Mỹ quyết 'thoát Nga' vụ ISS 500 tấn có nguy cơ rơi: Nói thì dễ, làm cực khó!

Đích thân quan chức hàng đầu của NASA đã phải nói: 'Sẽ rất khó để chúng tôi tự vận hành trạm ISS'. 'Rất khó' - là khó đến mức nào?

Gần 1 tuần sau khi người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, đưa ra những cảnh báo về việc 'rút tay' khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - dẫn đến việc có thể khiến 'vật thể' 500 tấn này mất kiểm soát, rơi khỏi quỹ đạo và có khả năng 'hạ cánh' xuống Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, hay bất cứ vùng dân cư đông đúc nào trên hành tinh - Phía phương Tây gồm Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và các công ty vũ trụ tư nhân Mỹ nhanh chóng phản hồi.

1. NASA

Ngày 28/2/2022, CNBC (Mỹ) dẫn lời của bà Kathy Lueders, quan chức hàng đầu của NASA về chuyến bay của con người, phát biểu tại một cuộc họp báo cho biết: Chúng tôi không nhận được bất kỳ dấu hiệu nào ở góc độ công việc cho thấy các đối tác Nga của chúng tôi không cam kết thực hiện các hoạt động liên tục trên trạm ISS. Các nhóm phi hành gia NASA (Mỹ) và Roscosmos (Nga) trên trạm ISS vẫn đang làm việc, đào tạo và trò chuyện cùng nhau”.

Kênh CNBC nhận định, mối quan hệ đối tác khoa học trên Trạm Vũ trụ Quốc tế vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng về mặt chính trị ở Trái Đất xoay quanh các vấn đề của Nga và Ukraine.

Hiện, có 7 phi hành trên ISS: Gồm 4 phi hành gia người Mỹ và 1 phi hành gia người Đức - và 2 phi hành gia người Nga.

Bà Kathy Lueders hiện là Phó Quản trị viên của Ban Giám đốc Sứ mệnh Hoạt động và Khám phá Con người của NASA. Bà đã đưa ra nhiều phương án, thông tin liên quan đến khả năng mà phía Nga đã cảnh báo.

2. Công ty Northrop Grumman (Mỹ)

Trong buổi họp báo, bà Kathy Lueders cho biết, Công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng đa quốc gia Northrop Grumman của Mỹ đã đưa ra một khả năng Reboost Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Để hiểu rõ, Reboost là quá trình tăng độ cao của một vệ tinh nhân tạo/trạm vũ trụ, nhằm tăng thời gian cho đến khi quỹ đạo của nó phân rã và nó quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất.

Bà nói, tàu vũ trụ chở hàng Cygnus của Northrop Grumman mới đây nhất đã cập bến ISS vào ngày 21/2/2022. Đây là con tàu vũ trụ đầu tiên tự hào có khả năng Reboost trạm ISS mà không cần sự trợ giúp của Nga.

Tàu vũ trụ Cygnus được sử dụng để chở đồ dùng cho phi hành đoàn, thiết bị dự phòng và các thí nghiệm khoa học lên trạm vũ trụ ISS. Ảnh: NASA

Tàu vũ trụ Cygnus được sử dụng để chở đồ dùng cho phi hành đoàn, thiết bị dự phòng và các thí nghiệm khoa học lên trạm vũ trụ ISS. Ảnh: NASA

Hiện tại, Northrop Grumman sử dụng tàu vũ trụ Cygnus để thực hiện các chuyến bay tiếp tế Trạm Vũ trụ Quốc tế theo hợp đồng Dịch vụ Tiếp tế Thương mại (CRS). Tàu Cygnus được cho là có khả năng thúc đẩy quỹ đạo của trạm ISS.

3. Công ty SpaceX của Elon Musk

Tiếp theo, bà Kathy Lueders nhắc đến sự sẵn sàng của tỷ phú Elon Musk và 'đế chế không gian' SpaceX của ông. Bà nói: “Và, bạn biết đấy, những người trong SpaceX của Mỹ cũng đang xem xét liệu chúng tôi có thể có thêm năng lực giữ trạm ISS ổn định hay không".

Ngày 1/3/2022, News.com.au (Úc) đăng bài viết tựa đề "Elon Musk đáp trả mối đe dọa từ Trạm vũ trụ quốc tế của Nga". Bài báo có đoạn, tỷ phú Elon Musk đã phản bác mối đe dọa từ Nga về việc thả Trạm Vũ trụ Quốc tế khỏi quỹ đạo, nói rằng SpaceX sẽ can thiệp trước khi điều đó xảy ra.

Ông chủ của SpaceX đã nhanh chóng tweet logo của công ty mình (SpaceX) để đáp lại câu hỏi đầy đe dọa của ông Dmitry Rogozin (Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos) về việc ai sẽ cứu ISS khỏi một quỹ đạo mất kiểm soát. Vị tỷ phú này đang xem xét những gì công ty có thể cung cấp cho NASA để hỗ trợ trạm vũ trụ ISS.

4. Công ty Axiom Space (Mỹ)

Điều đặc biệt là, cuộc họp báo của bà Kathy Lueders (quan chức cấp cao của NASA) tổ chức ngày 28/2/2022 lại do Công ty Axiom Space (Mỹ) tổ chức.

Bà Kathy Lueders, quan chức hàng đầu của NASA về chuyến bay của con người. Ảnh: Jared Haworth / We Report Space

Bà Kathy Lueders, quan chức hàng đầu của NASA về chuyến bay của con người. Ảnh: Jared Haworth / We Report Space

Axiom Space là công ty đang lên kế hoạch cho các sứ mệnh thương mại vào năm 2022 tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS); và đặt mục tiêu sở hữu cũng như vận hành trạm vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới vào năm 2024.

Có thể thấy, phía Mỹ đang rất nóng lòng 'thoát Nga' trong vấn đề trạm ISS 500 tấn có nguy cơ rơi, giữa bối cảnh các đòn đáp trả lẫn nhau sau khi chiến sự ở Ukraine leo thang.

Nhưng mấu chốt lại nằm ở chỗ: chính bà Kathy Lueders trong buổi họp báo ngày 28/2/2022 đó phải thừa nhận: "Tôi nhấn mạnh rằng tất cả những kế hoạch như vậy chỉ là một biện pháp dự phòng. Sẽ rất khó để chúng tôi tự vận hành trạm ISS.

Trạm Vũ trụ Quốc tế là một quan hệ đối tác quốc tế được tạo ra… với các mối quan hệ phụ thuộc chung. Với tư cách là một nhóm, chúng tôi đang xem xét nơi chúng tôi có thể có khả năng linh hoạt trong hoạt động, nhưng sẽ là một ngày đáng buồn cho các hoạt động quốc tế nếu chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động một cách hòa bình trong không gian" - The Guardian trích lời bà Kathy Lueders.

Nói một cách đơn giản, tương lai của ISS trên quỹ đạo phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc Mỹ và Nga tiếp tục làm việc cùng nhau, CNBC cho biết. "Hiện tại không có kế hoạch nào để thay thế vai trò của Nga trên ISS" - bà Kathy Lueders lưu ý.

Ngoài quan hệ đối tác lâu dài với ISS, việc vận chuyển hàng hóa và phi hành đoàn là điều quan trọng hàng đầu. Bà Lueders cho biết NASA vẫn có kế hoạch đưa phi hành gia Mỹ Mark Vande Hei trở về từ ISS, thông qua tàu vũ trụ Soyuz của Nga, trong khoảng một tháng.

Ngoài ra, trong khi Roscosmos vẫn chưa thực hiện chuyến bay du hành vũ trụ trên tàu Crew Dragon của SpaceX, các cơ quan đã làm việc để đạt được một thỏa thuận cho phép phi hành gia Anna Kikina của Nga bay trên tàu vũ trụ của Mỹ vào cuối năm 2022 này.

Các nhà du hành vũ trụ Nga Pyotr Dubrov và Anton Shkaplerov gắn một mô-đun mới vào phân đoạn Trạm Vũ trụ Quốc tế trong chuyến đi bộ ngoài không gian ngày 19 tháng 1 năm 2022. Ảnh: NASA

Các nhà du hành vũ trụ Nga Pyotr Dubrov và Anton Shkaplerov gắn một mô-đun mới vào phân đoạn Trạm Vũ trụ Quốc tế trong chuyến đi bộ ngoài không gian ngày 19 tháng 1 năm 2022. Ảnh: NASA

The Guardian cũng nhận định, NASA đang tìm cách để giữ trạm ISS ổn định trên quỹ đạo mà không cần sự trợ giúp của Nga. Dẫu vậy, cho đến nay, không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẽ ngay lập tức rút khỏi sự hợp tác với Mỹ trên trạm ISS sau những căn thẳng chính trị của Nga-Ukraine.

5. TIẾP ĐẾN LÀ ESA

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã cam kết tiếp tục hợp tác với Roscosmos trên ISS và các dự án khác. Tổng giám đốc ESA, Josef Aschbacher, đã tweet: "Bất chấp xung đột hiện tại, hợp tác không gian dân sự vẫn là một cầu nối.

ESA tiếp tục làm việc trên tất cả các chương trình của mình, bao gồm cả chiến dịch khởi động ISS & ExoMars, nhằm tôn trọng các cam kết với các quốc gia thành viên và đối tác".

Châu Âu đang có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Nga trong sứ mệnh ExoMars, dự kiến khởi động vào tháng 9/2022 - bao gồm việc Nga phóng tàu vũ trụ và cung cấp tàu đổ bộ khi nó đến sao Hỏa vào năm 2023.

VAI TRÒ CỦA MỸ VÀ NGA TRÊN ISS

ISS là sự hợp tác giữa Mỹ và Nga, với tư cách là đối tác sáng lập, cùng với Canada, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Nhật Bản.

ISS được chia thành hai phần chính: Phân đoạn quỹ đạo của Nga và phân đoạn quỹ đạo của Mỹ, và chúng phụ thuộc vào nhau để tồn tại trong hoạt động.

Mỹ và Nga giữ cho phòng thí nghiệm nghiên cứu liên tục có các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ, với vai trò của mỗi quốc gia phụ thuộc lẫn nhau - từ các hệ thống hỗ trợ sự sống đến các động cơ đẩy giúp ISS hoạt động trong quỹ đạo.

Scott Pace, Giám đốc Viện Chính sách Không gian tại Đại học George Washington, Mỹ cho biết: "Họ (Nga) không thể hoạt động nếu không có chúng tôi, chúng tôi (Mỹ) không thể hoạt động mà không có họ vì vậy đó thực sự là một quan hệ đối tác quốc tế cần thiết".

Cựu phi hành gia NASA Garrett Reisman nói với CNN rằng: "Phân đoạn quỹ đạo của Nga không thể hoạt động nếu không có điện từ phía Mỹ và phía Mỹ không thể hoạt động nếu không có hệ thống đẩy của phía Nga".

Bài viết tham khảo từ: CNBC, The Guardian, News.com.au, Northropgrumman

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/my-quyet-thoat-nga-vu-iss-500-tan-co-nguy-co-roi-noi-thi-de-lam-cuc-kho-8202223184028368.htm