Nắng bên sông

Bà Hoài lau những giọt nước mắt ướt đôi gò má, nhìn theo chiếc xe hoa đang rẽ lối đưa con gái sang sông rời phố núi.

Tối qua, Nắng vẫn nằm cạnh nũng nịu đòi mẹ kẹp chân sưởi ấm như ngày còn bé thơ. Sớm nay, nó còn đòi mẹ buộc lại mái tóc và cài lên chiếc trâm màu bạc bà từng đeo trong ngày cưới. Nắng bảo chẳng cần nhung lụa bạc vàng chỉ cần chiếc trâm cài của mẹ để lúc ở nhà chồng vẫn thấy như có bố mẹ ở bên.

Bà nghĩ đến cô học trò năm xưa, nếu cô ấy biết tin đứa trẻ được ông bà nhận nuôi năm nào giờ đã hạnh phúc trong váy áo cô dâu, chắc hẳn cũng sẽ vui biết chừng nào.

Ảnh minh họa.

Hôm trước, bà xem tin tức trong nhóm facebook nơi bà từng làm việc. Một người phụ nữ đăng thông tin tìm lại đứa con gái là kết quả của tình yêu thời học sinh. Cô ấy viết rằng, bố mẹ cô gái đã cho đứa con vừa lọt lòng làm con nuôi khi cô chỉ vừa một thoáng ấp ôm. Giờ cô chỉ mong được biết thông tin của con, cô hứa sẽ không làm xáo trộn cuộc sống của gia đình đã nhận nuôi đứa trẻ. Dòng tin ấy khiến bà cảm thấy do dự, băn khoăn. Với bà, Nắng là món quà vô giá mà miền đất công trường năm xưa đã ban tặng.

Bà trở về nhà, thắp nén hương lên ban thờ, trong di ảnh hình như ông Sơn cũng đang mỉm cười với bà. Mấy đêm trước bà mơ thấy ông nói với bà: "Giờ thì bà có thể yên tâm khi trao gửi con gái về làm con dâu người bạn thân năm nào". Năm đó, căn bệnh ung thư phổi tích tụ từ bụi khói công trường đã mang ông rời xa bà khi chớm tuổi về hưu.

***

Một đêm, trong ca trực bệnh viện nơi miền công trường, câu chuyện của hai cô y tá trẻ Nhâm và Hoài bị cắt ngang khi chiếc xe ca phanh gấp. Vài người đàn ông lấm lem cát bụi vội khênh một người người dính đầy máu lên chiếc băng ca đẩy về phía phòng cấp cứu. Người đàn ông đi cùng vừa đẩy băng ca vừa nói với bác sĩ rằng chàng thanh niên chưa quen với con đường gập ghềnh, ngổn ngang sắt thép của công trường xây dựng nên bị vấp ngã xuống hố sâu. Cánh cửa phòng cấp cứu khép lại tiếng dao kéo chạm nhau cùng tiếng bác sĩ gọi tên cô y tá là Hoài và Nhâm.

Ở miền công trường này đôi ba ngày lại có những ca cấp cứu vì tai nạn lao động.

Nhâm và Hoài lại cùng vào phòng cấp cứu phụ giúp bác sĩ chữa trị vết thương cho bệnh nhân. Nhâm và Hoài đã quen với mùi máu trộn mồ hôi. Đôi khi gặp những ca nặng hai chị em cũng đau xót như những người thân của họ khi nhìn một người nhắm mắt xuôi tay về thế giới bên kia.

Nhâm là bạn thân cùng phòng với Hoài từ những năm tháng còn là sinh viên trường y. Tốt nghiệp, hai cô tình nguyện lên làm việc tại bệnh viện miền núi này. Hồi mới lên đây, tính cách cứng rắn của Nhâm bị vẻ u ám, hoang sơ, tẻ nhạt của núi rừng hạ gục. Nhâm định khoác ba lô về phố nhưng chợt gặp ánh mắt yếu đuối của Hoài níu lại. Những năm tháng sinh viên Nhâm đã quen chăm sóc Hoài như một người chị gái. Nhâm không muốn cô bạn thân cô đơn nên đã ở lại với núi rừng.

Ca cấp cứu kết thúc, vết máu và bụi đất trên khuôn mặt được lau đi, Nhâm nhận ra Sơn - người bạn thân thời học sinh khi nhóm bạn cùng làng còn phải đội mũ rơm đến lớp.

Tính cách Nhâm mạnh mẽ như con trai nên được đám bạn coi như thủ lĩnh sau lần một mình bơi thi và giành chiến thắng gã thủ lĩnh làng bên. Ngược lại Sơn là con trai nhưng nhút nhát. Một lần vì muốn thay đổi tính cách của bạn. Nhâm bắt Sơn cùng bơi với mình qua khúc sông chảy xiết khiến Sơn suýt đuối nước nếu không bám kịp vào cây chuối đang trôi. Sơn luôn bị Nhâm bắt nạt nếu như không có lần hai đứa mò trai bên sông. Trong làng, âm thanh của chiếc loa vọng đến khúc sông cảnh báo có máy bay địch đến ném bom. Tiếng máy bay ngày càng gần khiến Nhâm nhụt chí chạy lên bờ lao về phía bụi cây. Chiếc chậu nhôm phản chiếu ánh sáng lên bầu trời khiến máy bay ném bom của địch lầm tưởng là mục tiêu. Chiếc máy bay bắt đầu trút những quả bom đen sì xuống dòng sông. Nhâm vừa rợm bước thì bị bàn tay của Sơn kéo lại. Sơn kéo Nhâm ngụp xuống dòng sông. Quả bom nổ phía bên kia sông khiến những con sóng ngầm xô đến hất văng hai bàn tay rời nhau.Sơn nhoài người giữ lấy cô bạn trong cơn hốt hoảng đang bị con sóng cuốn đi.

Một thời gian sau Sơn theo bố mẹ đến vùng kinh tế mới, chẳng ngờ hai người lại tái ngộ ở miền đất này khi đất nước đã hòa bình.

***

Mấy lần, nhìn người đồng nghiệp vụng về đút những thìa cháo cho Sơn. Hoài bỗng thấy thương chàng trai này. Khi không có những người đồng nghiệp ở bên, khúc bột cứng ngắc cùng sợi dây bó buộc, níu giữ cánh tay khiến Sơn nhăn nhó, đau đớn nhất là lúc cố nhoài người với cốc nước. Thấy vậy, Hoài lại rót nước giúp Sơn rồi nhắc Sơn uống thuốc. Mấy lần bàn tay, đôi mắt vô tình chạm nhau làm Hoài nóng bừng khuôn mặt. Sơn là người đàn ông đầu tiên mang cảm giác nhớ nhung khiến Hoài thường hay trầm tư suy nghĩ.

Một lần vô tình bắt gặp, Nhâm trêu "yêu rồi phải không?" Hoài lảng tránh ánh mắt cô bạn cùng phòng đang nhìn mình nghi hoặc.

Bố mẹ mất trong một trận bom, tuổi thơ thiếu yêu thương của gia đình khiến Hoài thêm nhút nhát, khép lòng với những người bạn khác giới. Nhâm nói tiếp như đọc được suy nghĩ của cô bạn "Sơn là người tốt, nếu nó có ý thì mày cũng lên mở lòng". Có lẽ Nhâm biết đêm qua Hoài lén thức giấc soi đèn đọc trang thư Sơn gửi.

Nhâm vun vén cho mối tình của Hoài và Sơn bằng tình bạn giữa ba người.

Kỷ vật Sơn cầu hôn Hoài là chiếc trâm cài đầu Sơn khéo léo mài giũa từ mảnh thép không rỉ của công trường. Ngày rước dâu, Hoài cài chiếc trâm lấp lánh ánh bạc theo Sơn về căn nhà bên sông.

***

Sau ngày công trình hoàn thành, ông Sơn nhận được lệnh thuyên chuyển công tác. Ông hỏi ý kiến bà Hoài xem có muốn cùng ông vào Tây Nguyên. Bà Hoài do dự bởi nơi đây còn căn nhà ông bà bao năm chung sống. Căn nhà tuy nhỏ nhưng bà cũng cảm thấy thênh thang bởi thiếu vắng tiếng khóc cười con trẻ.

Nhiều lúc ông đi làm bà không thể tìm ai đó hiểu nỗi lòng bà để tâm sự. Nhâm đã lấy chồng là một chàng trai gốc Hà Nội, còn những người hàng xóm nhìn bà như một thứ "cây độc không hoa". Bà nghĩ còn gì đau xót hơn khi bà làm việc trong ngành y mà lại không chữa được căn bệnh của mình.

Một lần, nghe mọi người mách bảo, ông bà tìm đến một bà lang trên mạn ngược. Bà lang sau khi bắt mạch cho bà bảo: "Tôi sẽ cắt thử vài thang thuốc để hai vợ chồng uống may ra còn hy vọng chứ cơ địa của cô sẽ rất khó. Dưới xuôi từng có những cô gái vài lần bỏ thai, uống thuốc của tôi vẫn chửa đẻ lại được".

Bà nghĩ đến những cô gái từng là bệnh nhân của bà, ra khỏi phòng phẫu thuật với những cơn đau nhưng ngay sau đó trên môi lại nở nụ cười lãng quên. Có thể, những sinh linh ấy đã ám lấy bà bởi bà là người trực tiếp cướp đi sự sống của chúng.

Bà quyết định theo ông về miền đất mới khi những thang thuốc của bà lang nơi miền ngược chẳng thể phôi thai một mầm sống trong bụng bà. Bà hy vọng sự thay đổi môi trường có thể giúp bà quên đi những đứa trẻ vẫn đến quấy khóc trong giấc mơ.

Căn nhà mới của ông bà nhìn về phía cổng trường trường cấp 1.

Sớm chiều, nhìn những phụ huynh đưa đón con đến lớp, bà Hoài cảm thấy bớt đi phần nào cô đơn. Nhưng khi sân trường chỉ trơ trọi lại những hàng cây, cảm giác vắng lặng, thênh thang lại ùa đến trong lòng bà.

Một ngày, bà Hoài vừa đến bệnh viện. Một người đồng nghiệp nói nhỏ với bà.

- Con gái người đồng hương của em sắp sinh. Gia đình nhà ấy muốn giấu việc con gái mình đi học mà mang thai nên đã đưa nó đến một nơi xa để chăm sóc đợi ngày sinh. Gia đình ấy muốn em đỡ đẻ cho nó. Em cần sự giúp đỡ của chị.

Bà Hoài khoác chiếc túi y tế, theo người đồng nghiệp vượt dốc đèo đến căn lều khuất lấp trong rẫy cà phê. Cô gái đang đau đớn cắn chặt chiếc áo trắng in phù hiệu một trường trung học.

Bà và người đồng nghiệp đặt dụng cụ y tế lên chiếc chõng tre tiến hành ca đỡ đẻ chưa từng có trong mấy chục năm làm nghề y của bà. Tiếng khóc chào đời của đứa bé trên mắt môi nhỏ xinh làm bà lóng ngóng suýt đánh rơi khay đựng dụng cụ y tế. Bà thốt lên: Đứa bé xinh quá!

Bà đưa bé gái cho người mẹ mà đôi mắt mải ngắm nhìn với những thương yêu dâng tràn. Bố cô gái sau khi đặt chiếc phong bì cảm ơn vào tay Hoài, buông tiếng thở dài.

- Mong cô có thể tìm giúp một gia đình có thể chăm sóc đứa bé.

Người đồng nghiệp nhìn bà Hoài bằng đôi mắt cảm thông khi bà vẫn đang nựng nịu, dỗ dành đứa trẻ. Nghe người đàn ông nhắc đến việc cho đi đứa trẻ, trong lòng bà như có ngọn lửa hy vọng được nhen lên. Đôi mắt lại hướng về đứa bé vừa chào đời.

***

Ông bà đặt tên con là Nắng, tia nắng sưởi ấm những mùa đông đã bao năm băng giá trong lòng. Để cuộc sống yên lành, hai ông bà đã mang Nắng trở về mảnh đất lần đầu tiên gặp nhau.

Ngày ông phát hiện ra căn bệnh quái ác trong người cũng là khi Nắng vừa tròn đôi mươi. Ông bảo bà hãy ở lại thay ông chăm sóc và nhìn thấy con gái của mình được hạnh phúc.

Một lần, bà Nhâm và cậu con trai rẽ vào thăm bà Hoài sau chuyến du lịch. Trông thấy Nắng đôi mắt con trai bà Nhâm cứ dõi theo dáng hình, bước chân của cô gái xinh đẹp.

Hai người mẹ nhận ra sự bối rối trên khuôn mặt hai đứa con nên đã vun vén tình duyên cho đôi trẻ, như cách mà ngày xưa những người bạn già từng vun vén cho nhau.

Bà cầm chiếc điện thoại, gửi một tin nhắn cho cô học trò năm nào để cô biết rằng đứa con cô sinh ra đã tìm thấy hạnh phúc. Cuối ngày, hoàng hôn vẫn gieo những hạt nắng bên sông.

Truyện ngắn của Kiều Xuân Quỳnh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/404405/nang-ben-song.html