Nạn lừa bịp quanh miếu Bà Châu Đốc

Dù thời gian tổ chức lễ hội vía Bà Châu Đốc hàng năm từ 23 đến 27-4 AL, nhưng ngay đêm giao thừa, đã có rất đông người đến lễ Bà đầu năm. Số lượng người đi lễ Bà ngày càng đông và kéo dài cho đến hết tháng 4 AL. Di tích văn hóa, lịch sử và du lịch núi Sam Châu Đốc, trong đó, quần thể miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng ông Thoại Ngọc Hầu từ lâu đã trở thành một trong những điểm du lịch tâm linh của khách thập phương đến viếng và cúng bái. Song, nơi này luôn bị nhũng nhiễu bởi đủ kiểu lừa bịp, làm tiền…!

Những con heo quay có thể bán để cúng quay vòng nhiều lần.

Khách đến viếng miếu Bà Châu Đốc năm nay, ai nấy thảy đều ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước một tấm bảng cấm đi thẳng vào miếu Bà, mà phải rẽ trái một vòng xa khoảng một cây số và bắt buộc mua vé vào cổng mỗi người 15.000 đồng. Một kiểu thu tiền đã gây nhiều bức xúc cho người đến cúng kiếng và lễ chùa. Chúng tôi chứng kiến một đoàn khách hành hương 3 xe 50 chỗ ngồi đến viếng miếu Bà đầu năm bị chặn lại mua vé, bà trưởng đoàn cứ đứng tần ngần khi phải chi ra 2.250.000 đồng tiền vé vào cổng. Bà lộ vẻ bất mãn càu nhàu: “Móc túi bá tánh thập phương đi chùa kiểu này thiệt là quá đáng”.

Quanh khu vực miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu vô cùng bát nháo trước sự hoạt động nhộn nhịp của đội quân bán nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, cây trái… chèo kéo khách mất trật tự, nhất là “binh đoàn” cò… xin xăm, bói toán, bán heo quay cúng, xe ôm đưa đón lên núi.

Trên đoạn đường từ miếu Bà đến chùa Tây An chỉ vài bước mà chúng tôi đã bị rối chân bởi đám cò này bu quanh đeo bám. Cò xăm - bói ở đây thật đa dạng, từ anh xe ôm đến những người bán nhang đèn, đồ cúng lễ, đồ ăn nước uống đến chị bán vé số, ai ai cũng có nghiệp vụ làm cò… thuần thục và dẻo mồm! Kè kè theo chúng tôi hai bên là cậu trai bán nhang tuổi chừng 15 và cô bán vé số còn trẻ luôn miệng giới thiệu những thương hiệu bói toán nhan nhản quanh đây!

Vẻ như xiêu lòng bởi những lời tiếp thị có cánh, chúng tôi được cò đưa đến một căn nhà nhỏ mái lợp tôn thấp lè tè nằm khuất bên dưới phía trái lăng Thoại Ngọc Hầu. Căn nhà này chiều ngang chừng 4m, phía trước được ngăn ra làm trang thờ gồm nhiều tượng bà, tượng ông… và đây cũng là nơi cho khách xủ quẻ, xin xăm. Phía sau là nhiều phòng nhỏ ẩm thấp dùng để các thầy giải xăm, coi bói! Thấy chúng tôi tỏ ra ngần ngại không tin tưởng, cò nhang và cò vé số xúm lại vừa trấn an vừa quảng cáo: “Thầy cả am này là… đệ tử ruột của bà Xứ sơn lâm, có tay nghề cao lắm!”.

Nghe vậy chúng tôi bèn thắc mắc “Bà Xứ sơn lâm là bà… nào, sao không thấy sử sách nói tới?!”. Cò liền thuyết minh: “Bà này giữ rừng, giữ núi ở đây nên mới có tên bà Xứ sơn lâm, bả linh… lắm, cầu gì được nấy!”. Đứng phía trên nhìn xuống cửa sổ mấy căn phòng, thấy phòng nào cũng có vài khách nữ đang chăm chú lắng nghe lời phán của các thầy bói toán.

Chúng tôi định rảo một vòng tham quan, nhưng vừa bước xuống được mấy bậc thềm, đã phải khựng lại rồi thối lui vì đụng phải đội ngũ tiếp thị trong am ùa ra trong trang phục quần jean áo thun, nón lưỡi trai sùm sụp. Liếc thấy mặt thầy nào cũng ngầu ngầu, chúng tôi viện cớ: “Để chờ người nhà cúng lễ xong rồi xuống xem một lượt”.

Thấy chúng tôi mới xuống đã dội lên cùng với những lời lẽ thiếu văn hóa của nhóm cò vừa sẩy miếng mồi, mấy chị ngồi tránh nắng trên băng đá cạnh đường đi bắt chuyện: “Mấy cậu không coi là may mắn đầu năm rồi đó, tụi tui vừa bị cò dụ xuống am xin xăm coi bói. Sợ tốn nhiều tiền, tui hỏi giá trước thì cò nói là mấy cô dì muốn đặt quẻ bao nhiêu cũng được. Vậy mà rốt cuộc phải tốn cả bạc triệu vì bị ép mua đồ cúng”.

Cô gái ngồi kế bên còn lộ vẻ thất thần trên nét mặt cho biết thêm: “Mới đầu họ nói ngon ngọt lắm, coi bói xong đặt tiền quẻ 100.000 đồng, họ không chịu, đòi phải đưa tiền mua đồ cúng thiệt nhiều nếu không thì chẳng được bình yên. Thấy mấy ông dưới đó bặm trợn quá đành móc tiền đưa họ mua đồ cúng giùm. Lấy tiền xong, họ bảo cứ yên tâm về nhà, ở đây họ tự mua đồ cúng cho bình an gia đạo. Rốt cuộc tiền họ bỏ túi, có thấy được họ cúng kiếng gì đâu!”.

Ngoài am bà Xứ sơn lâm, chúng tôi còn được đám cò giới thiệu đến bà Năm xem lá cây đóng đô thường trực ở bên trái phía sau chùa Ông. Qua lời cò giới thiệu là bà Năm nhờ có Bà theo độ, nên bà có phương pháp xem bói rất đặc biệt, không như những người khác bói bài, xem chỉ tay xưa như trái đất. Đến với bà Năm, khách chỉ cần bứt bất kỳ nhánh lá cây nào, bà Năm đếm xem có bao nhiêu lá cây xong sẽ cho biết tất tần tật quá khứ vị lai, tình duyên gia đạo, công danh sự nghiệp… Đặc biệt đầu năm mới, bà sẽ gieo cho quẻ Ngũ Hổ dũng mãnh như… cọp, làm ăn đánh đâu thắng đó!

Một du khách nữ trẻ đẹp, có lẽ do mới đến đây lần đầu đã nhẹ dạ cả tin mà “sập bẫy” hết 400.000 đồng vì những lời phán của bà Năm. Bà nói là cô bị hạn tam tai, nếu không cúng kiếng sẽ rước lấy tai họa không lường trước được. Đã vậy cô còn bị mấy bà xem chỉ tay ngồi dọc theo mấy ngôi mộ sau chùa mồi chài xem bói chỉ có 20.000 đồng/quẻ. Thấy giá rẻ cùng với những lời ngon ngọt như mía lùi: “Cô có tướng sang trọng kia ơi, bàn tay ngòi viết của cô đỏ hồng, nhưng có ngã màu vàng, chứng tỏ cô đang có tâm sự buồn, để tôi coi một quẻ đầu năm, giúp cô ngừa những điều xui xẻo”. Vừa nói bà vừa nhẹ nhàng nắm lấy tay cô rồi xuýt xoa đủ điều, khiến cô không thể nào cất bước đi được.

Sau khi nói ba điều bốn chuyện, bà thầy phán là cô mang một thẻ nhang khấn nguyện rồi để nguyên lên bệ đá cúng, không cần đốt. Tức thì có một cậu trai bán nhang gần đó nhanh nhẹn đến đưa cô 5 thẻ nhang với những lời như ra lệnh của bà thầy: “Cứ để 5 thẻ nhang lên kệ rồi chấp tay khấn nguyện điều mình mong muốn là được”. Vừa cầm 5 thẻ nhang mới xá có một xá, thằng bé bán nhang đã đòi cô trả 50.000 đồng!

Cô trố mắt ngạc nhiên lẫn bực tức vì kiểu làm tiền quá đổi “ngọt ngào” của bà thầy xem chỉ tay với chú bé bán nhang. Thằng bé trợn mắt hung dữ nói là mặc dù cô không đốt, nhưng đã chấp tay xá trước bệ đá thì kể như cô đã cúng rồi, làm sao nó bán cho người khác được?! Sau khi nhận tiền và chờ cho cô vừa bước đi, chú bé bán nhang đã vội chạy lại với đôi mắt lém lỉnh, lấy 5 thẻ nhang đi rao bán tiếp!

Cò mồi mời xem bói toán.

Chúng tôi gặp một người đang ngả giá mua một con heo quay cúng Bà. Người bán tự xưng là chủ lò heo quay, chứ không phải “cò” ra giá là hai triệu rưỡi một con khoảng 10kg, với lời cam kết là sẽ đưa khách đến tận lò quay, xem cụ thể, ưng thì mua, không thì thôi, chủ lò heo quay sẵn sàng đưa đi đón về không tính tiền xe. Người mua heo quay cúng là một phụ nữ tuổi khoảng 50, tỏ vẻ ngần ngại, vì heo to quá, cúng xong phải mang về thành phố xa xôi, quá nhiêu khê. Chủ lò heo liền nhanh nhảu gợi ý: “Có hề gì đâu, cúng xong chúng tôi sẵn sàng mua lại, để bán cho mấy tiệm cơm”.

Như trút được sự phiền toái vì phải tay xách nách mang quá phiền toái, người mua liền hỏi dồn: “Ông định mua lại bao nhiêu?”. Như đã tính toán trước, ông ta trả lời gọn lỏn: “Một triệu rưỡi”. Người mua há hốc ngạc nhiên: “Tôi lỗ tới một triệu đồng”. Tay chủ lò heo quay tiếp tục nhỏ nhẹ: “Quan trọng là mình cúng trả lễ cho Bà, có mất mát vào đâu”. Biết cá đã cắn câu, dù người mua cố nài bớt một thêm hai, tên chủ lò heo quay làm như không cần, dứt giá y vậy.

Nhìn người phụ nữ ngồi sau xe Honda của tay chủ lò heo quay chở đi khuất sau dòng người đông đảo, tôi ngao ngán thở dài. Có ai chắc rằng con heo quay vừa cúng xong và chủ lò nhận mua lại, liệu có thật sự con heo đó mang bán cho các tiệm cơm, hay vẫn tiếp tục quay vòng đến những người mua heo cúng?!

Nạn nhũng nhiễu bát nháo của những người có thể nói là mua thần bán thánh đã đến mức báo động, thậm chí một anh xe ôm nơi này cũng tỏ ý bất mãn cho biết: “Có một ông thường xuyên trà trộn vào nơi cúng kiếng, lấy tiền, cây trái của người hành hương bày cúng, mà có thấy ai xử lý để kịp thời ngăn chặn hành vi như ăn cướp đó. Bày trò thu tiền cho cố, tiền thầy bỏ túi, còn ai chết mặc kệ”

NGỌC BÍCH - HẢI ANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2014/2/340414/