Nâng cao kiến thức pháp luật ở 'vùng lõm'

Bình Phước có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 19,67% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng DTTS. Qua đó giúp người dân nắm vững quyền, lợi ích, trách nhiệm của mình trong các quan hệ pháp luật; góp phần quan trọng trong việc hoàn thành chỉ tiêu về đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM).

Chuẩn tiếp cận pháp luật để về đích nông thôn mới

Xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng hiện có 1.509/2.864 hộ đồng bào DTTS, chiếm 60,55% dân số và có 3 tôn giáo chính là Phật giáo, Tin lành và Công giáo với khoảng 7.700 giáo dân. Đa số dân cư sinh sống bằng nghề nông, cư trú phân tán, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức về chính trị, pháp luật còn hạn chế, một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ… Từ thực tế đó, lãnh đạo xã xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.

“Thông qua tuyên truyền nhằm giúp người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các nhiệm vụ tại địa phương. Đặc biệt, đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn giúp xã về đích NTM năm 2023”.

Ông LÊ THANH HÙNG, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nhau

Một trong những mô hình hoạt động hiệu quả là Tổ tuyên truyền pháp luật xã Đắk Nhau, với 13 thành viên gồm: cán bộ tư pháp, công an viên, khối mặt trận, đoàn thể và 7 trưởng thôn. Tính riêng trong năm 2023, tổ đã phối hợp tổ chức 7 đợt trợ giúp pháp lý, thu hút hơn 500 lượt đồng bào DTTS tham gia. “Để đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất, chúng tôi dành thời gian tìm hiểu nhu cầu thông tin của người dân, từ đó xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp. Rất nhiều hình thức tuyên truyền linh hoạt như: hội nghị tư vấn pháp luật, hỏi - đáp trực tiếp, phát tờ rơi, qua hệ thống truyền thanh di động và lấy những dẫn chứng cụ thể ở cơ sở để người dân dễ hiểu, dễ hình dung” - bà Hoàng Thị Lê Na, cán bộ tư pháp xã Đắk Nhau cho biết.

Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức tại nhà văn hóa thôn Đắk La, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng

Song song với nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật ở xã Đắk Nhau còn phải kể đến vai trò quan trọng của người có uy tín, già làng. “Nếu ban ngày các hộ dân đi làm rẫy, thì buổi tối chúng tôi đến tuyên truyền. Khi người dân hiểu sẽ thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và chung sức đồng lòng góp của, góp công xây dựng các công trình dân sinh như điện, đường, trường học… theo đúng tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm” - ông Điểu Thành, Trưởng thôn Đắk La, xã Đắk Nhau chia sẻ.

Già làng Điểu Sóc, thôn Đắk La, xã Đắk Nhau tuyên truyền pháp luật bằng tiếng của đồng bào: "Cái tai nghe thuận, cái bụng sẽ ưng"

Tâm huyết với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS, già làng Điểu Sóc ở thôn Đắk La bộc bạch: Phong tục lạc hậu của đồng bào tôi là hôn nhân cận huyết để bảo vệ của cải và tục tảo hôn để có người lao động. Những năm trước, trong thôn còn tình trạng bán điều bông… Nhờ Ban quản lý thôn kiên trì tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đến nay các hủ tục đã giảm hẳn.

Từ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, Đắk Nhau được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Xã không có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; không có khiếu kiện đông người kéo dài; không có công dân cư trú trên địa bàn phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Số hộ nghèo năm 2023 giảm từ 28 hộ còn 13 hộ, chiếm 0,4%; hộ cận nghèo từ 81 hộ còn 24 hộ. Đến nay, Đắk Nhau cơ bản hoàn thành 19/19 chỉ tiêu NTM.

Tạo đà xây dựng nông thôn mới nâng cao

Được công nhận xã NTM đã khó, để giữ vững danh hiệu và phát triển lên xã NTM nâng cao càng khó hơn. Vì vậy, tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú rất nhiều giải pháp trọng tâm đã được địa phương đề ra, trong đó chú trọng tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào các DTTS tại địa phương.

Ông Ngưu Tấn Tùng, người có uy tín tại ấp 3, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú đến nhà ngườidân tuyên truyền xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trước đây, đời sống các hộ dân tộc Khmer chúng tôi còn khó khăn nên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề về pháp luật. Thế nhưng, từ khi tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tôi hiểu rõ và thường xuyên vận động người thân, mọi người trong ấp làm gì cũng phải thực hiện đúng quy định pháp luật.

Ông NGƯU TẤN TÙNG, người có uy tín ấp 3, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, các thành viên Tổ tuyên truyền pháp luật của xã Tân Lập đã đến gia đình anh Ngưu A Thuận ở ấp 3 thăm hỏi, động viên và kịp thời hỗ trợ pháp lý. Cũng từ sự quan tâm, khích lệ của các cấp chính quyền mà con đường tìm về “nẻo sáng” của anh Thuận dễ dàng hơn. Anh Thuận hiện đã lập gia đình, được nhận làm công nhân trong khu công nghiệp và mở tiệm tạp hóa tại nhà để thu nhập ổn định. “Tôi thực sự xúc động khi tái hòa nhập trong vòng tay yêu thương, đồng cảm của cộng đồng. Tôi quyết tâm ổn định cuộc sống, tích cực hưởng ứng hoạt động đoàn thể, địa phương” - anh Thuận bày tỏ.

Tổ tuyên truyền pháp luật ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn

Chị Ngưu Thị Mai Lịch cùng ở ấp 3 từng vi phạm tảo hôn. Sau khi sinh 2 con gái, chồng chị đã bỏ đi theo người phụ nữ khác. Nghèo khó bủa vây, 2 con của chị phải nghỉ học khi mới lớp 6, lớp 7. Ngay khi nhận được thông tin, ban ấp đã đến nhà, một mặt vận động chị cho các con trở lại lớp học, mặt khác khảo sát nhu cầu hỗ trợ vốn và phương tiện sinh kế nhằm giúp chị vươn lên thoát nghèo. Sau khi nghe tuyên truyền và hiểu rõ sự quan tâm, chị Lịch đã thay đổi cách nghĩ tích cực. Chị cho biết: Tôi sẽ cố gắng để các con được trở lại trường học và khuyên can đừng bao giờ lấy chồng sớm như mẹ. Tảo hôn là vi phạm, làm ảnh hưởng sức khỏe và kéo theo cái nghèo…

Từ 2 điển hình tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS ở xã Tân Lập và Đắk Nhau cho thấy: Sống, làm việc, ứng xử có pháp luật, cũng là lúc đồng bào DTTS không còn xảy ra tình trạng du canh du cư, các hủ tục hầu như bị xóa bỏ. Người dân tích cực lao động, sản xuất, nâng cao đời sống, tham gia phong trào xây dựng NTM; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS được đảm bảo; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc.

Thu Hiền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/152090/nang-cao-kien-thuc-phap-luat-o-vung-lom