Nam Định: Tấp nập phiên chợ cá chiều bến Giao Hải

Dù nắng gắt luôn trên đỉnh đầu, chợ cá Giao Hải (Giao Thủy, Nam Định) vẫn tấp nập người mua kẻ bán vào phiên chợ chiều. Không chỉ là địa điểm buôn bán hải sản, đây còn là nơi mang nét đặc sắc của phiên chợ vùng biển.

Giao Hải là một trong 5 xã thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy), có 1,8 km bờ biển và vùng bãi triều rộng gần 600 ha, trong đó có hơn 200 ha bãi bồi. Vì vậy khai thác hải sản là thế mạnh của người dân nơi đây.

Mỗi ngày hai phiên, trừ những ngày biển động, chợ cá Giao Hải luôn nhộn nhịp và có những nét đặc trưng riêng.

Khi nắng gắt còn “đổ” xuống vào lúc 14h chiều; nhiều ngư dân, tiểu thương đã đông đúc tập trung từ đê đến mép nước để chờ từng chuyến tàu cập bến.

Từ xa, thấy các ngư dân đang tiến gần bờ, nhiều tiểu thương sẵn sàng lội nước, tiếp gặp, hỏi han để chọn lựa những mẻ hải sản ưng ý nhất.

Giữa mặt nước biển, cảnh mua bán diễn ra một cách chóng vánh. Ra khơi từ 12h đêm, anh Điền cập bến vào 4h chiều để kịp phiên chợ. Là một ngư dân có nhiều kinh nghiệm và lâu năm, anh được chị Hồng Hoa (SN 1981, chủ thuyền) thuê với giá 500 ngàn cho mỗi lần ra khơi.

Được biết, gia đình chị Hoa có một thuyền. Ngoài chồng cũng là chủ và ra khơi, chị thuê anh Điền và một ngư dân khác đi cùng do thuyền lớn. Dẫu cuộc mua bán kết thúc nhanh chóng, chị vẫn buồn vì đang mùa mực song chuyến này chỉ bắt được vài cân.

Ngay tại mép nước, hàng loạt hải sản tươi sống được đổ ra để phân loại. Ở chợ Giao Hải, mặt hàng luôn đa dạng các loại: Bề bề, ghẹ, tôm, cá… Mỗi loại còn được chia làm loại 1, loại 2, loại 3 phù thuộc chủ yếu vào kích thước từ lớn đến nhỏ. Với bề bề, giá loại 1 rơi vào khoảng 120.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 100.000 đồng/kg và loại 3 chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.

Sau thương vụ mua bán, đa phần các tiểu thương sẽ thuê người gánh hàng lên đê. Tiền công được trả linh hoạt: 10.000 đồng cho một chuyến nặng, 5.000 đồng cho một chuyến nhẹ. Dù đã gần 70 tuổi, ông Trần Văn Lý (ở giữa) vẫn ngày ngày ra chợ để gánh thuê. “Làm nhiều được nhiều, làm ít được ít. Nhưng không làm thì không có ăn!”, ông trải lòng.

Một số người còn trẻ, khỏe như anh Nguyễn Thế Anh (1990) thường nhận những gánh cá nặng với giá 20.000 đồng/chuyến. Song thu nhập của những người đi gánh thuê chưa bao giờ ổn định. Mỗi ngày hai phiên chợ, thu nhập của họ có thể lên đến 600.000 đồng/ngày, ngày trung bình rơi vào khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày nếu chăm chỉ.

Cách xa mép nước, nhiều thương lái phân loại cá ngay trên bãi cát. Không những tươi, các loại cá ở đây cũng rất rẻ; cá bơn, cá đối giá chỉ dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Mỗi ngày hai chuyến, hai xe nhập hải sản của cơ sở anh Bùi Văn Tuyền (1986) đang làm thay nhau vận chuyển, phân phối tới nhiều địa phương. Các mặt hàng chủ yếu được đưa đến các nhà hàng tại nhiều huyện của Nam Định, các tỉnh lân cận như Hà Nam, Thái Bình… và đặc biệt là TP. Hà Nội.

Song song với hoạt động mua bán “nảy lửa” ngoài trời, dưới túp lều cô Đỗ Thị Na (1966) luôn có những người dân tá túc, uống nước và “tán gẫu” về những câu chuyện mang hơi thở vùng biển. Tự nhận bán hàng vì đam mê, cô Na bán mỗi cốc nước đá vối với giá chỉ 1000 đồng/cốc. “Tôi bán ở đây đã được 4 năm rồi. Ngày nào cũng ra đây bán, đôi khi vì quen, với có chỗ cho bà con giải nhiệt chứ chẳng lời lãi gì” cô tâm sự.

Ước tính, bến cá Giao Hải có khoảng 1000 phương tiện đánh bắt các loại cập bến. Và đây là chợ cá được hình thành nhằm tiêu thụ sản phẩm đánh bắt khu vực xã Giao Nhân, Giao Hải, Giao Long và các huyện lân cận.

Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp, hiện nay tuyến đê biển xã Giao Hải đã được chú trọng, để thuận tiện cho lưu thông, tạo điều kiện cho người dân sinh sống và làm ăn. Cũng từ đó, chợ cá Giao Hải đã trở thành nét đặc trưng riêng có của vùng quê biển Giao Thủy

Trang Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nam-dinh-tap-nap-phien-cho-ca-chieu-ben-giao-hai-post199260.html