Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, bước vào năm học 2023-2024, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh ta tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm theo Quyết định số 2457/QĐ-BGDĐT ngày 23/8/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, có nhiệm vụ nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Trong năm học 2022-2023, ngành tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng hơn 200 giáo viên tiểu học dạy tin học và công nghệ lớp 3 và 1.086 giáo viên dạy học tích hợp liên môn: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa Lý cấp THCS theo chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Cô và trò Trường PTDT Nội trú tỉnh Sơn La.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo đã tích cực ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và quản lý; ứng dụng giải pháp về phát triển giáo dục stem, steam; các giải pháp về thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Trong năm học qua, cán bộ, giáo viên trong ngành đã có 320 sáng kiến khoa học được công nhận cấp cơ sở; 20 sáng kiến được đề nghị Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh xem xét, thẩm định. Các sáng kiến này đã được áp dụng vào thực tế quản lý và giảng dạy tại các nhà trường. Tại Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THCS cấp tỉnh lần thứ nhất đã có 79 giáo viên được công nhận giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi; tại Hội thi giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh lần thứ XI đã có 186 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 23.500 cán bộ quản lý và giáo viên ở các cấp học. Trong đó, 21,9% số giáo viên đạt trình độ trên chuẩn; 62% số giáo viên đạt chuẩn. Có 2 phó giáo sư, 5 tiến sĩ; 430 thạc sĩ, 16.920 đại học; 4046 cao đẳng; còn lại là trung cấp và trình độ khác. Nhìn chung, đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên nhiệt huyết, yêu nghề, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Bước vào năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyển dụng số biên chế giáo viên đã được giao, bảo đảm số lượng và chất lượng, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu. Thực hiện sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Trao đổi về giải pháp nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Trong năm học này, ngành tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Tập trung bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy, đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, ngành còn quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là người dân tộc thiểu số, đảm bảo trình độ, chức danh. Thực hiện đa dạng các phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng mở, linh hoạt, phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và chuẩn trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, bậc học. Đồng thời, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất gắn với đổi mới giáo dục phổ thông. Khuyến khích đội ngũ nhà giáo tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục - đào tạo.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT chuyển trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân.

Bà Lường Thị Thắm, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, chia sẻ: Hiện nay, toàn huyện có trên 2.300 cán bộ, giáo viên, trong đó 92% đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Trong năm học này, Phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các trường học tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm; khuyến khích giáo viên tích cực nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; tăng cường sử dụng giáo án điện tử; thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên... góp phần hoàn thành tốt chương trình năm học.

Ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết thêm: Toàn ngành tập trung xây dựng tiêu chí về phẩm chất, năng lực của nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Năm học mới đã bắt đầu, với việc chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ công tác dạy và học, trong đó triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giỏi về chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người”, là cơ sở để ngành GD&ĐT hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023-2024.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/nang-cao-chat-luong-chuan-hoa-doi-ngu-giao-vien-va-can-bo-quan-ly-giao-duc-6K0ECfkSR.html