Mỹ thực hiện trận hải chiến lớn nhất trong 80 năm

Hải quân Mỹ cho biết, giao tranh với Houthi ở Biển Đỏ là trận chiến quy mô nhất mà lực lượng này phải đối mặt trong gần 80 năm qua.

Thủy thủ trên khu trục hạm USS Gravely căng thẳng khi làm nhiệm vụ tại Biển Đỏ.

Trận chiến lớn nhất

Thông tin trên được Đô đốc Brad Cooper, phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cho biết trong cuộc phỏng vấn với chương trình "60 Minutes" của đài CBS hôm 18/2.

Mỹ đã điều động khoảng 7.000 thủy thủ cùng lượng lớn tàu chiến, máy bay tới Biển Đỏ để ứng phó các cuộc tập kích do lực lượng Houthi thực hiện nhằm vào tuyến hàng hải ở đây từ tháng 10/2023.

Đô đốc Cooper cho hay lần gần nhất tàu chiến của hải quân Mỹ phải triển khai lực lượng lớn và thực hiện hoạt động chiến đấu trong thời gian dài như vậy là trong Thế chiến II.

"Khi tôi nói rằng hải quân Mỹ tham gia hoạt động chiến đấu nghĩa là tàu của chúng ta bị đối phương nhắm bắn và chúng ta bắn trả", quan chức này nói.

Cũng theo vị đô đốc Mỹ, tàu chiến nước này đã khai hỏa khoảng 100 tên lửa phòng không để đánh chặn tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của Houthi. Phần lớn các quả đạn Houthi phóng ra nhắm mục tiêu vào tàu hàng ở Biển Đỏ, chỉ một số ít hướng trực tiếp vào tàu chiến Mỹ.

Vị quan chức này xác nhận nhóm vũ trang đã sử dụng tên lửa đạn đạo diệt hạm trong các vụ tấn công, thêm rằng đây là lần đầu tiên loại khí tài này được khai hỏa trong tình huống tác chiến thực tế.

"Trước đó chưa lực lượng nào từng sử dụng tên lửa đạn đạo diệt hạm để nhắm vào mục tiêu thật sự, nhất là để tấn công tàu hàng, chứ chưa nói tới việc công kích chiến hạm Mỹ", ông cho hay.

Tên lửa đạn đạo diệt hạm của Houthi có tốc độ cận siêu thanh (Mach 5), tương đương khoảng hơn 4.800 km/h, nên thủy thủ Mỹ có rất ít thời gian để phản ứng.

"Thuyền trưởng có khoảng 5-13 giây để ra quyết định bắn hạ quả tên lửa. Đó là tình huống hết sức căng thẳng", ông nói.

Cùng với tên lửa và UAV, Houthi gần đây triển khai thêm một số loại khí tài mới để thực hiện các vụ tập kích trên Biển Đỏ, trong có xuồng không người lái (USV) mang thuốc nổ.

Sự nguy hiểm của USV cũng đã được chuẩn đô đốc Marc Miguez, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ đang trực chiến ở Biển Đỏ thừa nhận:

"USV của Houthi là một trong những mối đe dọa đáng sợ nhất do chúng di chuyển với tốc độ rất nhanh. Chúng là mối đe dọa chưa xác định bởi chúng tôi không có nhiều thông tin. Nó có thể đánh chìm chiến hạm cả ngàn tấn", ông nhận định.

Trong thông báo của CENTCOM ngày 18/2 cho biết, lực lượng này đã phá hủy một tàu không người lái của Houthi ở vùng biển, đánh dấu lần đầu tiên nhóm vũ trang sử dụng loại khí tài này để tập kích tàu hàng, tàu chiến Mỹ ở khu vực.

Ông Cooper cho rằng lực lượng Houthi không thể thực hiện các cuộc tấn công tinh vi như vậy nếu không có sự hỗ trợ từ Iran.

"Tehran đã viện trợ cho Houthi hàng thập kỷ qua và đang thực hiện điều đó ngay ở thời điểm này. Họ cố vấn và cung cấp thông tin để nhóm nhắm mục tiêu vào tàu hàng và chiến hạm của chúng tôi", đô đốc Cooper nói.

Cùng với đánh chặn các cuộc tấn công của Houthi, tàu chiến, tiêm kích Mỹ ở Biển Đỏ cũng chủ động tiến hành nhiều đòn đánh phủ đầu vào các mục tiêu quân sự của nhóm vũ trang trên đất liền.

Ông Cooper cho biết: "Chúng tôi đang loại bỏ và ngăn chặn đối phương một cách hiệu quả. Tôi tin rằng chiến lược này thực sự có tác dụng".

Xuyên thủng lá chắn Mỹ

Hãng tin CNN dẫn lời 4 quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ một quả tên lửa của Houthi đã lọt qua hai lớp phòng thủ vòng ngoài và áp sát được tàu USS Gravely trong phạm vi hơn 1,5 km, khiến con tàu phải kích hoạt Tổ hợp Vũ khí Phòng thủ Tầm cực gần (CIWS) Phalanx để đánh chặn.

CIWS là lá chắn cuối cùng trong hệ thống phòng thủ của USS Gravely. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ phải kích hoạt lá chắn CIWS để đối phó đòn đánh của Houthi.

Những cuộc tập kích bằng tên lửa, UAV trước đó của nhóm vũ trang đều bị đánh chặn ở khoảng cách từ 12 km trở lên.

Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Tom Karako cho rằng việc tên lửa Houthi có thể áp sát được tàu chiến Mỹ là dấu hiệu đáng lo ngại.

Ngay cả các tên lửa hành trình loại chậm cũng có thể bay hơn một km chỉ trong vài giây, nên chỉ huy trên tàu chiến Mỹ sẽ không có nhiều thời gian để phản ứng nếu phải đối mặt với đòn đánh ở cự ly gần như vậy.

Iran được cho là bên hậu thuẫn chính của Houthi, đã chuyển giao cho nhóm này một số hệ thống giám sát và tình báo chiến thuật, giúp họ có thể nhắm mục tiêu vào tàu hàng và tàu chiến ở Biển Đỏ một cách chính xác hơn.

Chuyên gia Karako cũng nhận định nguyên nhân khiến chiến hạm Mỹ rơi vào tình thế này có thể là do nó đã cạn tên lửa đánh chặn, sau khi đã sử dụng lượng lớn để đối phó các đòn tập kích liên tục gần đây của Houthi.

"Những chiến hạm Mỹ chỉ có một lượng tên lửa giới hạn, nên không thể tiếp tục chống đỡ các cuộc tấn công kiểu như thế này của Houthi tại Biển Đỏ", ông nhận định.

Kiên Bùi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/my-thuc-hien-tran-hai-chien-lon-nhat-trong-80-nam-post672399.html