Mỹ sắp đối mặt Calexit: Lập 'đại sứ quán' tại Nga?

Bang lớn nhất nước Mỹ bắt đầu tiến trình ly khai, kêu gọi trưng cầu dân ý, có thể kháng cáo Liên Hợp Quốc nếu bị cản trở.

Theo Los Angeles Times, những người ủng hộ tách bang California khỏi nước Mỹ đã vừa đệ đơn lên văn phòng Công tố bang California về việc xin tổ chức trưng cầu dân ý.

Đây được cho là bước đi đầu tiên đầy quyết liệt của nhóm ủng hộ phong trào ly khai ở bang lớn nhất nước Mỹ. Các thành viên Phong trào Yes California ủng hộ Calexit (ghép từ California và Exit, tương tự Brexit ở Anh) hy vọng rằng sáng kiến của họ sẽ được đưa ra xem xét vào năm 2018.

California chính thức đệ đơn thỉnh cầu tách khỏi liên bang Hoa Kỳ.

Sau khi chính thức đệ đơn xin tổ chức trưng cầu dân ý, Yes California có thể bắt tay vào việc thu thập chữ ký ủng hộ của cử tri. Theo Marcus Ruis Evans, Phó Chủ tịch và là người đồng sáng lập Phong trào Yes California cho hay hiện đã có 13.000 người sẵn sàng ký ủng hộ ý tưởng của họ.

Nếu các cử tri chấp thuận ly khai, một cuộc bầu cử đặc biệt sẽ được tổ chức vào tháng 3/2019 để yêu cầu thống nhất lần cuối cùng việc ly khai bang California thành một nước độc lập. Hiện phong trào Yes California đã viết trong hồ sơ dự luật.

Ít nhất phải đạt 55% cử tri bỏ phiếu "Có" cho quyết định ly khai này. Thống đốc bang này có trách nhiệm thực hiện và đưa nước Cộng hòa mới California sau khi tiến hành đầy đủ các quy trình hợp pháp để tham gia vào Liên Hiệp quốc.

Ông Louis J. Marinelli, Chủ tịch phong trào Yes California cho biết, nhóm này có kế hoạch thông qua Liên Hiệp quốc để tìm kiếm bước đi độc lập của mình bởi không tin rằng Quốc hội sẽ ký vào một bản kế hoạch cho phép California ly khai.

"Đó là thực tế. Chúng tôi hoàn toàn nghiêm túc với điều này" - Marcus Ruis Evans, Phó Chủ tịch và là người đồng sáng lập Phong trào Yes California khẳng định.

Ông Evans cho biết, Phong trào Yes California được thành lập từ 2 năm trước đây và ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là khi vị tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

California vốn là bang đóng góp tiền thuế vào ngân sách liên bang nhiều hơn những gì họ nhận được. Tiềm lực kinh tế của riêng California xếp thứ 6 trên thế giới.

Bước đi thứ hai của California: Lập "đại sứ quán" ở Nga?

Tờ The Bussines Insider đã đăng tải thông tin cho rằng Phong trào Yes California muốn mở “Đại sứ quán” của bang California tại Nga.

Chủ tịch Luis Marinelli của phong trào Yes California.

Chủ tịch Luis Marinelli khẳng định ông đã tới Nga 2 tháng trước và có cuộc gặp với đại diện Phong trào chống toàn cầu hóa ở Nga. Tại đây, đại diện Phòng trào ở Nga đã ủng hộ ý tưởng của bang California.

Vị Chủ tịch phong trào này nhấn mạnh việc cơ quan "Đại sứ quán" của họ ở nga sẽ không giải quyết các vấn đề mang tính ngoại giao mà sẽ trở thành trung tâm để lan truyền đến người Nga về lịch sử và văn hóa của bang California, củng cố các mối quan hệ thương mại và thúc đẩy du lịch.

Kế hoạch của Luis Marinelli là thành lập các trung tâm kiểu này trên toàn thế giới. Theo Luis Marinelli, điều này sẽ giúp cho California nhanh chóng được thừa nhận là bang độc lập khỏi nước Mỹ.

Theo nhận định của Giáo sư Luật tại Đại học UC Berkeley tìm hiểu về phong trào ly khai suốt lịch sử nước Mỹ, cho biết, con đường hợp pháp duy nhất cho California ly khao đòi thành lập nhà nước là phải giành chiến thắng trong 2/3 cử tri Quốc hội và 3/4 cử tri các bang trong nước đồng ý.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-sap-doi-mat-calexit-lap-dai-su-quan-tai-nga-3323604/