Myanmar đẹp và buồn

Sau 'Phnom Penh' với những đoản văn về Campuchia, họa sĩ – tác giả Trần Ngọc Sinh (Au Min) mới đây đã đến với vùng đất được mệnh danh là 'kho báu cuối cùng còn lại của châu Á', qua 'Myanmar truyện không phải truyện'.

Xoay quanh thời kỳ có nhiều biến động của đất nước này, những trang viết của Trần Ngọc Sinh chậm rãi, điềm tĩnh và có chiều sâu. Như chính nhan đề, tuy các nhân vật cũng như tình tiết có mối liên hệ mật thiết với nhau, thế nhưng chúng không gắn bó một cách cơ học, mà chỉ xuất hiện như những điểm xuyết trên nền cảm xúc của đẹp và buồn.

Từng làm biên tập viên mảng văn học cho các tác phẩm trong nước rồi đến cuốn sách đầu tay có bối cảnh Campuchia, đến nay là Myanmar, có thể thấy Trần Ngọc Sinh là một tác giả rất ưa xê dịch. Trong những trang văn, dễ thấy được sự đam mê của chính tác giả với phong cảnh thiên nhiên của vùng đất mà anh vừa đến. Đó là thị trấn K thuộc bang Shan ở phía đông bắc đất nước, nơi lọt thỏm giữa vùng cao nguyên bao la, xung quanh chỉ toàn núi đồi.

Chính tại nơi đây mà anh nhận ra những nét rất riêng của đất nước này, từ những quán trầu đến thứ mỹ phẩm thanakha làm từ rễ cây hay khoa chiêm tinh và những sinh vật huyền thoại... Trong mỗi hiện diện, anh đào sâu thêm vào trong ý nghĩa của những thứ đó, để biết những người nhai trầu không phải vì vị hay thói quen truyền thống, mà chính là để khỏa lấp những sự trống vắng, bởi khi nhai trầu họ không thể nói, nên có cơ hội suy ngẫm và cẩn trọng hơn trong từng quyết định...

Bìa cuốn Myanmar truyện không phải truyện.

Myanmar của Trần Ngọc Sinh chậm rãi và điềm tĩnh như thế. Nó là kho báu vì vẫn chưa bị động đến, cũng như là những tàn tích vẫn còn sót lại anh muốn khám phá. Đó cũng là hai người chị em sinh đôi của tộc người Buồn, “buồn” vì ngôn ngữ chỉ dăm trăm từ vựng nhưng ngày càng mất, “buồn” vì không còn ai có thể giao tiếp với hai người họ, và cũng “buồn” vì ý định muốn chết một cách nhẹ nhàng và đầy thanh thản không phiền đến ai… Xét cho đến cuối, thị trấn K hay Myanmar vốn dĩ đặc biệt không phải vì nó bất khả xâm phạm, mà là trao cho người khác cơ hội để họ ở yên và lắng nghe mình.

Cái đẹp tiến đến yên tĩnh cũng dễ sinh ra cái buồn. Trong Myanmar truyện không phải truyện, ta thấy ở đó là sự cô độc của người lãng du. Có cái buồn cá nhân (nhưng biết trước kết quả) vì người hôn phu đi mãi không về. Có cái buồn bứt rứt với người thứ 3 trong một mối quan hệ. Nhưng cũng có cả cái buồn dành cho nhân thế, nơi những cuộc biểu tình phản kháng của các phe phái vẫn đang diễn ra, trong khi phía loa phát thanh là những thông tin về cái chết do đại dịch luôn không ngừng lại…

Cái buồn mang vẻ tịch liêu nhuốm trong không khí, bởi tuy yên tĩnh lạ thường thì cũng đồng nghĩa với mang sắc lạnh. Từ sương, từ mưa cho đến buổi tối với những mái nhà không đèn, với những số phận heo hút… Trần Ngọc Sinh tách biệt chính không gian ấy bằng mảng địa chất bất khả xâm phạm, khi nội sinh nó sở hữu vẻ đẹp không bị ố tạp, nhưng ngoại hàm trong tâm thức mỗi người lại thấy cái buồn không thể chạm đến bởi sự đứt đoạn giao tiếp.

Nhưng, như một ý trong tác phẩm này, cái đẹp vướng vào suy tư bỗng chốc buồn bã. Như khi nhìn thấy những con mối cánh bay tung rợp trời vì bị khuấy động bởi những con chim, thì nhân vật chính thấy nó thật đẹp. Tiếc là khung cảnh ấy không kéo dài lâu, cho đến khi anh thấy loài ác là chực chờ bổ xuống. Vậy là những suy tư về thế sự, về quyền lực, về dịch bệnh bắt đầu làm úa đi vẻ đẹp ấy, khiến từ hình ảnh có phần hoành tráng, bỗng chốc biến thành dụ ngôn nhân loại đớn đau cũng như bất lực.

Qua Myanmar truyện không phải truyện, Trần Ngọc Sinh đã đưa độc giả vào một hiện thực không thể thay thế với dịch bệnh, xung đột… nhưng cũng từ đó mà chính con người và sự cô độc ở sâu bên trong như tìm thấy nhau. Khi những khoảnh khắc được tập hợp lại, con người thấy cuộc đời này thật đẹp và buồn.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/myanmar-dep-va-buon-42819.html