Năm học 2023 - 2024: Tiếp tục hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018

Chiều ngày 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, dự và chỉ đạo hội nghị. Hội nghị tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Trà Vinh.

Tại điểm cầu Trà Vinh, đồng chí Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND; Ban Giám đốc Sở GD-ĐT; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành liên quan, các trường đại học, cao đẳng; lãnh UBND và phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố dự hội nghị.

Năm học 2022 - 2023, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT”, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ năm học.

Đối với giáo dục phổ thông, cả nước có khoảng 20 triệu học sinh. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và THCS tiếp tục được các địa phương quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng. Huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 99,7%; 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; 94,3% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào THCS; 90,7% học sinh hoàn thành chương trình THCS; tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc đạt 98,88%; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đúng lộ trình.

Công tác bảo đảm an toàn trường học được tăng cường; đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục; xây dựng văn hóa học đường, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường tư vấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh.

Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư lĩnh vực giáo dục; các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng xây dựng kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch.

Giáo dục đại học ngày càng chủ động trong định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, số lượng cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng, tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Lãnh đạo ngành GD-ĐT dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Trà Vinh.

Đại biểu dự hội nghị thảo luận, tham luận về kinh nghiệm, thực trạng và giải pháp nhằm triển khai các nhiệm vụ GD-ĐT tại địa phương, đơn vị; đại diện các bộ, ngành chia sẻ việc phối hợp với ngành GD-ĐT trong chuyển đổi số, biên chế giáo viên, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập…

Biểu dương những kết quả đạt được của ngành GD-ĐT cả nước, trong đó có nhiều học sinh đạt giải thưởng quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định toàn xã hội luôn quan tâm chăm lo cho giáo dục. Đề nghị ngành GD-ĐT quan tâm kết hợp hài hòa giữa giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách giáo dục, tạo đồng thuận của xã hội đầu tư cho giáo dục.

Bám sát tư tưởng “lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, giáo viên làm động lực”, đổi mới tư duy dạy học giúp nâng cao năng lực cho học sinh, đẩy mạnh thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, thay đổi phương pháp dạy phù hợp yêu cầu hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý: không để ma túy xâm nhập vào học đường, khắc phục bạo lực học đường; chú trọng vấn đề đổi mới hệ thống sách giáo khoa, đảm bảo chuẩn mực, ổn định phát triển; chú trọng nâng cao chất lượng đại học, cao đẳng, thường xuyên; rà soát lại môn Giáo dục công dân trong chương trình giáo dục phổ thông; sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng xa…

Năm học 2023 - 2024, các địa phương cần quan tâm đảm bảo sách giáo khoa và giáo viên, xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp dành cho giáo viên. Tiếp tục hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chủ động thực hiện tốt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại và trong điều kiện kinh tế thị trường, địa hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tin, ảnh: NGỌC XOÀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/nam-hoc-2023-2024-tiep-tuc-hoan-thien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-nam-2018-31008.html