Mỹ sai lầm lớn khi quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương?

Nhiều người cáo buộc chiến lược quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc. Họ cho rằng đây là thời điểm Mỹ cần tập trung khôi phục kinh tế nội địa thì hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, chiến lược này của Mỹ là tất yếu và gần như không thể tránh khỏi.

Kế hoạch ấp ủ hơn 30 năm

Khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, các chuyên gia an ninh từng thảo luận về việc chuyển đổi trọng tâm đối ngoại và quân sự sang Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cuộc xâm lược Kuwait của Saddam Hussein năm 1990 dẫn Mỹ lạc bước tới Trung Đông, bắt đầu với cuộc xâm lược Iraq năm 1991.

Sau đó, sự kiện 11/9 ập đến, như là một sự đáp trả tất yếu, chính quyền Bush lại mải mê với hai cuộc chiến dài hàng thập kỷ tại Afghanistan and Iraq. Tuy nhiên, chiến tranh rồi cũng kết thúc, Mỹ đang tháo lui khỏi “vũng lầy” Trung Đông mà họ tự dấn thân vào trước đó với những tổn thất đau đớn về vật chất, con người và hình ảnh.

Mỹ buộc phải tháo lui khỏi Trung Đông. Ảnh minh họa: 4thmedia.

Hiện trọng tâm chiến lược của Mỹ là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - “trái tim” của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Mỹ đang phạm sai lầm khi hướng ra bên ngoài thay vì tập trung các nguồn lực để khôi phục kinh tế. Song đa phần giới phân tích cho rằng chính quyền Obama đang đi đúng hướng.

Bài liên quan:
Thế chiến thứ 3 nổ ra ở châu Á – Thái Bình Dương?

Ấn Độ Dương là tuyến hàng hải thương mại và năng lượng quan trọng của thế giới, nơi dầu thô và khí gas tự nhiên đi từ bán đảo Arab và Iran tới các khu đô thị đô thị đang phát triển ồ ạt ở Đông Á.

Dù thế giới đang sống trong kỷ nguyên thông tin và máy bay phản lực song 90% tất cả các loại hàng hóa thương mại đi từ lục địa này tới lục địa khác lại đều phải thông qua đường thủy. Trong đó, một nửa của lượng hàng hóa này về mặt trọng tải và 1/3 tổng giá trị của toàn bộ số hàng hóa của thế giới đi qua biển Đông – cầu nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Biển Đông – có thể là mỏ năng lượng khổng lồ nhất trên Thái Bình Dương – trở thành trung tâm thương mại của thế giới bởi là điểm giao cắt của các tuyến đường biển quốc tế trọng yếu. Trong khi đó, sự đi lên của Mỹ từ xưa đến nay, hơn bất cứ điều gì, phụ thuộc vào tự do hàng hải.

Do đó, các lực lượng Mỹ, đặc biệt là hải quân và không quân đảm nhiệm sứ mệnh quan trọng nhất là phải bằng mọi giá, đảm bảo sự an toàn,thông suốt cho các tuyến đường biển. Nỗ lực này của Mỹ không chỉ mang lại những lợi ích to lớn cho riêng nước Mỹ mà còn ý nghĩa đối với toàn bộ thế giới.

Hơn nữa, sự hiện diện sâu rộng và lâu dài của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương được hầu hết các quốc gia trong khu vực hoan nghênh. Lý do là, các quốc gia này đang vô cùng quan ngại trước các động thái đầy khiêu khích, hung hăng và gây hấn của Trung Quốc trên các vùng biển gần như biển Đông, biển Hoa Đông cũng như biển Hoàng Hải. Những năm gần đây, Trung Quốc đã ngày càng quyết liệt hơn trong các tranh chấp với các quốc gia trong khu vực liên quan đến chủ quyền lãnh hải trong các vùng biển này.

Với vị thế là quốc gia lớn nhất trong khu vực, trong các cuộc đàm phán để tìm giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh hải (Trung Quốc thường kêu gọi và ủng hộ đàm phán song phương nhằm tối đa hóa ưu thế của họ), Bắc Kinh thường một mực khăng khăng các tuyên bố chủ quyền của họ là hợp lý và yêu cầu các quốc gia khác phải tôn trọng các yêu sách của họ.

Trong khi đó, Trung Quốc lại không tôn trọng các tuyên bố chủ quyền và các lợi ích chính đáng của các quốc gia bé nhỏ hơn trong khu vực: chẳng hạn, quyền được khai thác thủy hải sản, thăm dò và khai thác năng lượng thuộc các vùng đặc quyền kinh tế trên biển của họ. Trung Quốc thường xua đuổi các tàu thăm dò dầu khí của láng giềng trên biển, xua đuổi, thậm chí, bắt bớ các tàu cá và ngư dân láng giềng một cách vô lý bất cứ khi nào bắt gặp họ hoạt động khai thác gần các vùng biển diễn ra tranh chấp.

Các quốc gia trong khu vực quan ngại, nếu căng thẳng liên quan đến chủ quyền trong khu vực tiếp tục leo thang bởi Trung Quốc khăng khăng một mình một ý, thì nguy cơ xung đột, thậm chí, chiến tranh trong khu vực sẽ là điều hoàn toàn có thể. Các quốc gia trong khu vực không đủ sức chống lại "con rồng", đặc biệt là khi họ - nhờ sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế - không tiếc tiền tấn hiện đại hóa quân đội và trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu vượt trội.

Do đó, nhiều quốc gia trong khu vực nghĩ đến chuyện tìm kiếm một lực lượng đủ mạnh để đối trọng lại với con rồng. Và không có lựa chọn nào tốt hơn Mỹ - cường quốc số 1 thế giới về kinh tế và quân sự. Quyền lực quân sự Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương không chỉ cần để kìm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc mà còn giúp làm ổn định tình hình khu vực.

Trên thực tế, cam kết tăng cường sự hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ trên thực tế là một tham vọng mãnh liệt chứ không đơn giản là nói suông.

Với các ưu tiên chiến lược mới, bao gồm chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc và giữ gìn an ninh và sự thông suốt tại các nút giao thông hàng hải quan trọng sống còn với thương mại thế giới như biển Đông, Mỹ đang tích cực thúc đẩy hợp tác với các quốc gia trong khu vực.

Trọng tâm chiến lược "Hướng Đông" của Mỹ - Đông Nam Á

Các thỏa thuận giữa Mỹ và Australia, Singapore là mô hình cho vị thế mới của Mỹ trong khu vực. Đối với Australia – đang nổi lên như là đối tác quân sự năng động nhất của cường quốc số 1 thế giới - Mỹ lên kế hoạch tăng cường hiện diện tại bốn căn cứ quân sự khác nhau ở Brisbane, Perth, Darwin và Cocos.

Ở Brisbane, một căn cứ mới cho hạm đội Úc sẽ đủ sức đón những chuyến đổ bộ của lính Mỹ từ chiến hạm và tàu ngầm. Ở Perth, căn cứ hải quân HMAS Stirling được mở rộng sẽ có khả năng tiếp nhận các tàu sân bay Mỹ, cũng như chiến hạm và tàu ngầm. Ở Darwin, dự kiến có tới 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tham gia làm nghĩa vụ luân phiên. Ở đảo Cocos (Keeling), nằm giữa tuyến đường nối Australia và Sri Lanka, theo dự kiến, một sân bay sẽ được nâng cấp để chứa máy bay trinh sát P-8 và máy bay không người lái Global Hawk.

Mỹ bắt đầu triển khai đội thủy quân lục chiến đầu tiên đến Darwin, Australia. Ảnh minh họa: AFP.

Trong khi đó, tại Singapore, Mỹ có ý định triển khai bốn tàu tuần dương đa năng vùng nước nông tối tấn nhất Littoral Combat thuộc biên chế của hải quân nước này.

Tất cả những kế hoạch trên của Mỹ đều nhằm tạo điều kiện cho nước này tung nhanh lực lượng ra khắp khu vực Thái Bình Dương rộng lớn khi cần thiết.Ngoài ra, Mỹ cũng tích cực nâng cấp quan hệ quân sự với Thái lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei, bổ trợ thêm cho các kế hoạch mà Mỹ có với Australia, Singapore.

Tuy trọng tâm của Mỹ trong khu vực từ lâu vẫn là Đông Bắc Á, nhưng hướng nhìn của Mỹ giờ đây đang phần nào chuyển dần sang Đông Nam Á.

“Tôi nhìn vào nơi các lực lượng đóng quân và nơi họ cần phải có mặt hàng ngày, thì chúng tôi có xu hướng thiên về Đông Bắc Á và khi chúng tôi hướng về Đông Nam Á và Nam Á, một áp lực cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ chính là phải triển khai và duy trì các lực lượng tại khu vực này sâu rộng và tích cực hơn”, Đô đốc Robert Willard của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ phát biểu tại Washington ngày 27/11/2011.

Một động thái chứng tỏ cho việc Mỹ đang tích cực chuyển trọng tâm sang Đông Nam Á chính là sự kiện Mỹ lần đầu tiên dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á với tư cách thành viên chính thức, vào tháng 11 năm ngoái ở Bali, Indonesia.

Ngoài ra, với nấc thang chìa khóa trong chiến lược “Hướng Đông” - Philippines, một cựu thuộc địa của Mỹ được xem là một minh chứng khác cho sự chuyển đổi trọng tâm chiến lược của cường quốc số 1 thế giới.

Kể từ năm 1998, các lực lương Mỹ đã bắt đầu tham gia các cuộc tập trận chung có định kỳ và thường xuyên với quân đội Philippines (AFP), bao gồm cuộc tập trận quy mô tháng 11/2002 với sự tham gia của 5.000 lính Mỹ.

Trong “cuộc chiến chống khủng bố”, hiệp ước ký với Philippines cũng cho phép Mỹ triển khai máy bay không người lái đến giúp Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) xác định nơi ẩn náu của Abu Sayyaf, trên hòn đảo xa ở phía Nam, Mindanao. Việc này được tiết lộ vào tháng 2/2012 khi một thiết bị cảm biến, do dân địa phương cài vào chỗ Abu Sayyaf và Jemaah Islameeyah (JI) trốn, đã chỉ cho máy bay của Mỹ biết vị trí của đám khủng bố.

Sau đó, Không quân Philippines tổ chức ném bom, giết chết lãnh đạo của JI là Zulkifli bin Hir và Muawayah, lãnh đạo Abu Sayyaf là Gumbahali Jumdail, cùng 12 chiến binh Abu Sayyaf khác.

Hồi tháng giêng mới đây, quan chức quốc phòng Philippines đã đi thăm Washington để tiến hành đàm phán chiến lược, và đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, quốc phòng, thương mại, và cứu hộ khi có thảm họa.

Thách thức

Tuy nhiên, các mục tiêu của Mỹ trong khu vực hiện đang đứng trước những thách thức không nhỏ khi quyền lực Mỹ có xu hướng suy giảm trong khi quyền lực “người khổng lồ châu Á” Trung Quốc lại đang ngày càng gia tăng.

Trong khi Mỹ đi xuống, Trung Quốc lại đi lên. Ảnh minh họa: aesinternational.

Rơi vào hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc suy thoái khác, nền kinh tế số 1 thế giới có khả năng bị Trung Quốc soán ngôi vào năm 2016, theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Bối cảnh kinh tế ảm đạm, nợ công cao và có những thời điểm Mỹ đứng trước bờ vực vỡ nợ, khiến chính quyền Obama phải thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc. Một quan chức chính quyền Mỹ khẳng định, khoản thâm hụt ngân sách dự kiến 1.300 tỷ USD và nợ quốc gia lên tới con số kỷ lục 14 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, đáng nói là, do áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, Mỹ buộc phải “mạnh tay” cắt giảm ngân sách quốc phòng.

“Tất cả các lĩnh vực đều phải gánh chung gánh nặng này. Bằng cách cùng nhau tiết kiệm chi tiêu, chúng ta có thể tập trung nguồn lực vào việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tính cạnh tranh trong nền kinh tế”, một quan chức Mỹ này nhấn mạnh.

Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đành lòng lên kế hoạch tiết kiệm 78 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

“Bộ Quốc phòng nhất thiết phải xóa bỏ những chi tiêu lãng phí, không cần thiết để sao cho mỗi USD được chi ra cho quân đội đều có hiệu quả”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố.

Do đó, chiến lược “Hướng Đông” của Mỹ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Thiếu tiền chắc chắn sẽ khiến mục tiêu tăng cường hoạt động và mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương gặp vô vàn khó khăn, thách thức.

Trong khi đó, Trung Quốc – có vị trí địa lý gần biển Đông và các khu vực lân cận, lại không thiếu tiền đầu tư hiện đại hóa quân sự. Bắc Kinh đang mua và đầu tư sản xuất, nâng cấp các loạt tên lửa tàu ngầm, tên lửa đạn đạo, khởi động chiến tranh mạng và chiến tranh không gian. Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư xây dựng hàng loạt các hải cảng dọc theo Ấn Độ Dương, ở một phía khác của eo biển Malacca nhìn từ biển Đông, ở in Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan và Kenya. Các dự án này giúp các công ty Trung Quốc giành được vô số hợp đồng làm ăn béo bở.

Nhìn vào cách làm của người Trung Quốc, không ít nhà phân tích nhận định đây rõ ràng con rồng châu Á đang có những biểu hiện của một đế quốc đang lên. Đầu tiên là các dự án đầu tư, sau đó đến các dự án thương mại và cuối cùng dẫn đến sự chi phối, ảnh hưởng về mặt chính trị.

Trung Quốc nhìn chung là một xã hội năng động. Họ đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế và quân sự ra khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như thời Mỹ mở rộng ảnh hưởng ra Đại Tây Dương và khu vực Caribbe mở rộng sau nội chiến.

Các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương nhận ra điều này. Do đó, họ không còn cách nào khác là cũng "rục rịch" chuẩn bị kế hoạch ứng phó bằng cách đổ tiền đầu tư cho quốc phòng, gia tăng các khả năng cho quân đội, đặc biệt là hải quân đề phòng kịch bản xấu nhất.

Tuy nhiên, chính những động thái này cũng đẩy châu Á – Thái Bình Dương vào một cuộc chạy đua vũ khí quyết liệt, làm phức tạp thêm cho tình hình an ninh trong khu vực.

Trong những năm 2000, nếu Mỹ phải nhận không ít lời trách móc, phàn nàn về sự “hờ hững” của họ trong các vấn đề của khu vực, thì nay, một câu hỏi đặt ra là liệu với chính sách “Hướng Đông” – cho phép Mỹ can thiệp sâu hơn vào đời sống chính trị của một khu vực năng động nhất thế giới, thì liệu châu Á – Thái Bình Dương sẽ “trời yên bể lặng” hay sóng gió sẽ nổi lên dữ dội hơn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/thegioi/binhluantg/My-sai-lam-lon-khi-quay-tro-lai-chau-A--Thai-Binh-Duong/20124/203997.datviet