạm Văn Hòa, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Phạm Văn Hòa, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội tham dự Hội nghị. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí đánh giá cao VKSND thành phố Hải Phòng đã đặc biệt quan tâm công tác này và tổ chức Hội nghị. Đồng chí cũng đồng tình với những nội dung tham luận mà các đồng chí đã thẳng thắn nêu ra tại Hội nghị về tồn tại, hạn chế, cũng như cách làm hay về công tác kiểm sát bản án. Thông qua công tác theo dõi bản án của VKSND TP Hải Phòng, đồng chí đại diện lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội đã rút kinh nghiệm về một số tồn tại còn mắc phải cũng như giải đáp một số vướng mắc trong công tác kiểm sát bản án để ngành Kiểm sát Hải Phòng nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát bản án trong thời gian tới.

Tiếp thu ý kiến của đồng chí Phó Viện trưởng VKSND cấp cao, cũng như tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, đồng chí Lưu Xuân Sang, Phó Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng kết luận: thời gian vừa qua, ngành Kiểm sát Hải Phòng có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường hiệu quả công tác kiểm sát bản án hình sự, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án hình sự đạt nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót cần khắc phục cũng như những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được hướng dẫn, giải đáp để thống nhất thực hiện trong thời gian tới. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm và chất lượng công tác kiểm sát bản án nói riêng và chất lượng giải quyết các vụ án hình sự nói chung, toàn ngành cần thực hiện các nội dung sau:

 Phó Viện trưởng VKSND thành phố Hải Phòng kết luận hội nghị.

Phó Viện trưởng VKSND thành phố Hải Phòng kết luận hội nghị.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo các Viện kiểm sát quận, huyện cần đặc biệt tăng cường quan hệ phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp cũng như mối quan hệ phối hợp với VKSND TP Hải Phòng. Các phòng nghiệp vụ tại VKSND TP Hải Phòng cần tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa quan hệ phối hợp, nhất là trong công tác phát hiện sớm các thiếu sót từ khi nghiên cứu Cáo trạng của Viện kiểm sát cấp huyện để trao đổi với Phòng 7, kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ đối với cấp dưới, hạn chế đến mức thấp nhất việc để xảy ra vi phạm trong giai đoạn xét xử, kiểm sát bản án sơ thẩm.

Các Viện kiểm sát quận, huyện phải nghiêm túc tuân thủ các quy định của BLTTHS và văn bản liên quan cũng như: các Quy chế nghiệp vụ của ngành, chịu trách nhiệm trong hoạt động, quyết định của mình nói chung và công tác kiểm sát bản án sơ thẩm nói riêng. Lãnh đạo các đơn vị cần đặc biệt chú ý tổ chức quán triệt, nghiên cứu và nghiêm túc áp dụng Hướng dẫn số 24/HD-VKS ngày 05/8/2020 của VKSNDTC về công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án; Hướng dẫn số 23/HD-VKS ngày 22/4/2021 của VKSND tối cao về hướng dẫn kiểm sát biên bản phiên tòa xét xử các vụ án hình sự và Công văn số 318/VKSHP-P7 ngày 22/5/2021 của VKSTP Hải Phòng để triển khai Hướng dẫn số 23 để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm. Đối với những vi phạm, thiếu sót của Bản án sơ thẩm của TAND cấp huyện để phải kiến nghị, kháng nghị trên một cấp, VKSND TP Hải Phòng đồng thời đánh giá trách nhiệm của Viện kiểm sát quận, huyện và xem xét thông báo rút kinh nghiệm đối với đơn vị đó.

Các Viện kiểm sát quận, huyện phải nghiêm túc chấp hành quy định về việc gửi bản án cùng Phiếu kiểm sát bản án lên VKSND TP Hải Phòng (Phòng 7) và chấp hành nghiêm túc Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân. Lãnh đạo mỗi đơn vị cần có biện pháp hiệu quả để kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ này.
Lãnh đạo các đơn vị chủ động nghiên cứu và lựa chọn hình thức, biện pháp ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm sát bản án hình sự của Kiểm sát viên và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo liên quan tới hoạt động này phù hợp với đặc điểm cụ thể của đơn vị. VKSND TP Hải Phòng sẽ coi đây là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá và bình xét thi đua trong năm công tác 2023.

Phòng 7, VKSND thành phố phối hợp với Chi Đoàn thanh niên VKS thành phố tập hợp thông báo rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát xét xử để thực hiện số hóa và đăng trên Trang thông tin điện tử ngành Kiểm sát Hải Phòng để tăng cường việc nhận diện vi phạm trong công tác kiểm sát bản án.

Lê Lộc

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/nang-cao-ky-nang-nghien-cuu-de-phat-hien-nhan-dien-cac-dang-vi-pham-trong-ban-an-hinh-su-so-tham-144179.html