Nâng cao chất lượng văn bản pháp lý

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Cục KTVB), Bộ Tư pháp, trong 10 năm (từ 2003 đến 2013), các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra hơn 1,7 triệu văn bản, phát hiện hơn 50 nghìn văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Trong đó, Cục KTVB đã tiếp nhận, kiểm tra hơn 27 nghìn văn bản, phát hiện hơn 4,8 nghìn văn bản sai trái (tức khoảng 18%) và đã xử lý. Thực tế này cho thấy cần nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản pháp lý trong quản lý nhà nước.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục soạn thảo, thông qua và chỉnh lý các văn bản, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, phù hợp các nguyên tắc thị trường, yêu cầu và cam kết hội nhập, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và từng bước xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đáp ứng các mục tiêu quản lý và phát triển đất nước trong tình hình mới... Các cơ quan chức năng ở các cấp quản lý nhà nước, các bộ, ngành và địa phương liên quan đã có nhiều cố gắng bảo đảm chất lượng văn bản pháp lý do mình soạn thảo; quá trình kiểm tra, xử lý các văn bản trái pháp luật cũng ngày càng đi vào nền nếp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta.

Tuy nhiên, qua kiểm tra và thực tế cho thấy, còn nhiều hiện tượng bất cập đa dạng trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý trong quản lý nhà nước.

Trước hết, đó là sự vi phạm quyền hạn, quy trình soạn thảo, thông qua văn bản pháp lý, khiến việc ban hành một số quy định có nội dung không phù hợp thực tế, khó khả thi hoặc thậm chí gây phản cảm. Hiện tượng các văn bản hướng dẫn dưới luật có những nội dung không rõ ràng, thiếu cụ thể, hoặc gây hiểu theo nhiều cách khác nhau, tạo khó khăn hoặc kẽ hở trong áp dụng.

Những bất cập trên đây, trực tiếp hay gián tiếp, dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả của chính văn bản quy định đó, đồng thời làm giảm hiệu lực, hiệu quả, uy tín trong quản lý nhà nước, vi phạm quyền lợi nhà đầu tư, doanh nghiệp và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Để nâng cao chất lượng các văn bản luật và quy phạm pháp lý các cấp trong quản lý nhà nước, trước hết, cần bảo đảm việc hoàn thiện và tuân thủ đúng các quy định phân cấp quản lý nhà nước; chấp hành nghiêm túc quy trình soạn thảo, lấy ý kiến, phản biện, thẩm định, kiểm tra và thông qua các văn bản quy phạm pháp lý. Đặc biệt, cần tăng cường đào tạo, chấn chỉnh và nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp, và trách nhiệm cá nhân của đội ngũ tham gia soạn thảo văn bản; đồng thời, nhận diện và ngăn chặn các biểu hiện lợi ích cục bộ, tư duy nhiệm kỳ trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần phát triển hệ thống thông tin dữ liệu và các đường dây "nóng" phục vụ soạn thảo và thẩm định, phản biện các văn bản và quy phạm pháp lý.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/21108102-.html