Nâng cao hiệu quả kinh tế, gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô

Dự luật Thủ đô (sửa đổi) cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng nhằm nâng cao giá trị các khu vực di sản, gìn giữ được lối sống, nghề truyền thống và kiến trúc cảnh quan trên từng tuyến phố, nâng cao hiệu quả kinh tế, gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc vốn có của Thủ đô.

Đó là đề xuất được đưa ra tại Hội thảo “Cơ chế phát triển thương mại, văn hóa” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển vừa tổ chức.

Hình thành khu thúc đẩy thương mại, văn hóa

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang đề cập đến khái niệm “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa” (BID). Đây là khái niệm và mô hình mới đối với Việt Nam. Theo các đại biểu tham dự Hội thảo nêu trên, BID được hiểu là mô hình hợp tác giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người dân tại các khu thúc đẩy (phát triển) thương mại, văn hóa, du lịch, dịch vụ. Thống kê hiện nay tại Hoa Kỳ có hơn 1.000 khu thúc đẩy thương mại – văn hóa, riêng bang New York có khoảng 76 khu. Singapore có 10 khu và hiện đang mở rộng thêm. Canada có trên 80 khu, Anh có trên 300 khu… Về cơ bản, mô hình này đã đem lại những hiệu quả bước đầu trong việc thu hút các nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, qua đó thúc đẩy sự phát triển du lịch, dịch vụ trong khu vực được thí điểm.

Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm Nguyễn Toàn Thắng, kinh nghiệm quốc tế về khu thúc đẩy thương mại và văn hóa có nội hàm phù hợp với thực tiễn áp dụng cho khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội. Khu vực phố cổ của quận Hoàn Kiếm với những đặc trưng là các phố “Hàng”, các phố ẩm thực trên địa bàn thành phố như Tống Duy Tân, Cấm Chỉ, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Tạ Hiện… có điều kiện thuận lợi để phát triển các khu thúc đẩy thương mại, văn hóa.

Phố cổ Hà Nội. Nguồn: ITN

Những thành công từ việc hình thành “phố đi bộ” vào các ngày cuối tuần ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là một ví dụ của việc hình thành các khu cải tiến thương mại và văn hóa. Việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, bảo tồn tại khu phố cố, khu phố cũ, biệt thự cũ và những công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ giúp phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch tại các khu phố cổ, khu phố cũ, kinh tế đêm, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch và văn hóa của Hà Nội, phù hợp với chủ trương của UBND TP. Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, giải pháp này cũng sẽ khuyến khích người dân ở các khu phố trong khu vực cải tiến thương mại tự đầu tư, tự cải tạo, chỉnh trang nhà hoặc công trình kiến trúc có giá trị để bảo đảm mỹ quan đô thị, gìn giữ và phát huy được các giá trị văn hóa đặc trưng của Thủ đô. Qua đó, góp phần gìn giữ được lối sống nghề truyền thống và kiến trúc cảnh quan của tuyến phố dựa trên sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể được phát triển. Ngoài những lợi ích phát triển kinh tế đêm, Nhà nước sẽ có thể thu được thuế phát sinh từ các hoạt động kinh doanh và một số khoản giá, phí theo quy định của pháp luật để chi trả, bù đắp cho công tác bảo vệ môi trường, an ninh trật tự trong khu vực này.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù cho khu BID

Việc hình thành các khu thúc đẩy thương mại, văn hóa trên địa bàn TP. Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Du lịch Hà Nội, việc phát triển các mô hình BID ở nước ta, trong đó có thủ đô Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn do quy định về mô hình BID chưa được luật hóa đầy đủ, quá trình phát triển vẫn mang tính tự phát. Quy trình từ hoạt động quy hoạch – tổ chức triển khai – giám sát – điều tra đánh giá chưa được xây dựng chặt chẽ, chưa tạo được các mô hình, quy trình chuẩn để áp dụng rộng rãi, chưa có các cơ chế, chính sách đột phá, hấp dẫn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào các khu vực được quy hoạch.

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội đề xuất, mô hình tổ hợp vui chơi, giải trí, du lịch đêm có thể phát triển thành một dạng thúc đẩy thương mại và văn hóa. Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định 1894/QĐ – BVHTTDL ngày 14.7.2023 về Ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, trong đó đã đề xuất những hình thức sản phẩm, dịch vụ ưu tiên thu hút, phát triển trong các tổ hợp du lịch đêm như: mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, mô hình mua sắm, giải trí đêm, mô hình tham quan du lịch đêm…

Bên cạnh đó, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, có thể nghiên cứu một số cơ chế, chính sách đặc thù, thí điểm để triển khai trong các khu BID như: chính sách mở rộng thời gian hoạt động, kinh doanh dịch vụ của các cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn (dự kiến mở 24/24 giờ đối với các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn được cấp phép). Có chính sách về quản lý kiến trúc trong khu vực thí điểm. Cụ thể, bên cạnh các quy định về khoảng lùi, chiều cao đã được quy định cụ thể trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cần có các tiêu chí, tiêu chuẩn về kiến trúc, mặt ngoài, màu sắc… để bảo đảm tính thống nhất, thẩm mỹ, tạo sự độc đáo, hấp dẫn để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Xem xét có chính sách về miễn, giảm thuế, phí đối với các cơ sở kinh doanh trong khu vực thí điểm.

Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam Nguyễn Hưng Quang cho rằng, nếu quy định về khu BID trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, UBND TP Hà Nội cần ban hành một hướng dẫn phương pháp xác định khu vực có thể áp dụng mô hình BID trên địa bàn Hà Nội dựa trên các đặc điểm về văn hóa, hoạt động thương mại, quy hoạch, quy mô dân số, định vị về thương hiệu của từng khu hoặc Hà Nội… căn cứ theo thẩm quyền được quy định tại khoản 5, Điều 39 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các đại biểu nhấn mạnh, khu BID được nêu tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nếu được ban hành với những cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng sẽ góp phần nâng cao giá trị các khu vực di sản, gìn giữ được lối sống, nghề truyền thống và kiến trúc cảnh quan trên từng tuyến phố, nâng cao hiệu quả kinh tế, gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc vốn có của Thủ đô.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/nang-cao-hieu-qua-kinh-te-gin-giu-cac-gia-tri-van-hoa-dac-sac-cua-thu-do-i358911/