Nam sinh Sư phạm biết ơn vì lựa chọn thi đại học lần thứ 2 của mình

Nông Thanh Đối (sinh năm 2003) quê ở Hà Giang là sinh viên năm 2, khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bản thân gặp không ít khó khăn trong quá trình ôn thi đại học lần thứ 2 để 'được là mình' và theo đuổi đam mê. Nhiều lần đứng giữa 'ngã ba' cuộc đời, giữa những quyết định mạo hiểm, nhưng nhờ sự quyết tâm, phấn đấu và đồng hành từ gia đình, Đối đã đến gần hơn với ước mơ văn học, trở thành một người thầy giáo truyền lửa tới học sinh.

Chặng đầu tiên: Mình từ bỏ “cái mác” Ngoại giao để theo đuổi đam mê văn học

Năm 2021, mình từng là tân sinh viên Học viện Ngoại giao, một ngôi trường danh giá và có tiếng tại Hà Nội. Theo tư vấn của gia đình, mình đã nộp đơn xét tuyển vào học viện với niềm tin rằng sau khi ra trường chắc chắn sẽ có một công việc tốt. Nhưng sau một kỳ theo học, mình cảm thấy chán nản khi không thể bắt kịp nội dung bài giảng, lúc đó đam mê văn học cháy rực trong mình hơn bao giờ. Mình mạo hiểm đưa ra một quyết định: Thôi học Ngoại giao và thi lại đại học lần thứ 2, theo đuổi khoa Ngữ văn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhiều người cho rằng lựa chọn ấy là sai lầm, họ nghi ngại về động lực của mình và lo lắng mình sẽ sớm nản chí mà từ bỏ. Không ít lần mình nghe được đánh giá: “Một năm chậm hơn bạn bè đồng trang lứa”, “Một năm ăn bám gia đình”,... Những áp lực đó không khiến mình nhụt chí mà chính là động lực lớn hơn để nỗ lực và chứng tỏ bản thân.

Hãy theo đuổi đam mê vì thành công sẽ theo đuổi bạn.

Mình quyết định thi lại với quan điểm “Không đỗ thì không thi lại!”, phải làm bằng được, phải đạt được mục tiêu bằng được. Trong quá trình ôn thi, mình chuyên tâm lựa chọn giải đề nâng cao, đề từ các trường chuyên để rèn luyện thêm kỹ năng phản ứng câu hỏi, đặc biệt là những câu khó, phân loại học sinh. Những sự kiện lịch sử khó nhớ, mình viết ra tờ ghi chú, dán đầy cửa sổ, mỗi ngày nhớ thêm một chút. Phương pháp này giúp mình nhớ tốt hơn và học tập hiệu quả hơn.

Chặng thứ hai: Mình phân vân giữa “ngã ba” cuộc đời, giữa lựa chọn đi học và đi làm

Trong thời gian đợi kết quả thi đại học lần thứ 2, mình cùng mẹ xuống Hà Nội đi làm thêm. Mình làm nhân viên tại một nhà hàng sang trọng và nổi tiếng. Hàng ngày, mình phục vụ những vị khách giàu có, địa vị cao trong công việc và xã hội. Mình vẫn thường gọi họ là “người thuộc giới thượng lưu”. Mình tự hỏi: “Sao họ có nhiều tiền như vậy nhỉ?”, “Ước gì mình được như họ?”... Quan sát cách họ hưởng thụ và thanh toán những khoản chi tiêu lớn khiến mình mong muốn tìm kiếm cách làm giàu nhanh nhất. Trên mạng một khóa học sale cam kết kiếm số tiền lớn ngay khi theo học đã đập vào mắt mình. Lúc này, mình thực sự phân vân giữa đi học và đi làm. Thay vì dành 4 năm học đại học thì mình có thể bắt đầu một công việc kiếm tiền. Có tiền sớm thì mình có thể sống và hưởng thụ sớm.

Không suy nghĩ thêm, mình đặt vấn đề với mẹ: “Mẹ cho con 200 triệu để con đi học sale được không ạ?”. Và câu trả lời thẳng thừng của mẹ khiến mình bừng tỉnh và quay trở về với thực tại: “Mỡ đấy mà húp con ạ, nếu giàu được như vậy thì ai cũng giàu hết rồi!”. Trong phút chốc, mình đã bồng bột đưa ra quyết định mà không hề có sự tìm hiểu kĩ lưỡng và tính toán.

Hình ảnh Đối và mẹ của mình.

Đúng là không có con đường nào dẫn đến thành công đơn giản và dễ dàng. Con người phải trải qua bao khó khăn, thử thách, thất bại mới có thể đạt được những cột mốc lớn. Mình nhận ra rằng, đường đi vững chãi nhất, có lợi nhất để đạt được thành công chính là con đường học tập. Việc trau dồi thêm kiến thức không bao giờ là phí phạm, học càng nhiều, biết càng nhiều, cơ hội cũng mở ra nhiều hơn. Mình luôn cảm ơn mẹ và gia đình vì luôn đồng hành, giúp mình ngộ nhận ra những điều quan trọng. Nhờ vậy, ở cái độ tuổi 20, thay vì lựa chọn một công việc toàn thời gian hay bị lừa bởi các khóa học kiếm tiền đơn giản, mình đã chọn tiếp tục đi học và tiến gần hơn với ước mơ trở thành một thầy giáo dạy Văn có trách nhiệm.

Thanh Đối đang đứng lớp giảng môn chuyên ngành: “Nghề giáo viên là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.

Chặng thứ ba: Mình đỗ khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với 29 điểm

Khi nhận được thông báo trúng tuyển đại học lần thứ 2, mình không còn hồi hộp như năm đầu tiên. Xuyên suốt quá trình ôn thi, làm bài thi, chờ đợi kết quả, mình luôn tự tin rằng mình sẽ đỗ, phải đỗ. Hiện tại khi nhìn lại, mình cũng phải nể phục, biết ơn bản thân vì những nỗ lực năm ấy, những đêm cày đề tối muộn, những trang sách đọc mãi, chiếc cửa sổ dính đầy tờ ghi chú nhiều màu sắc.

Bước chân vào Sư phạm, mình được học và trải nghiệm rất nhiều. Mình được đứng trên bục giảng, được chỉ dạy các em học sinh, được “đắm mình” trong văn học. Mình tham gia Câu lạc bộ Dạy học Tình nguyện tại trường, mỗi buổi dạy mình lại học thêm được những kỹ năng mới, có những góc nhìn mới. Mỗi em học sinh cần có một cách dạy khác nhau, không thể áp đặt máy móc. Bên cạnh đó, mình cũng may mắn quen thân với một nhóm bạn, ngoài điểm chung về đam mê văn học, chúng mình còn cùng nhau viết lên những bài thơ, bài hát. Một trò chơi giữa giờ mà chúng mình thường làm là thi nhau sáng tác thơ. Nghe có vẻ “bất bình thường” nhưng chúng tớ cảm thấy vui, hòa quyện và hiểu nhau hơn. Đến bây giờ, mình tự tin khẳng định lựa chọn thi lại đại học là điều đúng đắn nhất mình từng làm và mình biết ơn bản thân vì quyết định đó.

Thanh Đối nhận giấy khen Sinh viên giỏi cùng với thầy Nguyễn Việt Hùng - Giảng viên bộ môn Văn học dân gian tại trường.

Nếu bạn đang phân vân, lo sợ khi sắp đưa ra một quyết định mạo hiểm trong cuộc đời, bạn nên thử ngồi xuống và viết ra những kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện nó. Sau đó, dùng hết trí lực và tâm lực, quyết tâm làm cho bằng được. Mình tin rằng mọi nỗ lực bạn phấn đấu sẽ không vô ích, bạn sẽ sớm đạt được thành công. Hoặc nếu có vấp ngã, thì cũng không sao vì chúng ta còn trẻ, còn khỏe, còn đứng dậy được! Vốn ông cha ta có câu: “Thất bại là mẹ của thành công”.

Ảnh: NVCC

Quỳnh Hương

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nam-sinh-su-pham-biet-on-vi-lua-chon-thi-dai-hoc-lan-thu-2-cua-minh-post1626292.tpo