Nâng bước trò nghèo

Nhiều năm qua, tập thể giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Diên Bình, Đăk Tô, Kon Tum) đã đỡ đầu cho hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Y Như làm bạn với chiếc mũ rộng vành nhiều ngày qua bởi da đầu rụng từng mảng tóc. Ảnh: Dung Nguyễn

Đồng hành với trò

Nhiều ngày qua, Y Như - cô học sinh lớp 9A phải tập làm quen với chiếc mũ rộng vành kể cả giờ học hay lúc ra chơi. Mọi chuyện bắt đầu từ hơn 1 năm trước, khi người cha của em bất ngờ quyên sinh. Như kể rằng, gia đình không có đất sản xuất nên cha mẹ phải làm thuê cuốc mướn khắp nơi mới đủ nuôi 2 chị em ăn học.

Thế rồi những khốn khó đời thường khiến cha Y Như buồn đời và tìm đến cái chết. Không một lời dặn dò, trăng trối, người cha cứ thế bỏ mẹ con Y Như đi mãi. Kể từ đây, Y Như mắc bệnh tâm lý. Thời gian đầu vì nhớ thương cha, cô bé hay thức trắng đêm. Dần dần sức khỏe Như yếu đi, mái tóc cô bé rụng từng mảng lớn.

Vài tuần sau cái chết của cha, đỉnh đầu Y Như trụi lủi như người hói. Điều kiện khó khăn nên mẹ em cũng chẳng biết phải làm sao đành để chờ tự khỏi bệnh. Nhiều ngày sau đó, Y Như đến lớp trong tiếng xì xào bàn tán của bạn bè. Có bạn cứ vô tư cười đùa mái tóc khiến em buồn khổ.

Thế rồi trong một lần sinh hoạt lớp, cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Thu Thảo nhìn thấy mái tóc của học trò biến mất. Xót xa cho trò, cô đã an ủi, tâm sự cùng em. Biết hoàn cảnh của Y Như, ngay hôm sau cô Thảo xin nghỉ phép rồi đưa Y Như đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum khám bệnh.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định Y Như mắc căn bệnh tâm lý khiến tóc rụng dần. Các bác sĩ cũng kê đơn thuốc để Y Như về nhà điều trị. Mọi chi phí khám chữa bệnh của Y Như, cô Thảo chi trả hết. Đến nay sau một thời gian điều trị, mái tóc của Y Như có dấu hiệu mọc lại. Nhìn những sợi tóc dài ra từng ngày, Y Như thêm biết ơn cô Thảo.

“Từ ngày bố mất, một mình mẹ gồng gánh nuôi em và em gái, cuộc sống khó khăn, túng thiếu lắm. Biết được hoàn cảnh của em, cô Thảo cùng nhà trường thường xuyên giúp đỡ. Vào đầu năm học em, được cô mua tặng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Nhiều hôm đến nhà chơi, thấy mẹ con em ăn cơm với cá khô, cô lại hỗ trợ tiền để đi chợ. Em biết ơn cô và nhà trường đã quan tâm, giúp đỡ. Em hứa sẽ cố gắng học tập tốt để không phụ lòng thầy cô”, Y Như xúc động nói.

Không chỉ mình Y Như, nhiều năm qua, cô Thảo đã đỡ đầu cho hàng chục học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em vươn lên học tập.

“Gần một nửa học sinh của trường là con em người địa phương, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bởi vậy, giáo viên trong trường thường bảo nhau giúp được gì cho các em thì giúp. Nếu ngoài khả năng thì cùng nhau kêu gọi, vận động các nguồn xã hội hóa về hỗ trợ. Đây cũng là một phần trách nhiệm của những thầy, cô giáo chúng tôi”, cô Thảo bộc bạch.

Mỗi giáo viên nhận đỡ đầu 2 - 3 học sinh và hỗ trợ nhu yếu phẩm, quần áo. Ảnh: Dung Nguyễn

Đỡ đầu học sinh vùng khó

Xã Diên Bình có 2 thôn đặc biệt khó khăn là Đăk Kang Pêng và Kon Hring, chủ yếu là người Xơ Đăng sinh sống. Cũng bởi vậy học sinh tại 2 thôn được Trường THCS Nguyễn Du quan tâm đặc biệt.

Vài năm trước, xã đạt chuẩn nông thôn mới, các chế độ chính sách dành cho học sinh người địa phương cũng thay đổi. Các em không còn được hỗ trợ bữa ăn bán trú. Trong khi đó, từ thôn Kon Hring và Đăk Kang Pêng đến trường xa từ 5 - 7 km.

Phải đến trường 2 buổi/ngày, con đường đi học - về nhà của học sinh Kon Hring và Đăk Kang Pêng như dài vô tận. Thời gian đầu, học sinh 2 làng trên chỉ đi bộ. Mệt cái chân, một số em chỉ đi học 1 buổi, có em bữa đi, bữa nghỉ. Sĩ số không đảm bảo khiến chất lượng học tập dần sa sút.

Cô Phạm Thị Bích Hương - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường nhớ lại, thời gian đầu, giáo viên của trường tự bỏ tiền túi để nấu ăn cho học sinh. Thế nhưng, đồng lương của giáo viên hạn hẹp nên chỉ giải quyết được ngày một ngày hai.

“Muốn giải quyết triệt để vấn đề cần rút ngắn quãng đường hoặc thời gian di chuyển của các em. Thế nhưng, học sinh ở làng Kon Hring và Đăk Kang Pêng đa số có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, nhiều giáo viên nhà trường đã tìm mua xe đạp cũ còn sử dụng được để tặng trò”, cô Hương chia sẻ.

Phong trào tặng xe đạp cho trò nghèo dần nhân rộng, giáo viên trong trường cũng kêu gọi thêm các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chung tay hỗ trợ. Sau nhiều năm phát động, công đoàn nhà trường đã kêu gọi, vận động và hỗ trợ hơn 100 chiếc xe cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Cũng từ đây, sĩ số lớp được đảm bảo, chất lượng học tập vì thế nâng cao.

Cô Hoàng Thị Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường có 19 lớp với 645 học sinh, trong đó 314 em người dân tộc thiểu số. Thấu hiểu hoàn cảnh các em, nhiều năm qua, nhà trường tìm cách hỗ trợ bằng nhiều chương trình.

Trong đó, trường phát động kêu gọi, hỗ trợ hơn 100 xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải đi bộ đến trường. Hằng năm, trường cũng huy động các đơn vị hỗ trợ hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế cho trò nghèo.

“Đặc biệt những năm qua, tập thể giáo viên nhà trường phát động mô hình đỡ đầu học sinh vùng khó. Mỗi giáo viên đỡ đầu cho 2 - 3 học sinh tùy theo khả năng của mình. Hình thức hỗ trợ bằng nhiều cách như mua quần áo, dụng cụ học tập, bảo hiểm y tế, xe đạp. Chỉ trong giai đoạn 2022 - 2024, 35 giáo viên của trường đã và đang đỡ đầu cho 50 em”, cô Hải nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô cho hay, hằng năm ngành GD-ĐT huyện có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học thường xuyên quan tâm, giúp đỡ học sinh dân tộc thiểu số, nghèo, mồ côi... được đến trường, lớp đầy đủ.

Với mô hình “Mẹ đỡ đầu”, một số đơn vị trên địa bàn huyện đang triển khai. Đặc biệt, Trường THCS Nguyễn Du là một trong những đơn vị tiêu biểu, thực hiện tốt mô hình này. Phòng GD&ĐT nhận thấy mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cần nhân rộng, lan tỏa, giúp học sinh có điều kiện đến lớp.

Trang Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-buoc-tro-ngheo-post676511.html