Nâng cao chất lượng theo dõi, thi hành pháp luật trong Công an nhân dân

Ngày 26-5, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/CP của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong CAND.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tuyến đến điểm cầu công an các đơn vị địa phương, Học viện, nhà trường trong lực lượng CAND.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị

Tại hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an báo cáo tổng kết việc thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong CAND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

Theo đó, việc triển khai Đề án cơ bản đã phát huy được hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và chỉ đạo của các cấp lãnh đạo trong tổ chức triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức về chính trị, pháp luật, ý thức, tinh thần học tập, tìm hiểu pháp luật của CBCS và nhân dân, phục vụ hiệu quả công tác chuyên môn của từng đơn vị.

Trung tướng Lê Quốc Hùng trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân

Trong quá trình triển khai Đề án, Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về công tác tuyên truyền PBGDPL; thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn lực; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL, cung cấp tài liệu cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL. Các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trong CAND ngày càng được đẩy mạnh, hướng về cơ sở.

Qua 10 năm triển khai Nghị định số 59/CP, công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật trong CAND đã ngày càng khởi sắc, đi vào nề nếp, có chiều sâu và thu được nhiều kết quả.

Công tác xây dựng, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ANTT cơ bản đáp ứng yêu cầu, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm và đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả công tác thi hành pháp luật của CBCS trong lực lượng CAND.

Trung tướng Lê Quốc Hùng trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương rà soát lại nhân sự thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL; kiên quyết loại bỏ các cán bộ làm việc hình thức, không hiệu quả, không nhiệt huyết, không yêu nghề. Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cần rà soát quy định pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, tiêu chuẩn và cấp giấy chứng nhận báo cáo viên pháp luật trong CAND.

“Các báo cáo viên tuyên truyền PBGDPL phải là những người nắm vững kiến thức pháp luật, giàu kinh nghiệm thực tiễn. Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cũng cần có biện pháp chỉ đạo Công an địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật trên các nền tảng truyền thông để công tác PBGDPL đạt hiệu quả cao” - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh và nêu rõ Nghị định 59/CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Sau hội nghị này, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cần có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/CP theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

CATP Hà Nội luôn quan tâm, xác định theo dõi thi hành pháp luật trong CAND là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Từ điểm cầu CATP Hà Nội, Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc CATP tham luận, nêu rõ, trong những năm qua công tác theo dõi thi hành pháp luật trong CAND luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP quan tâm, xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung thực hiện. Về cơ bản, CATP đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 59/CP của Chính phủ và các kế hoạch hàng năm của Bộ trưởng Bộ Công an về theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật trong CAND. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo, CATP hàng năm chủ động ban hành kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, quận, huyện, thị xã theo thẩm quyền triển khai thực hiện. Qua đó đã từng bước tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của chỉ huy và CBCS trong chấp hành, áp dụng pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong tình hình mới, tạo môi trường ổn định góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Hình ảnh Đại tá Nguyễn Thành Long tại điểm cầu CATP Hà Nội

Theo Đại tá Nguyễn Thành Long, trong tình hình hiện nay, việc tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật đặc biệt quan trọng và cần thiết. Để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Công an Hà Nội đề xuất Cục Pháp chế và cải cách hành chính Bộ Công an quan tâm mở các lớp tập huấn chuyên sâu về kiến thức pháp luật; kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật; kết hợp tập huấn với kiểm tra nhận thức của đội ngũ làm công tác này. Tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp... nghiên cứu bổ sung các quy định về đảm bảo kinh phí phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Quan tâm chế độ chính sách cho CBCS làm công tác theo dõi thi hành pháp luật; khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích để khuyến khích; đẩy mạnh phong trào thi đua trong công tác theo dõi, thi hành pháp luật; đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật; ứng dụng công nghệ thông trong thu thập, quản lý, phân tích, đánh giá kết quả theo dõi thi hành pháp luật; kết nối, chia sẻ thông tin và khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đảm bảo cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo trong hoạt động thực thi pháp luật; đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, nội dung, không né tránh. Kiên quyết khắc phục và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực thi pháp luật, củng cố vững chắc niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân vào hoạt động thực thi pháp luật của lực lượng công an.

Hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật. Trước mắt, nghiên cứu, sửa đổi các nội dung bất cập, hạn chế của Nghị định 59/CP, về lâu dài, cần tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; có thể nghiên cứu, xem xét xây dựng luật về theo dõi tình hình thi hành pháp luật…

Đức Tuấn (ghi)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nang-cao-chat-luong-theo-doi-thi-hanh-phap-luat-trong-cong-an-nhan-dan-post540996.antd