Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản

Bài cuối:
CẦN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP

BPO - Những năm qua, tình trạng tài nguyên bị khai thác trái phép chủ yếu là vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường như đất sét, đất san lấp, cát, còn đối với đá thì khó hơn bởi liên quan đến nổ mìn. Nguyên nhân thì nhiều nhưng phần lớn là do lực lượng quản lý mỏng, mặt khác, “cung” không đủ “cầu” nên cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành cũng như cần có cơ chế, chính sách để tháo gỡ.

Khuyến khích người dân tố giác

Để phóng viên có được những thông tin “đắt giá” thực hiện loạt phóng sự này, “nguồn tin” không ai khác chính là người dân. Họ là tai, mắt chứng kiến các đối tượng lén lút khai thác khoáng sản trái phép vào những giờ “vàng”, bất chấp các quy định của pháp luật. Sự bức xúc, phẫn nộ của người dân càng nhân lên gấp bội khi mỗi ngày phải chứng kiến hàng chục xe trọng tải hạng nặng chở vật liệu đi tiêu thụ, băm nát đường giao thông nông thôn cũng như khói, bụi gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, qua mật phục nhiều ngày, lực lượng chức năng xã Thanh An, huyện Hớn Quản đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng đang múc đất đổ lên xe tải đưa đi tiêu thụ. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh An Nguyễn Viết Đợi thừa nhận không phải cán bộ địa phương phát hiện sự việc mà từ người dân báo tin, tố giác. Tương tự, tình trạng “cát tặc” trên sông Đồng Nai đoạn qua các xã Thống Nhất, Đăng Hà (huyện Bù Đăng) vài năm trở lại đây giảm hẳn cũng nhờ người dân tố giác tội phạm. Các hộ dân, tổ an ninh nhân dân nắm thông tin báo cho chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng phối hợp giải quyết.

Nhu cầu thực tế của địa phương, người dân cần có đất để san lấp, tuy nhiên việc cấp phép mỏ đất đúng quy hoạch, quy định trên địa bàn tỉnh lại rất ít

Những năm qua, công tác quản lý khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, bởi các đối tượng thường khai thác về đêm, ngày nghỉ lễ, trong khi địa bàn rộng, địa hình có nhiều lối đi né tránh và có hệ thống cảnh giới theo dõi cơ quan chức năng đi kiểm tra… “Địa bàn rộng nên khi có tin báo về đối tượng khai thác trái phép thì từ trung tâm huyện di chuyển vào hiện trường mất 1 tiếng đồng hồ, trong khi đó có hệ thống cảnh giới nên lực lượng chức năng chưa vào đến nơi đối tượng đã rời đi. Đó là tình trạng những năm trước, còn từ năm 2022 trở lại đây chúng tôi huy động lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nên không còn tình trạng khai thác tài nguyên trái phép” - Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương khẳng định.

Nêu những khó khăn trong việc ngăn chặn đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ngoài giờ hành chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Nguyễn Vũ Tiến cho rằng, đây là “bài toán” đặt ra cho lãnh đạo địa phương nhiều năm qua. Trước thực trạng này, huyện đã thành lập tổ kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Mặt khác, chỉ đạo UBND các xã tăng cường kiểm tra, xử lý, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân khi phát hiện sự việc cần tố giác kịp thời với chính quyền địa phương để lực lượng chức năng đến kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định. Cũng theo ông Tiến, ở cấp tỉnh nên thành lập một chuyên án để kiên quyết xử lý triệt để các đối tượng lộng hành thời gian qua.

Cần quy hoạch thêm các mỏ khoáng sản

Để xây dựng hạ tầng cơ sở - “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực lân cận rất cần khối lượng lớn VLXD thông thường như cát, đá, đất san lấp. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá xây dựng, tuy nhiên lĩnh vực đất sét, đất san lấp, cát chỉ có 5 đơn vị. Trong 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác sét gạch ngói thì Công ty TNHH Hồng Minh, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản đã ngưng hoạt động và trả lại giấy phép. 3 doanh nghiệp còn lại đứng chân trên địa bàn huyện Hớn Quản và thị xã Bình Long, Chơn Thành. Đối với vật liệu san lấp, năm 2017 có duy nhất Công ty TNHH Hoàng Lân được UBND tỉnh cấp phép khai thác tại xã Nha Bích, TX. Chơn Thành nhưng nay giấy phép đã hết hạn. Lĩnh vực cát xây dựng hiện chỉ Công ty TNHH SX-TM Phú Thọ, huyện Hớn Quản giấy phép khai thác còn hiệu lực. Trước đó, trên địa bàn huyện Bù Đăng có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát xây dựng nhưng hết hạn từ cuối năm 2019.

Để hạn chế tình trạng khai thác trái phép cũng như phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực, ngoài các mỏ khoáng sản đã cấp phép, trên địa bàn tỉnh Bình Phước cần được quy hoạch thêm các vị trí mới

Căn cứ danh sách các đơn vị được cấp phép khai thác đất sét, đất san lấp và cát, ngoài 3 địa phương nêu trên thì các huyện, thị xã, thành phố còn lại không có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác. Vì vậy, vật liệu để xây dựng hạ tầng cơ sở phần lớn mua trôi nổi ngoài thị trường hoặc ngoài tỉnh. Đây là vấn đề khó khăn, trở ngại tại các địa phương, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác trái phép.

“Địa phương kiến nghị tỉnh tiếp tục đưa vào quy hoạch và cấp phép, khai thác cát, nộp thuế, phí đúng quy định, đảm bảo môi trường. Mặt khác, tỉnh cần quy hoạch thêm một số mỏ khoáng sản (đất san lấp) để khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng, đặc biệt sắp tới phục vụ xây dựng cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)” - Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương kiến nghị.

Nhu cầu thực tế của địa phương, người dân cần có đất để san lấp, tuy nhiên việc cấp phép mỏ đất đúng quy hoạch, quy định trên địa bàn tỉnh lại rất ít. Vì vậy, kiến nghị cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quy hoạch thêm các vị trí phù hợp để khai thác đất xây dựng công trình dân dụng cũng như công trình nhà nước đầu tư trên địa bàn. Mặt khác, cần có sự phân cấp quản lý, đánh giá trữ lượng, đấu giá khai thác đất san lấp cho cấp huyện đối với một số vị trí phù hợp, từ đó tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được phép khai thác, Nhà nước không thất thu thuế, tài nguyên và công tác quản lý của chính quyền đi vào nền nếp hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng
LÊ VĂN CHUNG

Nhu cầu VLXD tăng 25-30%/năm

Theo báo cáo của Sở Xây dựng về điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 sẽ ưu tiên nhiều công trình giao thông trọng điểm. Cụ thể, phối hợp Trung ương tập trung triển khai các dự án giao thông kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như: Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; tuyến phía Đông Nam quốc lộ 14 kết nối Đắk Nông - Bình Phước vào đường Đồng Phú - Bình Dương; tuyến phía Tây quốc lộ 13 kết nối Bình Dương - Chơn Thành - Hoa Lư; đường sắt xuyên Á (Cảng Cái Mép - Dĩ An - Lộc Ninh - Campuchia); ĐT753 kết nối Đồng Xoài - Sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và cảng Cái Mép, Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đồng thời, tập trung đầu tư có trọng điểm hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố: Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long, Chơn Thành, Đồng Phú tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ và dân cư, đô thị. Quy hoạch mới và mở rộng các khu công nghiệp tập trung; mỗi huyện từ 1-3 cụm công nghiệp. Từng bước chuyển nhà máy nhỏ, lẻ vào các khu, cụm công nghiệp để quản lý và đảm bảo môi trường. Mở rộng các khu công nghiệp Minh Hưng III (577,53 ha), Bắc Đồng Phú (317 ha), Nam Đồng Phú (480 ha), Minh Hưng - Sikico (1.000 ha). Bổ sung quy hoạch và đưa vào hoạt động thêm Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp ở huyện Đồng Phú (6.317 ha) và 3 khu công nghiệp ở huyện Phú Riềng (1.300 ha). Đầu tư đồng bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là các công trình xử lý nước thải và đảm bảo diện tích trồng cây xanh. Hoàn thiện hạ tầng ngoài hàng rào kết hợp phát triển các khu đô thị, khu dân cư tạo thuận lợi về chỗ ở và sinh hoạt cho người lao động trong các khu công nghiệp. Vì vậy, hoạt động khai thác, chế biến VLXD thông thường những năm tới phải tăng giá trị bình quân khoảng 25-30% mới có thể đáp ứng nhu cầu của địa phương và khu vực lân cận; đồng thời tạo cơ hội đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến khoáng sản.

Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về VLXD cho các dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực, ngoài các vị trí, mỏ đã được UBND tỉnh quy hoạch, cấp phép, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cần rà soát để làm rõ loại hình khoáng sản bị thiếu hụt và khối lượng cần bổ sung đưa vào quy hoạch trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, những hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân cần được cơ quan chuyên môn tạo điều kiện thuận lợi để sớm được hoàn thiện nhưng phải thực hiện đúng quy định hiện hành.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/144018/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-tai-nguyen-khoang-san