Nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác tái chế

Nhiều phụ nữ tham gia thu gom, phân loại rác tái chế tại bãi rác Thọ Vức (TP Tuy Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Để giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa, ngoài các giải pháp công nghệ, chính sách, một yếu tố quan trọng không kém là lực lượng thu gom rác thải phi chính thức. Về vấn đề này, phóng viên Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến tại hội thảo liên quan đến hoạt động thu gom rác tái chế do Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) tổ chức.

BÀ TRẦN THỊ HOA, GIÁM ĐỐC GREENHUB: Xây dựng hợp tác xã thu gom rác

Nhóm ngành nghề phi chính thức thu gom ve chai, đồng nát có vai trò quan trọng, góp phần giảm thiểu lượng chất thải rắn cần xử lý, đặc biệt là rác thải nhựa. Lực lượng làm việc này chủ yếu là nữ giới (chiếm hơn 90%). Mặc dù đây là công việc nặng nhọc, điều kiện lao động còn lạc hậu, thiếu bảo hộ lao động, chủ yếu làm thủ công, tư liệu lao động thô sơ, nhưng phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế, xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Những người lao động này cũng thường phải đối mặt với định kiến thân phận hoặc bị kỳ thị khi làm việc với chất thải.

Từ năm 2019 đến nay, GreenHub đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh vận động, kêu gọi nhiều tổ chức, nhà tài trợ, đối tác, chuyên gia… trong và ngoài nước đến Phú Yên để chung tay giải quyết một số vấn đề liên quan đến rác thải, môi trường.

Hoạt động thu gom rác tái chế và thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thu gom rác, trong đó bao gồm hệ thống hóa mạng lưới thu gom rác phi chính thức (hay còn gọi là ve chai, đồng nát, nhôm nhựa…) là một trong những nhiệm vụ của gói công việc Phú Yên thực hành không rác mà chúng tôi đang triển khai.

Hơn 350 phụ nữ tham gia hoạt động thu gom rác tái chế trên địa bàn tỉnh được tập huấn về phân loại rác, quản lý và tái chế chất thải, kiến thức về an toàn lao động trong thu gom, tái chế. Ngoài ra, 64 chị được hỗ trợ khám sức khỏe tổng quát, 113 chị được hỗ trợ bảo hiểm an toàn lao động…

GreenHub đang xây dựng kế hoạch, tìm kiếm các nhân tố để thành lập HTX thu gom rác tái chế tại Phú Yên và cùng địa phương đồng hành, hỗ trợ HTX này hoạt động ổn định.

BÀ NGUYỄN THỊ HOÀI LINH, GIÁM ĐỐC TỔ CHỨC HÀNH ĐỘNG VÌ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN (ENDA) VIỆT NAM: Nhân tố quan trọng chống ô nhiễm rác thải nhựa

Nhiều năm qua, Enda Việt Nam đã tập trung vào việc quản lý hệ thống rác thải bền vững dựa vào cộng đồng, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, nâng cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp, xây dựng mạng lưới cho cộng đồng…

Với sự tài trợ của các tổ chức, cơ quan quốc tế, Enda Việt Nam đã triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực thu gom, quản lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa. Các dự án này tập trung hỗ trợ an sinh xã hội cho người thu gom rác phi chính thức như tặng quần áo bảo hộ lao động, ủng, khẩu trang, hỗ trợ bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn, tập huấn nâng cao nhận thức cho người thu gom rác phi chính thức; thành lập các HTX và xây dựng năng lực cho người thu gom rác phi chính thức; truyền thông cho cộng đồng về phân loại rác tại nguồn, chống ô nhiễm rác thải nhựa, vận động cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Các dự án cũng kết nối thị trường tiềm năng để tăng cơ hội tái chế rác, đặc biệt là rác thải nhựa nhằm góp phần tăng thu nhập của người thu gom rác phi chính thức, với phương châm biến rác thải thành tài nguyên.

Để đạt hiệu quả trong việc thực hiện những quy định liên quan đến quản lý rác thải, các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ ban hành chủ trương, chính sách, đến đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đồng thời, địa phương phải có cơ chế phối hợp rõ ràng, chặt chẽ trong công tác thu gom rác giữa lực lượng chính thức (các công ty môi trường đô thị, dịch vụ công ích…) và phi chính thức. Xã hội cần có cái nhìn tôn trọng hơn với người thu gom rác phi chính thức, coi họ là nhân tố quan trọng để phát triển phân loại rác thải tại nguồn, đặc biệt là chống ô nhiễm rác thải nhựa.

BÀ VÕ THỊ YẾN Ở XÃ HÒA AN (HUYỆN PHÚ HÒA): Mong muốn ổn định cuộc sống

Gia đình tôi chỉ làm nông, bản thân không có nghề nghiệp ổn định nên tôi tham gia thu mua ve chai đã được 8 năm. Nghề này đa số phụ nữ làm và thường là lao động tự do, ngoài công việc thu gom phế liệu còn phải làm thêm nhiều việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Để làm công việc này, phương tiện là chiếc xe đạp cũ hay đôi quang gánh, vài bao tải chứa rác và một chiếc cân. Người thu mua phế liệu chịu không ít nhọc nhằn, vất vả, đôi khi còn gặp phải thái độ khinh thường của những người xung quanh. Hành trình mua phế liệu có khi bắt đầu từ tờ mờ sáng và kết thúc khi đêm muộn, phải liên tục di chuyển trên những đoạn đường dài dù trời nắng nóng hay mưa.

Thời gian vừa qua, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn và được xét hỗ trợ mua bảo hiểm an toàn lao động thời gian 3 năm do GreenHub, các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ.

Qua các lớp tập huấn này, tôi cảm thấy nghề thu mua ve chai cũng góp phần tham gia bảo vệ môi trường và tự tin hơn khi làm nghề. Tôi mong rằng HTX thu gom rác tái chế sớm thành lập và có nhiều chính sách hỗ trợ để cuộc sống của chị em ổn định hơn.

Khảo sát của Sở TN&MT về phụ nữ thu gom rác phi chính thức ở Phú Yên. Đồ họa: ANH NGỌC

Theo Sở TN&MT, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh trung bình hơn 670 tấn/ngày. Chất thải rắn chưa được phân loại từ nơi phát sinh, công tác xử lý rác chủ yếu chôn lấp hoặc đốt tại các bãi rác tập trung trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, số lượng rác thải có thể tái chế chiếm khoảng 5,5%, bao gồm nhựa, kim loại và giấy…

ANH NGỌC (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/300733/nang-cao-hieu-qua-thu-gom-xu-ly-rac-tai-che.html