Năm Thìn nói chuyện rồng

Theo thứ tự 12 con giáp, năm Mão (mèo) đi qua sẽ nhường ngôi cai quản thời gian lại cho năm Thìn (rồng).

Rồng là con vật duy nhất không có thật trong số 12 con giáp của người phương Đông. Đây cũng được xem là con vật linh thiêng nhất trong lịch của người châu Á, là biểu trưng cho quyền lực của bậc vua chúa thời xưa.

Ở phương Đông, con rồng đứng đầu trong “Tứ linh” gồm: long (rồng) - lân (kỳ lân) - quy (rùa) - phụng (chim phượng). Bốn loài này được tôn xưng là những linh thú cao quý và được chọn làm biểu tượng, chủ đề điêu khắc, trang trí, thờ tự trong các công trình kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa và tín ngưỡng của nhiều dân tộc Á Đông, trong đó có Việt Nam.

Hình tượng con rồng Việt Nam thời Lý. Ảnh internet

Hình tượng con rồng ở châu Á thường được mô tả là thân uốn hình sin 12 khúc, đại diện cho 12 tháng trong năm; thân mềm mại thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên, cai quản thời tiết, mùa màng; trên lưng rồng có vây nhỏ liền mạch, đều đặn; đầu có bờm dài, râu cằm, mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên, lưỡi mảnh rất dài...

Chữ “rồng” theo âm Hán Việt gọi là “long”. Con rồng được chuyển hóa, tượng trưng cho quyền uy tối thượng. Chỗ ở của vua gọi là “long cung”, giường vua ngủ là “long sàng”, mình vua là “long thể”, gương mặt vua là “long nhan”, áo vua mặc là “long bào” thêu con rồng năm móng...

Bộ phim hoạt hình “Con rồng cháu tiên” do hơn 100 nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo trong 180 ngày và ra mắt năm 2017.

Rồng đi vào đời sống tâm linh của người Việt với sự tích “con rồng, cháu tiên” vô cùng độc đáo. Lạc Long Quân là con trai của vua Kinh Dương Vương và thần Long Nữ. Âu Cơ là con gái của vua Đế Lai. Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở thành một trăm người con trai. Lạc Long Quân là cốt rồng, Âu Cơ là cốt tiên. Tiên ở núi, rồng ở dưới nước, nên 50 người con theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi. Nguồn gốc “con rồng, cháu tiên” của dân tộc Việt là vậy.

Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lưu về Đại La. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Không chỉ là huyền thoại về dòng giống của người Việt, rồng còn là biểu tượng của Thủ đô nước ta. Thăng Long (rồng bay lên) là tên gọi gắn liền với truyền thuyết về việc dời đô của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn). Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết lý do hình thành tên gọi này như sau: “Mùa Thu, năm Canh Tuất (1010), vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”.

Ở Việt Nam, rồng còn là biểu tượng của thân hình đất nước. Khắp nước ta đâu đâu cũng có địa danh mang tên rồng: Thăng Long, Hạ Long, Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ, Long Biên, Long Đỗ, Long Điền, Hoàng Long, Hàm Long, Hàm Rồng, Long An, Vĩnh Long, Phước Long, Cửu Long...

Rồng cũng được thể hiện trong đời sống, ngôn ngữ. Trong thành ngữ tiếng Việt, rồng đã tạo nên một bộ sưu tập khá phong phú. Biểu hiện sự sang hèn, tốt xấu: Đầu rồng, đuôi tôm/ Rồng đến nhà tôm/ Vẽ rồng nên giun. Biểu hiện sự sang trọng: Thêu rồng, vẽ phượng/ Chạm rồng, trổ phượng. Biểu hiện sự may mắn: Như cá gặp nước, như rồng gặp mây/ Rồng mây gặp hội (long vân khánh hội). Biểu hiện sự xuất chúng: Rồng bay, phượng múa/ Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo...

Thác Vũ Môn (xã Phú Gia, Hương Khê) gắn với truyền thuyết “cá chép hóa rồng” và là địa danh được nhiều người mong muốn tìm đến khám phá.

Sự tích cá chép hóa rồng cũng được lưu truyền lâu đời trong dân gian Việt Nam. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, trên dãy núi Giăng Màn (Hương Khê, Hà Tĩnh) có một thác nước lớn tên là Vũ Môn, gồm 3 bậc, mỗi bậc cao vài trượng, đứng xa mấy trăm dặm vẫn trông thấy như một làn khói sừng sững trên nền núi xanh. Thác Vũ Môn gắn với câu chuyện cá chép hóa rồng: “Mồng Bảy cá đi ăn thề/ Mồng Tám cá về vượt thác Vũ Môn”.

Chuyện kể rằng, vào một năm, trời hạn hán nhưng số rồng quá ít, không đủ làm mưa cho muôn loài. Long Vương tổ chức kỳ thi vượt Vũ Môn. Con vật nào 3 lần vượt Vũ Môn thành công sẽ được ban phép hóa thành rồng, phun nước làm mưa cứu giúp muôn loài. Khi cuộc thi được loan báo, các con vật đều rất náo nức nhưng chỉ có cá chép là chăm chỉ luyện tập. Đến ngày thi đấu, đại diện các loài đều bị loại, chỉ có cá chép là vượt vũ môn thành công và hóa thành rồng.

Cá chép hóa rồng phun nước tạo mưa, muôn loài sung sướng, sự sống hồi sinh. Nội dung câu chuyện tuy ngắn gọn nhưng lại hàm chứa ý nghĩa sâu sắc và trở thành biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công của các sĩ tử.

Đặng Phương

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/nam-thin-noi-chuyen-rong/261590.htm