Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy

ĐBP - Những năm qua, các cấp, ngành chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế, kéo giảm số người nghiện ma túy; trong đó có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện.

Cán bộ Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh tư vấn điều trị cho các học viên.

Những tiếng chào “thầy”, “cô” là cách xưng hô mà các học viên tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh dùng để gọi các cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại đây. Và khi tiếp xúc, trao đổi với các cán bộ tại Trung tâm mới thấy được tâm huyết, nỗ lực của họ. Bởi các học viên tại Trung tâm thuộc nhiều thành phần nên cán bộ phải khéo léo, am hiểu về phong tục tập quán, văn hóa của các dân tộc.

Hiện nay Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh đang điều trị cai nghiện ma túy cho 335 người (bắt buộc 313 người, tự nguyện 22 người), trong đó số tiếp nhận mới năm 2022 là 68 người. Các học viên khi vào Trung tâm đều được điều trị theo quy trình phác đồ của Bộ Y tế bắt đầu từ cắt cơn, giải độc, điều trị bệnh cơ hội (bệnh phát sinh trong quá trình sử dụng ma túy). Sau khi người nghiện trở lại trạng thái cơ bản bình thường sẽ tiến hành tư vấn tâm lý, dạy nghề - lao động trị liệu và các quá trình này đan xen lặp lại trong suốt quá trình học viên cai nghiện tại trung tâm.

Ông Phạm Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho biết: Qua thực tiễn cai nghiện tại Trung tâm và sau khi học viên trở về tái hòa nhập cộng đồng thì yếu tố quan trọng để công tác cai nghiện có hiệu quả, không xảy ra tình trạng tái nghiện cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm sát sao của gia đình và cộng đồng. Bởi người nghiện ma túy không có việc làm, không thu nhập, vì vậy khi tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho người sau cai nghiện thì công tác cai nghiện mới thực sự hiệu quả. Đơn cử dụ trường hợp học viên N.Q.A. (huyện Điện Biên), sau 6 tháng cai nghiện thành công tại Trung tâm, khi trở về được gia đình quan tâm hỗ trợ vốn tạo sinh kế để phát triển mô hình VAC. Đến nay anh A đã có cuộc sống, thu nhập ổn định và không tái nghiện. Một điển hình khác là học viên N.V.T (huyện Tuần Giáo), sau 12 tháng cai nghiện tại Trung tâm với sự hỗ trợ của bác sĩ, quyết tâm của bản thân cùng sự giúp đỡ của gia đình, N.V.T. đã từ bỏ được ma túy, làm lại cuộc đời. Đến nay nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, ông T. mở một tiệm sửa xe, có thu nhập ổn định.

Trong quá trình cai nghiện tại Trung tâm, các học viên được học đa dạng các loại hình nghề nghiệp theo nhu cầu và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương nơi học viên sinh sống như: Sửa chữa ô tô, xe máy; thủ công nghiệp mây tre đan, đan lưới, ươm giống cây trồng… để khi tái hòa nhập cộng đồng có tay nghề, tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với Thư viện tỉnh thành lập phòng đọc phục vụ học viên đang điều trị; thành lập phòng tư vấn cho học viên theo các giai đoạn cai nghiện. Việc thành lập, duy trì hoạt động của phòng đọc sách, báo cho học viên cai nghiện ma túy là một trong những hoạt động thiết thực nhằm cải thiện đời sống tinh thần, tạo điều kiện cho học viên có điều kiện cập nhật kiến thức; góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và duy trì, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Đồng thời định hướng tư tưởng, tình cảm, giáo dục ý thức pháp luật cho học viên trở thành người có ích khi kết thúc thời gian điều trị.

Hiện nay, chất lượng công tác cai nghiện ma túy từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cai nghiện ma túy thì vẫn gặp khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 7.489 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong khi đó chỉ có 1 cơ sở cai nghiện ma túy công lập với quy mô 600 người và có 97 bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, tính đến ngày 10/6, toàn tỉnh có 2/10 huyện, thị xã, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình cho 78 người (huyện Điện Biên 50 người, TP. Điện Biên Phủ 28 người) và 1/10 huyện có người nghiện tự cai nghiện tại gia đình và khai báo tình trạng nghiện với cơ quan công an (30 người thuộc huyện Mường Ảng). Còn 8/10 huyện, thị xã, thành phố chưa tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Như vậy, số người nghiện ở ngoài xã hội vẫn còn nhiều. Một trong những nguyên nhân là do công tác lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc còn chậm; chưa có Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định về nội dung và mức chi cho công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các hoạt động thông tin, truyên truyền trực tiếp cho người nghiện ma túy và gia đình người nghiện ma túy còn hạn chế do không được bố trí nguồn kinh phí riêng.

Cai nghiện ma túy là quá trình lâu dài, chủ yếu thực hiện tại cộng đồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả. Để công tác cai nghiện ma túy hiệu quả cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để nghiên cứu, đánh giá các hành vi, diễn biến tâm lý trong mỗi liệu trình cai nghiện; lấy đối tượng cai nghiện làm trung tâm; nghiên cứu giải pháp phù hợp; tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.

Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/197647/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-cai-nghien-ma-tuy