Năm 2023, trên 24.500 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh

Ngày 19/1, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện chủ trì hội nghị.

Trong năm 2023, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Tính đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 3.880 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng 97 tỷ đồng so với năm 2022, đạt 324 tỷ đồng, chiếm 8,4% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động cũng tăng 74 tỷ đồng, đạt 521 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng nguồn vốn.

Doanh số cho vay trong năm 2023 đạt 1.182 tỷ đồng, với 24.523 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Như vậy, tính đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 3.875 tỷ đồng với 84.070 khách hàng còn dư nợ, hoàn thành 100% kế hoạch.

Nguồn vốn cho vay của NHCSXH đã góp phần tích cực, có hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong năm, nguồn vốn đã góp phần tạo việc làm cho gần 10 nghìn lao động, giúp 1.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng cải tạo gần 22 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; 200 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách...

Đặc biệt, với sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trong việc thẩm định, hướng dẫn các hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả, cũng như thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ nên chất lượng tín dụng tiếp tục duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,17%/tổng dư nợ (thấp hơn bình quân chung toàn quốc 0,57%).

Về nhiệm vụ trong năm 2024, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phấn đấu: Tổng dư nợ đạt 4.241 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn và khoanh nợ dưới 0,2%. Đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách và kiến nghị, đề xuất một số giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2024.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã đạt được trong năm 2023. Đồng chí lưu ý: Thời gian tới, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình tín dụng ưu đãi để các đối tượng tiếp cận được nguồn vốn phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 89/KH-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình.

Trong đó, trọng tâm giao cho Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để đảm bảo tỷ lệ nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 12%. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc và có biện pháp tháo gỡ khó khăn tại cơ sở…

Nguyễn Lựu - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nam-2023-tren-24-500-luot-ho-ngheo-can-ngheo-va-cac-doi/d20240119085150454.htm