Nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân

Sông Mã là huyện biên giới có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 87%, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Tuyến đường vào bản Nậm Pù, xã Huổi Một, huyện Sông Mã đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), huyện Sông Mã đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, huyện chỉ đạo các cơ quan, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả của chương trình.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo thực hiện công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn; tích cực tham mưu đề xuất với tỉnh những cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thiết yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện; kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Sông Mã đã phân bổ trên 102 tỉ đồng đầu tư xây dựng 80 công trình trên địa bàn 18 xã. Trong đó, 37 dự án đã bàn giao đưa vào sử dụng; 24 dự án đã thi công xong, đang hoàn thiện các thủ tục để bàn giao đưa vào sử dụng; 14 dự án đang triển khai thi công; 5 dự án đang giải phóng mặt bằng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Chương trình tập trung vào việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Từ 2022 đến nay, huyện đã đầu tư trên 27 tỉ đồng hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình, với tổng diện tích trên 30.000 ha. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã lập dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm quế, diện tích 294 ha tại các xã Nậm Ty, Huổi Một, Nậm Mằn.

Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã rà soát, lựa chọn các hộ được hỗ trợ nhà ở theo thứ tự ưu tiên cho 163 hộ nghèo làm nhà ở; đầu tư 3 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các xã Chiềng En, Mường Lầm và Bó Sinh. Thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 431 hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn các xã, với tổng số tiền trên 22 tỉ đồng. Đầu tư đường giao thông vào 2 điểm định canh, định cư, với 176 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn bản Co Dâu, xã Nậm Ty và bản Nong Phạ, xã Mường Sai, với số tiền trên 18 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo mở 17 lớp xóa mù chữ cho 778 học viên tại 10 xã; đầu tư xây dựng 1 nhà lớp học bán trú tại xã Đứa Mòn; mở 11 lớp đào tạo nghề trình độ dưới 3 tháng cho 376 người lao động tại các xã Mường Lầm, Yên Hưng, Mường Hung. Đầu tư trên 6,8 tỉ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em;...

Xã Huổi Một có 19 bản, hơn 1.600 hộ, 8070 nhân khẩu với trên 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình 1719, xã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về chương trình, dự án; tổ chức họp bản bình xét các đối tượng được thụ hưởng; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện dự án, các tiểu dự án trên địa bàn xã để chương trình phát huy tối đa hiệu quả.

Ông Lầu A Của, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Một, thông tin: Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã đã được đầu tư trên 4 tỉ đồng xây dựng 5 công trình nhà văn hóa bản; sửa chữa, nâng cấp 2 tuyến đường liên bản dài 7km với số tiền gần 300 triệu đồng; xây dựng cầu bê tông qua suối Nậm Pù với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện Chương trình 1719 trên địa bàn huyện Sông Mã đã cơ bản giải quyết được những khó khăn thách thức, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, giúp bà con tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo nền móng vững chắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Huyền Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-cuoc-song-cho-nhan-dan-L4SJqAbSR.html