Mỹ trấn an các nước tham dự COP22

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hy vọng việc ông có mặt tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 22 (COP22) đang diễn ra ở Marrakech, Maroc sẽ giúp các quốc gia yên tâm hơn về vai trò tiếp tục dẫn đầu của nước này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Biểu tình ở Marrakech - nơi diễn ra hội nghị COP22 - phản đối Tổng thống Mỹ đắc cử
Donald Trump. Ảnh: NCR

Ngoại trưởng John Kerry đến Marrakech hôm 16-11 để cùng các nước đi đến quyết định những điểm tốt hơn cho Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đánh dấu kết thúc một năm đàm phán dẫn đến thỏa thuận lịch sử giúp ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, nhiệm vụ nặng nề hơn được đặt trên vai ông Kerry là trấn an các đại biểu đến từ gần 200 quốc gia rằng, Mỹ sẽ tiếp tục tuân thủ các thỏa thuận trong Hiệp định Paris đã ký hồi năm 2015, bất chấp việc Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp định này. “Tổng thống mới đắc cử sẽ đưa ra quyết định của mình”, ông Kerry nói với các phóng viên. “Những gì tôi sẽ làm là nói chuyện với hội đồng về những nỗ lực và những gì chúng tôi đang tham gia”, thủ lĩnh ngoại giao Mỹ nhấn mạnh. Mặc dù thừa nhận “tôi không thể nói chuyện với chính quyền (tiếp theo)”, nhưng ông Kerry vẫn hy vọng có sự khác biệt giữa tuyên bố tranh cử và quyết định khi ông Trump lên nắm quyền.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Paris. Động thái này của quốc gia thải khí nhà kính lớn nhất thế giới đã giúp gần 200 quốc gia ủng hộ hiệp định này tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở thủ đô Paris của Pháp năm 2015. Trước thềm bầu cử ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Obama nỗ lực thúc đẩy đà tiến lên của Hiệp định Paris. Hội nghị COP22, được tổ chức tại Marrakech từ ngày 7 đến 18-11 là hội nghị đầu tiên thảo luận về việc cụ thể hóa và triển khai Hiệp định Paris, là cơ hội lớn để Mỹ “cứu” hiệp định này.

Tuy nhiên, hiệp định này, vốn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4-11, thật sự đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”. Theo nguồn tin từ nhóm chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử, ông Trump đang đặt mục tiêu đầu tiên là nhanh chóng rút chân khỏi Hiệp định Paris. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump cho rằng, hiện tượng ấm nóng toàn cầu là trò lừa bịp do Trung Quốc tạo ra nhằm tìm kiếm lợi thế về kinh tế. Vị tỷ phú này tuyên bố sẽ xé bỏ hiệp định này, ngăn chặn bất kỳ khoản tiền đóng thuế nào của người dân Mỹ dành cho chương trình ấm nóng lên toàn cầu của LHQ, và phục hồi ngành than nước này.

Chiến thắng của ông Trump thật sự phủ bóng lên hội nghị COP22. Các đại biểu tại Marrakech nghi ngờ liệu Mỹ còn tiếp tục dẫn đầu trong thỏa thuận lịch sử này hay không. “Thật khó để xem liệu chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ tham gia hiệp định này như thế nào”, chuyên gia Sarah Ladislaw ở Washington nhận định. Thật sự, hiện vẫn chưa rõ ông Trump sẽ quyết định như thế nào về chính sách khí hậu. Về các vấn đề khác, ông đã có những tuyên bố trái ngược, khiến giới phân tích rất khó để dự đoán chính sách cuối cùng của vị tổng thống đắc cử này.

Nếu thực hiện đúng như tuyên bố này sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã “giết chết” di sản để lại của Tổng thống Obama, người đã đặt vấn đề thay đổi khí hậu là một trong những ưu tiên chính sách ở trong và ngoài nước. Pháp và LHQ hôm 16-11 cảnh báo tổng thống đắc cử Mỹ về những rủi ro của việc này.

Có thể ông Trump muốn hiện thực hóa cam kết với các cử tri khi tranh cử, nhưng việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ có nguy cơ tạo ra hiện tượng domino, khiến các quốc gia khác làm theo. Và hệ quả sẽ khôn lường.

Khả Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_157779_my-tra-n-an-ca-c-nuo-c-tham-du-cop22.aspx