Nâng cao chất lượng công tác xây dựng gia đình

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định 'Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình'. Một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, gia đình hạnh phúc bền vững là nơi hội tụ những nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội.

Quan tâm xây dựng gia đình văn hóa – gia đình hạnh phúc với những nội dung thiết thực, phù hợp là việc làm mang ý nghĩa lớn, là giải pháp tốt nhất, có hiệu quả và lâu dài trong việc hạn chế, phòng ngừa những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đến các lĩnh vực xã hội, trong đó có gia đình.

Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 49 – CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Công tác xây dựng gia đình văn hóa – gia đình hạnh phúc trên địa bàn tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức trách nhiệm của người dân về xây dựng gia đình được nâng lên; hoạt động kinh tế gia đình từng bước được phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” từ 78% năm 2005, tăng lên 91% năm 2019. Các mối quan hệ trong gia đình ngày càng được tôn trọng, bình đẳng. Đặc biệt, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 đã được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, nhất là ở cơ sở quan tâm tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm kết nối yêu thương, có tác dụng tích cực với đời sống cộng đồng và đối với mỗi gia đình.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ một số tồn tại cần phải khắc phục như: Việc thực hiện Luật hôn nhân và Gia đình, Luật bình đẳng giới ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; tình trạng tảo hôn bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra. Thu nhập của một số hộ gia đình còn thấp; tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống ở một số người, nhất là trong thanh niên; các tệ nạn xã hội đã và đang thâm nhập vào một số gia đình.

Xây dựng gia đình văn hóa – gia đình hạnh phúc là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, của các gia đình và của toàn xã hội. Để thực hiện được nhiệm vụ này, trong thời gian tới tỉnh ta xác định tập trung vào các giải pháp chủ yếu là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giúp các gia đình kiến thức, kỹ năng, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội; tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Quan tâm phát triển kinh tế gia đình, ưu tiên hỗ trợ các gia đình nghèo, gia đình các dân tộc thiểu số, gia đình ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng “Gia đình văn hóa”, cùng với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Hoàng Bách

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xa-luan-vdkn/nang-cao-chat-luong-cong-tac-xay-dung-gia-dinh-139441.html