Nâng cao hiệu quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

Trọng Phước

BPO - Thực hiện chương trình giám sát, phản biện xã hội năm 2023, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức giám sát chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thị xã Bình Long và các huyện Hớn Quản, Bù Đốp, Phú Riềng; giám sát bằng hình thức xem xét báo cáo đối với Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Đồng Phú. Qua giám sát, đoàn đã kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan sớm có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế để thực hiện chương trình hiệu quả hơn.

Quyết tâm giảm nghèo nhanh và bền vững

Trước thực trạng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS khó giảm khi không được hỗ trợ các tiêu chí thiếu hụt, ngoài triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, Bình Phước đồng thời chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo. Đầu năm 2022, do việc thay đổi chuẩn nghèo tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 4.870 hộ nghèo, trong đó có 2.820 hộ nghèo DTTS.

Đoàn công tác của UBMTTQVN tỉnh thẩm định, kiểm tra thực tế cuộc sống của hộ nghèo tại xã Long Tân, huyện Phú Riềng để việc hỗ trợ xây dựng nhà đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng

Với quyết tâm giảm nghèo nhanh và bền vững, năm 2022 tỉnh dành 65 tỷ 875 triệu đồng phấn đấu thực hiện giảm 1.013 hộ nghèo DTTS tại các huyện, thị xã. Bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, các địa phương đã nỗ lực giải ngân nguồn vốn hỗ trợ các nhu cầu theo kế hoạch. Cuối năm 2022, các địa phương đã hỗ trợ xây mới 575 căn nhà, sửa chữa 176 căn; hỗ trợ đất ở cho 20 hộ, xây 247 nhà vệ sinh; hỗ trợ đào và khoan 586 giếng nước, điện sinh hoạt cho 262 hộ; 73 hộ được vay vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ 524 hộ về con giống, 360 hộ được hỗ trợ về nông cụ phục vụ sản xuất, tạo việc làm cho 1.243 hộ… Qua đó có 1.166 hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo (đạt 115%). Địa phương có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao như: Đồng Phú (đạt 165%), thị xã Bình Long (đạt 250%), Lộc Ninh (đạt 160%)...

Cần tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở

Ông Đỗ Đại Đồng, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Trưởng đoàn giám sát số 1 cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS còn nhiều hạn chế, dẫn đến người dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành chuyên môn trong khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để hướng dẫn hộ nghèo chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Vẫn còn hiện tượng người dân lúng túng trong sử dụng vốn, chạy theo phong trào, tự phát... từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, công tác định hướng đăng ký nhu cầu, rà soát, tổng hợp, phúc tra, thẩm định đối với các hộ dân chưa sát, dẫn đến thay đổi nhiều đối tượng thụ hưởng, trùng lắp với các chương trình khác. Hỗ trợ chưa phù hợp điều kiện thực tế của người dân (xảy ra tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp) khiến nông cụ bị rỉ sét; bán vật nuôi do Nhà nước cấp để trang trải cuộc sống gia đình (xảy ra tại xã Long Tân, huyện Phú Riềng)…

Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đỗ Đại Đồng chia sẻ: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và cơ quan liên quan rà soát những nội dung được giao; đối chiếu với những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được nêu trong đợt giám sát, sớm xây dựng giải pháp và có lộ trình thực hiện để chương trình ngày càng chất lượng, hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các nội dung chương trình, giải pháp, mô hình thoát nghèo bền vững bằng hình thức phù hợp, thiết thực để người dân, nhất là đồng bào DTTS hiểu, nắm được và vận dụng hiệu quả vào thực tế. Chính quyền các cấp cần giải quyết kịp thời một số tồn tại, khó khăn như: tăng kinh phí hỗ trợ đất ở, vì mức hỗ trợ hiện nay 50 triệu đồng/hộ không còn phù hợp, khó thực hiện. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp các hộ dân trong chương trình được người thân cho, tặng đất còn gặp khó khăn. Nhiều hộ không được hỗ trợ vay vốn vì không đủ điều kiện. Việc hỗ trợ kéo điện, điện năng lượng mặt trời, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi khó thực hiện… Sớm giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở thì chương trình mới đạt hiệu quả thiết thực.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/148507/nang-cao-hieu-qua-giam-ngheo-vung-dan-toc-thieu-so