Nấc thang mới nguy hiểm

Sự hợp tác giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) vốn được cho là “bất đắc dĩ”, lại đứng trước nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn, sau khi liên quân do Mỹ đứng đầu lần đầu bắn rơi máy bay chiến đấu của quân đội Chính phủ Syria. Nấc thang căng thẳng mới giữa các bên liên quan khiến chiến trường Syria thêm rối loạn.

Liên quân do Mỹ dẫn đầu lần đầu bắn hạ một máy bay của quân đội Syria tại vùng nông thôn thuộc tỉnh Rắc-ca, khi máy bay này đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống IS. Sự việc đã được quân đội Mỹ xác nhận, với lý do máy bay của quân đội Syria ném bom những vị trí gần các tay súng người Cuốc thuộc Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Oa-sinh-tơn hậu thuẫn. Bất chấp lý do nào, chính quyền Đa-mát vẫn cáo buộc hành động này của Mỹ là âm mưu phá hoại các nỗ lực của quân đội Syria đang có những bước tiến vững chắc trên mặt trận chống nổi dậy, giành lại các vùng lãnh thổ chiến lược từ tay IS. Hành động của Mỹ cũng được cảnh báo sẽ dẫn tới sự đối đầu giữa Mỹ với Nga, quốc gia đang hỗ trợ quân đội Syria chống khủng bố một cách hiệu quả. Phía Nga chỉ trích việc Mỹ tiến công máy bay của lực lượng không quân Syria là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền quốc gia Trung Đông và là hành động "xâm lược quân sự" chống Syria. Bộ Quốc phòng Nga lên án Mỹ không vận hành kênh liên lạc với Nga trước khi bắn hạ máy bay Syria.

Diễn biến căng thẳng trên thực địa đã “giội gáo nước lạnh” vào các nỗ lực đàm phán nhằm tìm giải pháp hòa bình cho Syria. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố ngừng hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ tránh đụng độ trên không phận Syria. Mát-xcơ-va thậm chí còn cảnh báo, mọi máy bay và thiết bị bay không người lái của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, nếu bị lực lượng không quân Nga phát hiện tại các khu vực ở phía tây sông Ơ-phơ-rết, sẽ bị coi là các "mục tiêu" trên không. Ngay sau vụ máy bay Syria bị bắn hạ, giao tranh đã lần đầu nổ ra tại Syria giữa quân đội Chính phủ và SDF.

Trước đó, việc liên minh do Mỹ đứng đầu triển khai hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) tới khu vực miền đông Syria đã bị Nga cáo buộc là động thái nhằm chống quân đội Syria. Moscow cho rằng, việc triển khai bất cứ vũ khí từ nước ngoài nào trên lãnh thổ Syria, nhất là các hệ thống pháo phản lực, cần phải được sự đồng ý từ chính quyền Damas. Hơn nữa, tầm phóng tên lửa của HIMARS không cho phép hỗ trợ SDF do Mỹ hậu thuẫn. Theo các thông số kỹ thuật, hệ thống HIMARS có thể bắn đồng thời sáu tên lửa với tầm xa hơn 70 km, nếu phóng đơn lẻ từng tên lửa, tầm xa có thể tới 300 km. Bởi thế, việc Mỹ tăng cường hậu thuẫn cho quân nổi dậy với những loại vũ khí như vậy gây hoài nghi về một sự can thiệp quân sự sâu hơn trên chiến trường Syria.

Nga đã đặt dấu hỏi về mục tiêu thật sự mà quân đội Mỹ đang theo đuổi tại quốc gia Trung Đông, trong bối cảnh liên quân do Mỹ dẫn đầu nhiều lần tiến công các mục tiêu của quân đội Syria. Nhiều nguồn tin tình báo tại Syria cho biết, quân đội Mỹ đã mở rộng sự hiện diện tại sa mạc Tan-phơ, khu vực chiến lược gần biên giới giữa Syria và Iraq. Phát ngôn viên của lực lượng đối lập được Mỹ hậu thuẫn thừa nhận, quân đội Mỹ có kế hoạch lập một căn cứ quân sự thứ hai ở Dắc-phơ, cách Tan-phơ khoảng 60 đến 70 km về phía đông - bắc. Mỹ sẽ điều thêm binh sĩ tới hai căn cứ quân sự này, đồng thời chuyển giao thêm khí tài cho các lực lượng mà Mỹ hậu thuẫn ở Syria.

Nga đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ phản đối việc Mỹ tiến công quân đội Syria, đồng thời cảnh báo bước đi này có thể khiến tình hình leo thang nguy hiểm. Chiến trường Syria vốn hỗn loạn bởi cuộc chiến “nồi da xáo thịt” hơn sáu năm qua, nay lại trở thành “đấu trường” để các cường quốc phục vụ những toan tính riêng. Cuộc chiến chống IS đã có những bước tiến đáng kể, khi phần diện tích mà tổ chức cực đoan này kiểm soát ở Syria dần bị thu hẹp, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tình hình càng phức tạp hơn khi quân đội Syria và các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn vốn có “kẻ thù chung” là IS, nhưng lại trực tiếp đối đầu.

Căng thẳng Nga - Mỹ có thể dẫn tới những bước ngoặt khó lường trên chiến trường Syria. Bất cứ hành động can thiệp quân sự nào hiện nay đều như “thêm dầu” vào “chảo lửa Syria” và khiến những nỗ lực hòa đàm lâu nay “đổ xuống sông xuống bể”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan/binh-luan-quoc-te/item/33217502-nac-thang-moi-nguy-hiem.html