Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập

Sáng nay, 20/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập (TS, TN)

.

Đồng chí Bùi Ngọc Lam, Phó tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thủ đô Hà Nội; tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Thời gian qua, việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát TS, TN đạt được những kết quả nhất định. Việc tổ chức kê khai, công khai và xác minh TS, TN từng bước được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và dần đi vào nền nếp.

Từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) có hiệu lực, có hơn 3,1 triệu lượt người thực hiện kê khai TS, TN; hơn 1,3 triệu người kê khai TS, TN lần đầu; tỷ lệ công khai bản kê khai TS, TN đạt hơn 99%; 18.135 người được xác minh TS, TN. Qua việc xác minh TS, TN, phát hiện 2.750 người có sai sót về kê khai TS, TN; 54 người bị xử lý do không trung thực trong kê khai TS, TN và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Về hành lang pháp lý, việc kê khai TS, TN của cán bộ, công chức thực hiện theo Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ở các bộ, ban, ngành và địa phương phát sinh nhiều vướng mắc như: Về đối tượng phải kê khai TS, TN, mặc dù được quy định trong Luật PCTN và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP nhưng trong nhiều trường hợp áp dụng vào thực tiễn cần phải giải thích, hướng dẫn thêm.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Về các loại tài sản phải kê khai, giá trị tài sản đó xác định như thế nào; tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai được hiểu ra sao vì có rất nhiều loại kê khai TS, TN như kê khai lần đầu, kê khai hàng năm, bổ sung kê khai TS, TN, kê khai TS, TN phục vụ công tác cán bộ...

Về xác minh TS, TN, quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong xác minh TS, TN chưa thống nhất, nhất là quy chế phối hợp giữa các cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước. Phạm vi, nội dung xác minh TS, TN như thế nào; xác minh TS, TN tại quê quán, nơi ở, hay địa phương công tác của người phải kê khai TS, TN.

Về kết luận xác minh TS, TN, chỉ kết luận kê khai trung thực hay không trung thực. Khái niệm “trung thực” được vận dụng như thế nào nhằm tránh tình trạng lạm dụng trong quá trình thực thi.

Tại hội nghị, ý kiến các bộ, ban, ngành và địa phương đã tập trung làm rõ, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trên.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Bùi Ngọc Lam, Phó tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định: Hội nghị tổ chức nhằm phổ biến, quát triệt, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm về công tác kiểm soát TS, TN để bảo đảm việc tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm soát TS, TN. Hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả việc kiểm soát TS, TN thời gian qua, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và những kinh nghiệm, cách làm hay tại các bộ, ngành, địa phương.

Từ những ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành, địa phương, Thanh tra Chính phủ sẽ tổng hợp, tiếp tục kiến nghị, điều chỉnh, bổ sung kịp thời cơ chế kiểm soát TS, TN, góp phần phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202312/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-kiem-soat-tai-san-thu-nhap-2214530/