Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong trợ giúp pháp lý

Những năm qua, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng của VKSND TP. Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nói chung và TGPL nói riêng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân trong hoạt động tố tụng.

Kiểm tra TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn TP. Sóc Trăng. Ảnh: C.H

Theo Phó Viện trưởng VKSND TP. Sóc Trăng Trần Phương Hồng, ngay từ khi Luật TGPL năm 2017 chính thức có hiệu lực và sau đó là Thông tư số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC, ngày 29-6-2018 của Liên ngành tư pháp Trung ương quy định chi tiết về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, lãnh đạo VKSND TP. Sóc Trăng đã quán triệt đến toàn bộ cán bộ, công chức và từng kiểm sát viên nắm vững và xem đây là một nội dung quan trọng, bắt buộc phải đảm bảo trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Chính vì vậy, ngay từ khi khởi tố, điều tra các vụ án hình sự, trong nội dung bản yêu cầu điều tra của kiểm sát viên đều được bổ sung nội dung bắt buộc đó là cơ quan điều tra phải tiến hành phổ biến, giải thích các quy định và điều kiện về TGPL miễn phí cho người bị buộc tội, bị hại cũng như đương sự trong vụ án biết và nếu thuộc trường hợp TGPL miễn phí thì yêu cầu điều tra viên phải hướng dẫn và thực hiện quy trình, thủ tục để Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng kịp thời, đầy đủ và đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng như hướng dẫn của Thông tư số 10 của Liên ngành tư pháp Trung ương.

Trong quá trình điều tra, việc thực hiện quy định về TGPL của cơ quan điều tra luôn được kiểm sát viên kiểm tra thường xuyên, đảm bảo các trường hợp thuộc diện được TGPL đều kịp thời thông báo đến Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh để cử trợ giúp viên pháp lý tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, không để xảy ra trường hợp đến giai đoạn truy tố, xét xử mới phát hiện, từ đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các trường hợp được hưởng TGPL. Đồng thời, việc tham gia các hoạt động tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố của trợ giúp viên pháp lý cũng được cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi nhất, từng hoạt động điều tra như: hỏi cung bị can của điều tra viên, phúc cung bị can của viện trong giai đoạn truy tố, việc lấy lời khai bị hại, đương sự là người được TGPL, các hoạt động thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường… đều có thông báo trợ giúp viên pháp lý tham gia cũng như việc cấp, tống đạt các văn bản tố tụng đảm bảo đầy đủ và đúng thời hạn. Trong quá trình phối hợp nếu có trở ngại khách quan như trợ giúp viên bận việc thì cơ quan điều tra, VKSND TP. Sóc Trăng cũng sẵn sàng sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch làm việc để đảm bảo sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý trong các hoạt động tố tụng đầy đủ và đúng quy định của pháp luật.

Ở giai đoạn xét xử, trong các phiên tòa có sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý thì nguyên tắc tranh tụng đến cùng để xác định sự thật khách quan luôn được đảm bảo, theo đó từng giai đoạn từ phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, xét hỏi, tranh luận, trợ giúp viên pháp lý đều được thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình cũng như các ý kiến phát biểu, quan điểm tranh luận của trợ giúp viên pháp lý tại phiên tòa luôn được hội đồng xét xử cũng như kiểm sát viên giữ quyền công tố tôn trọng, ghi nhận và đặt ra để đối đáp, tranh luận đầy đủ. Riêng đối với công tác phối hợp của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và chất lượng hoạt động TGPL thời gian qua cho thấy, lãnh đạo Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã có sự quan tâm cao và chỉ đạo sâu sát hoạt động phối hợp TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố, từ đó mỗi trường hợp đề nghị TGPL chuyển sang thì trung tâm TGPL tham gia tố tụng nhanh chóng; đồng thời chất lượng tham gia hoạt động tố tụng của trợ giúp viên pháp lý càng nâng lên rõ rệt. Quý I-2020, số trường hợp được hưởng TGPL trong tố tụng là 7 vụ.

VKSND thành phố và Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh còn thường xuyên tăng cường phối hợp thông qua việc trao đổi thông tin hai chiều, VKSND thành phố cũng đã lắp đặt mới 1 bảng thông tin thay thế bảng thông tin cũ tại trụ sở và mở sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ các vụ việc TGPL theo quy định. Ngoài ra, khi kiểm sát hàng ngày đối với nhà tạm giữ thì cán bộ được phân công cũng kiểm tra thường xuyên để đảm bảo bảng thông tin TGPL luôn được bố trí công khai và thuận tiện cho người bị bắt, tạm giữ, tạm giam biết hoặc trực tiếp tham gia giải thích, phổ biến các quy định về TGPL cho người bị bắt, bị tạm giữ ngay trong quá trình làm việc tại nhà tạm giữ.

Cũng theo Phó Viện trưởng VKSND TP. Sóc Trăng Trần Phương Hồng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp, trong thời gian tới cần đổi mới và tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền để người dân nắm các quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước về quyền được TGPL, từ đó có sự chủ động tiếp cận chứ không chỉ phụ thuộc vào việc giải thích, phổ biến của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, lãnh đạo liên ngành cần sớm ban hành quy chế phối hợp về thực hiện TGPL, trong đó tập trung quy định trách nhiệm của từng cơ quan trong việc bảo đảm mọi trường hợp được hưởng TGPL đều phải có trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng ngay từ đầu cũng như bảo đảm kênh liên lạc hai chiều thường xuyên, chặt chẽ để rút ngắn hơn nữa quy trình thủ tục đề nghị, phân công và đăng ký cho trợ giúp viên pháp lý tham gia hoạt động tố tụng. Mặt khác, phải thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề, tọa đàm nghiệp vụ, hội thảo khoa học pháp lý có sự tham gia của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý cùng với các cơ quan tư pháp địa phương để có sự nâng cao và đồng đều về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như tạo sự thống nhất trong quan điểm áp dụng pháp luật, phục vụ hiệu quả yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

T.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phoi-hop-trong-tro-giup-phap-ly-36876.html