Mỹ tấn công trả đũa Iran: Lựa chọn thận trọng giữa chiến tranh và thể diện

Mỹ đang thận trọng cân nhắc biện pháp đáp trả Iran thế nào để tránh bùng phát một cuộc chiến tranh quy mô lớn, đồng thời vẫn giữ được thể diện.

Các cấp độ trả đũa của Mỹ đối với Iran

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31/01 cho biết, ông đã quyết định cách đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ Tower-22 của Mỹ ở biên giới Jordan-Syria hôm 28/01/2024, khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Mặc dù khẳng định Iran là thủ phạm đứng sau và Washington sẽ có hành động đáp trả nhưng Tổng thống Mỹ cũng nói thêm rằng: “Tôi không nghĩ Mỹ cần một cuộc chiến rộng lớn hơn ở Trung Đông. Đó không phải là điều tôi đang tìm kiếm”.

Giới phân tích cho rằng, chắc chắn là Mỹ sẽ đáp trả Iran để xoa dịu dư luận trong nước và tránh mất mặt trước cộng đồng quốc tế.

Thực ra, những kịch bản tấn công đã nhiều lần được thảo luận ở Lầu Năm Góc và Hội đồng an ninh quốc gia, nhưng các quyết định trên thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố có liên quan và bối cảnh quốc tế ở thời điểm đó.

Chắc chắn là ông Biden đã có một danh sách các lựa chọn các mục tiêu tiềm năng cho một cuộc tấn công, nó phù hợp với từng cấp độ đáp trả, nhưng có một điều kiện tiên quyết là “tránh một cuộc chiến tranh trực diện Mỹ-Iran”.

Theo các chuyên gia nhận định, các cấp độ đó có thể bao gồm: Một cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân, tên lửa và đầu não chỉ huy của Iran; Một cuộc không kích vào các mục tiêu ở Iran có liên quan đến việc sản xuất đạn dược, huấn luyện và trang bị cho các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở khắp Trung Đông; Một cuộc không kích vào các cơ sở của Iran và các nhóm vũ trang thân Tehran ở Syria và Iraq.

Giới chuyên gia phân tích cho rằng, phản ứng đáp trả của Nhà Trắng sẽ rất thận trọng và diễn ra theo từng giai đoạn, không chỉ là một hành động đơn lẻ mà về cơ bản là nhiều hoạt động khác nhau, nhằm đáp trả tương xứng với Iran, nhưng đồng thời cũng ngăn chặn xung đột gia tăng và lan rộng.

Mỹ và Iran đều không muốn chiến tranh toàn diện

Do đó, hầu hết các nhà phân tích quân sự đều dự đoán rằng việc trả đũa trực tiếp trên lãnh thổ Iran khó có thể xảy ra vì nó sẽ kích động một cuộc chiến tranh toàn diện với Tehran, điều mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cố tránh, khi rút lại quyết định tấn công Iran hồi tháng 6/2019, chỉ 10 phút trước khi hành động diễn ra.

Những lo ngại tương tự hiện đang đè nặng lên Biden khi khu vực này vốn đã là một chiến trường, giữa liên minh do Mỹ dẫn đầu với lực lượng Houthi Yemen được Tehran hậu thuẫn ở Biển Đỏ và mối đe dọa về một cuộc chiến tranh Israel-Hezbollah ở Lebanon.

Bất kỳ sự leo thang nào ở vùng Vịnh sẽ gây ra sự tăng đột biến về giá dầu và lạm phát toàn cầu, điều này sẽ gây tổn hại lớn hơn nhiều đến triển vọng tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden, so với một số lời chỉ trích đến từ các cựu quân nhân và thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Giám đốc cấp cao về chiến lược và đổi mới tại Viện New Lines ở Washington là ông Nicholas Heras cho biết, chính quyền Mỹ đang rơi vào thế khó vì các thành viên cao cấp muốn tiếp tục xoay trục sang cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Á và đối đầu với Nga ở châu Âu, chứ không muốn Mỹ tiếp tục sa lầy trong cuộc xung đột với Iran ở Trung Đông.

Ngoài ra, yếu tố hạn chế chính khiến Mỹ không thể giáng đòn trực tiếp vào lãnh thổ Iran, còn Iran cũng không muốn leo thang thêm với Mỹ là cả hai nước đều không muốn thấy những xung đột ủy quyền biến thành một cuộc chiến tranh tổng lực, làm tổn hại tới lợi ích của cả 2 bên.

Lựa chọn khả dĩ của Mỹ là gì?

Theo giới phân tích, Mỹ sẽ không lựa chọn trả đũa cấp độ 1 và 2 mà sẽ cân nhắc tấn công các mục tiêu của Iran nằm ngoài lãnh thổ của nước này.

Lựa chọn tốt nhất của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc là nhắm mục tiêu vào người Iran và trang, thiết bị của Iran bên ngoài biên giới nước này.

Đỉnh điểm của phương án này sẽ là một cuộc tấn công vào các tàu chiến cải trang của Iran đang hỗ trợ lực lượng Houthi ở Biển Đỏ hoặc Vịnh Aden.

Bên cạnh đó, các cuộc tấn công vào các căn cứ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) bên trong Syria, bao gồm một cơ sở được gọi là “Nhà kính” (Glasshouse) đặt tại sân bay Damascus, mà Charles Lister, thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông, gọi là “cơ quan chỉ huy/kiểm soát cấp cao nhất của IRGC ở Syria”.

Ngoài ra, lực lượng Mỹ cũng có khả năng tấn công các cơ sở của lực lượng al-Quds của IRGC ở Iraq, nhưng điều đó có nguy cơ làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã rạn nứt với chính phủ ở Baghdad đang đe dọa trục xuất lực lượng Mỹ khỏi quốc gia này.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể tấn công vào các nhóm vũ trang thân Iran ở Syria, Iraq, Lebanon, Yemen…, để làm suy yếu những “cánh tay nối dài” của Tehran khắp Trung Đông.

Hiện nay, chiến lược của Iran vẫn là đẩy lùi sự hiện diện của Mỹ trong khu vực Trung Đông, bằng cách trang bị vũ khí và trao quyền tự do ngày càng tăng cho lực lượng dân quân ủy nhiệm của mình, tấn công vào lực lượng Mỹ ở khu vực này, cho đến khi Washington bắt đầu rút quân.

Các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào các nhóm vũ trang thân Iran trong những tháng gần đây đã tỏ ra không đạt hiệu quả răn đe vì không đủ độ mạnh mẽ, không gây ra quá nhiều thiệt hại cho các nhóm này.

Do đó, Mỹ có thể gia tăng cấp độ tấn công vào nhóm mục tiêu này trong thời gian tới.

Tóm lại, theo các chuyên gia, kịch bản tấn công các mục tiêu của Iran ở nước ngoài và lực lượng vũ trang được Tehran hậu thuẫn là cách duy nhất để Tổng thống Mỹ có thể trả đũa Iran mà không gây chiến tranh toàn diện với Tehran.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/my-tan-cong-tra-dua-iran-lua-chon-than-trong-giua-chien-tranh-va-the-dien-post670976.html