Năm 2016, Phần Lan đánh bại Mỹ về giáo dục thế nào?

Làm tốt hơn Mỹ ở 4 điểm, Phần Lan trở thành một trong những nước có hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới. Theo xếp hạng của PISA, năm 2016 giáo dục Phần Lan xếp thứ 12 trong khi đó Mỹ đứng ở vị trí 36.

Phần Lan là một đất nước luôn đổi mới, nhất là ở lĩnh vực giáo dục. Từ khi thực hiện đổi mới cách đây hơn 40 năm, hệ thống giáo dục Phần lan thường xuyên được xếp trong hạng tốt nhất của thế giới.

Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) được coi là công cụ quan trọng để đo lường hệ thống giáo dục toàn cầu cho rằng Phần Lan là một trong những quốc gia phát triển nhất về giáo dục.

Mặc dù thời gian gần đây, Phần Lan đã tụt hạng trong danh sách của PISA so với những năm 2000, 2003 và 2006 giáo dục gần như được xếp hàng đầu, nhưng nước này vẫn dẫn trước nước Mỹ về chất lượng, hệ thống giáo dục. Năm 2016, giáo dục Phần Lan dù đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng của PISA nhưng vẫn cao hơn Mỹ ở vị trí 36.

Ở Phần Lan, có một số điểm khác biệt trong hệ thống giáo dục được cho là làm tốt hơn Mỹ như:

1. Bài kiểm tra tiêu chuẩn chung tốt hơn

Sinh viên Phần Lan chỉ cần thực hiện theo một kiểm tra tiêu chuẩn trong toàn bộ các cấp học ở tiểu học và trung học. Ngược lại với Mỹ, chương trình cải cách giáo dục No Child Left Behind & Common Core bắt buộc học sinh từ lớp 3 tới lớp 8 phải làm những bài kiểm tra tiêu chuẩn hàng năm để đánh giá trình độ.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng kiểm tra liên tục không khiến học sinh thông minh hơn, thay vào đó lại tạo ra môi trường “dạy học chỉ để kiếm tra” trong trường học.

Thời gian gần đây, Karen Magee, Chủ tịch công đoàn giáo viên lớn nhất ở New York đã phải thuyết phục các bậc phụ huynh tẩy chay các bài kiểm tra tiêu chuẩn,

Năm 2014, trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Washington Post, GS Pasi Sahlberg (cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phần Lan) đã giải thích rằng: Bài kiểm tra của Phần Lan (còn gọi là Kỳ thi tuyển sinh quốc gia) được thực hiện vào năm cuối trung học và do giáo viên đánh giá, chấm điểm chứ không phải máy tính. Kỳ thi cũng không tránh né các chủ đề gây tranh cãi và phức tạp.

Theo GS Sahlberg, có một số dạng câu hỏi tiêu biểu là:

- Cảm giác hạnh phúc, cuộc sống tốt đẹp và giàu có được hiểu như thế nào?

- Karl Marx và Friedrich Engels đã tiên đoán cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể xuất hiện đầu tiên ở những đất nước như Vương quốc Anh. Điều gì đã khiến Marx và Engels xác nhận như vậy và tại sao cách mạng xã hội chủ nghĩa lại xảy ra ở Nga?

Sahlberg nói thêm: “Học sinh thường xuyên được yêu cầu thể hiện kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan tới sự phát triển, mất việc làm, các vấn đề chính trị, bạo lực, chiến tranh, đạo đức trong thể thao, thực phẩm, tình dục, ma túy và âm nhạc. Những vấn đề thường liên quan tới nhiều lĩnh vực chuyên môn và thường đòi hỏi học sinh phải có kiến thức đa ngành, nhiều kỹ năng”.

2. Dành nhiều thời gian để chơi

Luật Phần Lan yêu cầu trong mỗi 45 phút học, học sinh cần được chơi 15 phút. Ảnh: onlineclasses.org

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), học sinh ở Phần Lan dành tương đối ít thời gian để làm bài tập về nhà. Một nghiên cứu của OECD năm 2014 về những học sinh 15 tuổi trên toàn thế giới cho thấy, trung bình học sinh Phần Lan dành 2,8 giờ mỗi tuần để làm bài tập về nhà trong khi con số này ở Mỹ là 6,1 giờ/tuần.

Phần Lan đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn giá trị cho thời gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi và vui chơi. Theo luật, giáo viên phải dành cho sinh viên 15 phút giải lao cho mỗi 45 phút học.

Ở Mỹ, thời gian vui chơi lại là một câu chuyện khác hoàn toàn. Học sinh Mỹ chỉ có chưa đầy nửa giờ giải lao mỗi ngày. Nhà tâm lý học, giáo sư khoa học Peter Gray từng viết “thâm hụt thời gian chơi” ở sinh viên Mỹ có thể gia tăng sự lo lắng và các vấn đề sức khỏe thể chất khác.

3. Miễn phí giáo dục đại học

Tại Phần Lan, không chỉ miễn học phí cho những chương trình đào tạo cử nhân mà còn cả với chương trình thạc sĩ và tiến sĩ. Sinh viên có thể theo học những chương trình học cao hơn mà không phải lo về “núi tiền nợ” vay vốn sinh viên như nhiều sinh viên Mỹ phải đối mặt.

Kể cả sinh viên quốc tế đến học tập tại Phần Lan cũng được hưởng chế độ giống hệt sinh viên trong nước. Bất kỳ sinh viên nào theo học một chương trình đại học hoặc sau đại học tại Phần Lan đều được miễn hoàn toàn học phí.

Điều này trái ngược lớn với Mỹ. Theo báo cáo của Viện Institute for College Access and Success năm 2014, trung bình mỗi sinh viên Mỹ có thể nợ gần 30.000 USD từ gói vay vốn sinh viên.

4. Nghề dạy học được coi trọng

Số giờ giảng dạy của giáo viên các nước trong năm 2012

Ở Phần Lan, nghề giáo là một trong những nghề nghiệp được kính trọng nhất, đòi hỏi một tiêu chuẩn cao mới làm được. Trung tâm Tiêu chuẩn giáo dục quốc tế (CIEB) nghiên cứu và chỉ ra rằng, chỉ 1/10 sinh viên đăng ký chương trình đào tạo sư phạm được nhận vào học.

Giáo viên ở Phần Lan cũng được đối xử như các giáo sư tại trường đại học. So với các giáo viên Mỹ, giáo viên Phần Lan dạy ít giờ hơn và chủ yếu dành thời gian để soạn giáo án, lên kế hoạch cho các bài giảng.

Dù vậy, giáo viên Phần Lan được trả lương cao hơn giáo viên Mỹ. Theo dữ liệu của OECD, trung bình giáo viên ở Mỹ kiếm được khoảng 41.000 USD/năm trong khi giáo viên Phần Lan kiếm được 43.000 USD/năm.

Có một điểm đặc biệt nữa OECD chỉ ra là giáo viên Mỹ kiếm được ít tiền hơn so với nhiều nước khác trong khi thời gian làm việc của họ lại nhiều nhất.

Business Insider bình luận: “Thật dễ hiểu vì sao các giáo viên Mỹ - những người làm việc quá sức và ít nhận được sự tôn trọng – lại không làm việc hiệu quả như các giáo viên ở Phần Lan”.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-giao-duc/nam-2016-phan-lan-danh-bai-my-ve-giao-duc-the-nao