Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành và tăng cường kỷ luật, kỷ cương

Sáng 17-11, Quốc hội (QH) tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Nội vụ. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo giải trình thêm một số vấn đề quan trọng được đại biểu QH quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu QH.

Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Đấu giá tài sản; thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Xử lý nghiêm các sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ

Về vấn đề quản lý và sử dụng công chức, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để nghiên cứu và tham khảo với cấp có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến cán bộ cơ sở trong việc tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thi nâng hạng công chức và chức danh nghề nghiệp.

Về nâng cao trách nhiệm kỷ luật công vụ và chất lượng cán bộ, công chức để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, trong thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu ở cấp có thẩm quyền để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...

Nhiều đại biểu chất vấn trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc khen thưởng, quản lý, bổ nhiệm cán bộ đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Với trách nhiệm là cơ quan giúp cho Chính phủ quản lý nhà nước về đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ nhận thiếu sót trong việc thực hiện công tác của mình. Trong thời gian tới, chương trình giám sát của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương trong việc hoàn thiện thể chế và liên quan đến công tác cán bộ, công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và xử lý nghiêm khắc vi phạm đối với cán bộ vi phạm tại các bộ, ngành, địa phương...

Kết thúc phần đại biểu chất vấn Bộ Nội vụ, Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của đại biểu, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các giải pháp đã đề ra. Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ đề xuất việc xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sai phạm; đồng thời nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lý cán bộ sai phạm trong thực thi công vụ sau khi đã về hưu mới phát hiện sai phạm; đề nghị Bộ trưởng quan tâm, tập trung tăng cường quản lý nhà nước, có các giải pháp quyết liệt, phối hợp các bộ, ngành khác giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nội vụ, nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém; xử lý kịp thời và ngăn chặn sai phạm, có báo cáo với QH tại các kỳ họp sau.

Đối với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng đã được nhiệm kỳ QH khóa XIII phê chuẩn là Bộ trưởng Công thương nhiệm kỳ 2011-2016, và QH khóa XIII đã miễn nhiệm tại kỳ họp thứ 11, Chủ tịch QH nêu rõ: Qua ý kiến của cử tri và chất vấn của đại biểu QH tại kỳ họp này, với những sai phạm nghiêm trọng của ông Vũ Huy Hoàng trong thời gian vừa qua, QH nghiêm khắc phê phán và cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong kiểm tra, giám sát và ban hành các văn bản pháp luật, làm cơ sở cho việc xử lý những vụ việc tương tự.

Nhiều vấn đề quan trọng được xã hội quan tâm

Sau phần trả lời chất vấn của bốn bộ trưởng, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo giải trình thêm một số vấn đề được đại biểu QH, đồng bào và cử tri cả nước quan tâm, đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu QH. Thủ tướng đã báo cáo giải trình một số vấn đề về đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, vấn đề nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, về an toàn thực phẩm, về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Thủ tướng cũng đã trả lời, làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, cá nhân Thủ tướng Chính phủ trong việc kế thừa và tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến trong thời gian tới...

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) và nhiều đại biểu khác quan tâm nội dung trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 của Chính phủ về tình hình tham nhũng vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tính chất rất nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đột phá nào để ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng hiện nay, biến quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính sớm trở thành hiện thực?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế; kiểm soát quyền lực; xóa bỏ cơ chế xin cho; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch; làm tốt công tác kiểm soát thu nhập... Tiếp tục ngăn chặn, loại bỏ lợi ích nhóm, nhất là trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng và trong công tác cán bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm; không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ cùng với hệ thống chính trị xử lý quyết liệt tình trạng không có kỷ cương phép nước, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, từ đó tạo niềm tin trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Phải loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. Đây là một yêu cầu hết sức cấp bách, cần có những chủ trương, biện pháp hết sức cụ thể trong Đảng, Nhà nước, trong hệ thống chính trị.

Đồng tình với ý kiến đề nghị của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cần đẩy mạnh công tác phối hợp trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ phối hợp hiệu quả với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân. Theo đó, phát huy đúng tầm, vai trò của nhân dân, của các cơ quan báo chí trong giám sát hoạt động của nhà nước, các tổ chức quản lý nhà nước. Từ đó tạo nên tinh thần PCTN ở mọi tổ chức, mọi cá nhân trong toàn xã hội.

Đề cập vấn đề phát triển nguồn nhân lực, quy trình lựa chọn đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) nhắc lại thông điệp nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ, theo đó làm sao con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo đất nước.

Theo đại biểu, làm thế nào để “người tốt, người giỏi được bổ nhiệm, lãnh đạo là hồng phúc cho quốc gia; người xấu, người thiếu năng lực mà không bị thải loại ra khỏi vị trí lãnh đạo là nguy cơ cho đất nước”. Trả lời nội dung này, Thủ tướng cho biết thời gian tới, Bộ Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức T.Ư xem xét bổ sung quy trình tốt nhất, khắc phục những sơ hở. Từ đó đưa ra quy trình minh bạch, phát hiện cán bộ từ cơ sở. Qua đó, nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh lành mạnh của công tác cán bộ, quá trình đánh giá cán bộ phải công khai, minh bạch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu các giải pháp mạnh mẽ trước mắt và lâu dài, giải quyết kiến nghị của nhiều đại biểu QH và cử tri về các dự án đầu tư lớn của tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí. Chính phủ vừa qua đã chỉ đạo kiểm tra, thanh tra các dự án này, qua đó đánh giá đúng thực trạng tình hình; đưa ra các phương án, biện pháp giải quyết và thu hồi tối đa vốn, tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm. Với các dự án thua lỗ lớn theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ đã báo cáo với các vị đại biểu QH. Tinh thần là không sử dụng ngân sách, sử dụng tiền thuế của dân để bù cho những thua lỗ này. Quá trình xử lý đã được xem xét, kiểm tra và sẽ giải quyết trong thời gian tới. Đối với từng dự án, Chính phủ sẽ xem xét cụ thể và sẽ báo cáo kết quả xử lý trước QH trong phiên họp tới...

Sẽ có Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ hai

Sau phần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu QH về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch QH nhận xét: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng, tổng cộng hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; trong đó hơn 20 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, 35 lượt đại biểu QH đặt câu hỏi tranh luận.

Các đại biểu QH đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề; tăng cường tranh luận để làm rõ thêm; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục. Qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, những nhóm vấn đề được QH lựa chọn là xác đáng, phù hợp thực tế, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao.

Qua phiên chất vấn tại kỳ họp này, Chủ tịch QH cho rằng, vẫn còn có nhiều hạn chế, thách thức cần có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới. Các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn cùng các thành viên khác của Chính phủ cần tiếp tục rà soát, bám sát các nghị quyết giám sát của QH thời gian qua, đặc biệt là tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn để hoàn thành các yêu cầu của QH về các lĩnh vực có liên quan.

Chủ tịch QH cho biết, trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhiều đại biểu QH, QH phê phán nghiêm khắc trước QH và cử tri cả nước đối với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 vì đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác tổ chức, cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

QH yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), Chính phủ, các cơ quan của QH và các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu. Khẩn trương rà soát để sửa đổi và bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc đã về hưu...

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Sau phiên họp này, QH yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ đối với những vấn đề vừa được chất vấn; giao Ủy ban TVQH tiếp tục tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban TVQH; giao các cơ quan của QH tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, tổ chức giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm đáp ứng đòi hỏi của đồng bào, cử tri và yêu cầu phát triển của đất nước.

Trên cơ sở chất vấn của đại biểu QH và trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban TVQH sẽ nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ hai trình QH xem xét, thông qua.

Hoàn thiện danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Chiều qua, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, một số đại biểu không đồng tình bãi bỏ hai ngành gồm: kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô và kinh doanh thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

Thực tế, dịch vụ kinh doanh này đang tồn tại và ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu lưu trữ mô và tế bào gốc của người dân. Có nhiều cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp dịch vụ này, ngành kinh doanh dịch vụ này cần quy định điều kiện. Đề nghị giữ lại ngành kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô là ngành kinh doanh dịch vụ có điều kiện.

Về kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, theo các đại biểu, luật cần quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Điều này đã được quy định chặt chẽ trong Luật Hôn nhân và gia đình, việc mang thai hộ sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ và đương nhiên phải trả chi phí. Vì vậy, nên giữ lại ngành này là ngành kinh doanh có điều kiện, để các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ hoàn thiện, nâng cao điều kiện trang thiết bị, trình độ nhân lực để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân.

Bên cạnh đó, một số đại biểu QH đề nghị bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp nhập khẩu ô-tô vào ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, các đại biểu QH cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án luật rà soát chặt chẽ một cách tổng thể, xem xét kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phần giải trình ý kiến của đại biểu QH về những nội dung liên quan dự án Luật Đầu tư.

Cũng trong chiều cùng ngày, QH đã thông qua Luật Đấu giá tài sản, với 84,41% số đại biểu QH tán thành. Trước đó, báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự án luật nêu rõ: Trên cơ sở rà soát quy định tại pháp luật chuyên ngành, tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật quy định cụ thể các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản khi bán đấu giá các loại tài sản đó.

Về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Ủy ban TVQH tán thành với nhiều ý kiến của đại biểu QH, giữ quy định tại Mục 3 Chương IV về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung như trong dự thảo luật; qua đó tăng cường trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền trong thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu.

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên nhân cốt lõi và trách nhiệm chính yếu là của Bộ Nội vụ, từ việc tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động cho đến đề bạt bổ nhiệm về tỉnh Hậu Giang. Việc luân chuyển ông Thanh hiện nay có văn bản nào quy định không? Bao nhiêu trường hợp đang luân chuyển theo kiểu này?

Đại biểu Ngô Văn Minh (Tỉnh Quảng Nam)

Tôi thấy công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ làm công tác này vẫn còn có những vấn đề về năng lực, phẩm chất.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Tỉnh Bến Tre)

Cử tri cho rằng việc làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến năm dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng thực hiện chậm trễ, cần phải quyết liệt trong thời gian tới. Việc xử lý kéo dài như hiện nay ngày càng gây tổn thất lớn cả về kinh tế và giảm sút niềm tin của nhân dân.

Đại biểu Trần Văn Minh (Tỉnh Quảng Ninh)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31300802-nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-quan-ly-dieu-hanh-va-tang-cuong-ky-luat-ky-cuong.html