Nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng

Công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện để giúp đỡ những người tù tha, lầm lỡ quay trở về và hòa nhập đời sống cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Thời gian qua, công tác này được các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của UBMTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức, cá nhân có liên quan đạt nhiều kết quả.

Công an tỉnh An Giang chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người đang chấp hành án phạt tù và người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường công tác giáo dục pháp luật, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trọng tâm là nội dung cơ bản của các nghị định có liên quan đến công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Công an cấp huyện chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp công an cấp xã mời các đối tượng chậm tiến bộ đến trụ sở Công an xã để giáo dục... Qua công tác quán triệt, triển khai đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành án phạt tù; người bị áp dụng biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng.

Tặng quà cho người hoàn lương tiêu biểu

Ngoài ra, trên cơ sở kết quả xây dựng và thực hiện nhiều mô hình tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng, như: Mô hình “Lực lượng phòng, chống tội phạm lo cho con can, phạm nhân” của Công an tỉnh; mô hình “Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự” của huyện Tri Tôn, “Họp mặt người hoàn lương” của huyện Thoại Sơn, “Tổ cảm hóa giáo dục người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” của thị trấn Chợ Vàm (huyện Phú Tân)… đã góp phần lớn trong công tác phòng ngừa tái phạm trên địa bàn. Qua các mô hình này, đã hỗ trợ giúp đỡ hàng trăm người có bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, xây và sửa chữa nhà, vay vốn để lao động, sản xuất; học nghề, tìm kiếm việc làm, từng bước ổn định cuộc sống, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.

Để thúc đẩy phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt kết quả tốt hơn trong năm 2024, đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu công an các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng và nghiêm túc tổ chức thực hiện chỉ đạo, điều hành nghiêm các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, các cục nghiệp vụ và Ban Giám đốc Công an tỉnh. Làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng là một trong các giải pháp quan trọng góp phần chủ động phòng ngừa, hạn chế tình trạng tái phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự ở từng địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú tại cộng đồng dân cư, người dân, gia đình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng; làm cho mọi người thấy được lợi ích thiết thực của công tác này. Từ đó, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia quản lý, cảm hóa giáo dục, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, lực lượng công an các cấp tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, quan tâm tổ chức các hoạt động thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng, lôi cuốn họ tham gia và sớm xóa đi mặc cảm, tự ti để tích cực rèn luyện, phấn đấu trở thành những công dân tốt, hòa nhập cộng đồng. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục cải tạo người chấp hành án, chú trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề, giáo dục, tuyên truyền pháp luật và tạo các điều kiện cần thiết để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị những người hoàn lương tiêu biểu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn; chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; tích cực tuyên truyền, vận động giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vươn lên, xóa bỏ mặc cảm, động viên cùng nhau phát triển; cảnh giác, phòng tránh những tác động tiêu cực, lôi kéo, cám dỗ; tham gia tích cực các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương...

Đến nay, toàn tỉnh An Giang đang quản lý 3.971 người chấp hành xong án phạt tù chưa xóa án tích trở về địa phương sinh sống. Trong đó, có 112 người được các cơ quan, tổ chức, đoàn thể giúp đỡ, hỗ trợ cho vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, giới thiệu việc làm; hướng dẫn, giúp đỡ 1.514 người thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, xóa án tích, trợ giúp tâm lý…

KHÁNH HƯNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tai-hoa-nhap-cong-dong-a391566.html