Mỹ nói về nỗ lực 'vũ khí hóa' năng lượng của Nga, Áo nỗ lực 'xa rời' khí đốt Moscow

Ngày 7/9, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry nhận định, châu Âu đang trở nên mạnh mẽ hơn trước những nỗ lực 'vũ khí hóa' năng lượng của Nga.

Sau nhiều thập niên phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga, chính phủ Áo đang nỗ lực thay đổi thực tế này.. (Nguồn: Reuters)

Sau nhiều thập niên phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga, chính phủ Áo đang nỗ lực thay đổi thực tế này.. (Nguồn: Reuters)

Trả lời phỏng vấn sau Hội nghị thượng đỉnh Sáng kiến 3 Biển tại Bucharest, ông Kerry nhấn mạnh: “Một trong những giải pháp của châu Âu trước thách thức liên quan đến năng lượng Nga là thực hiện nhanh hơn quá trình chuyển đổi năng lượng".

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ cũng cho biết, các quốc gia như Romania và Bulgaria nhận thức rõ rằng, nếu các nước này sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì họ phải kiểm soát lượng khí thải.

Hội nghị cấp cao Sáng kiến 3 Biển diễn ra từ ngày 6-7/9 tại Bucharest với sự tham gia của 12 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nằm trong khu vực giữa Biển Baltic, Biển Đen và Biển Adriatic. Hội nghị được tổ chức ới mục đích tăng cường quan hệ trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn diễn biến phức tạp.

* Cũng trong ngày 7/9, Bộ Ngoại giao Áo cho biết, đang triệu Đặc phái viên của EU tại nước này để giải quyết vấn đề từ bỏ khí đốt của Nga. Hiện, Vienna đang phải trả tiền cho nguồn cung năng lượng từ Moscow.

Trước đó một ngày, Đặc phái viên của EU Martin Selmayr thông tin, 55% khí đốt của Áo tiếp tục là từ Nga. Quan chức EU bày tỏ ngạc nhiên khi không có sự phản đối nào trước thực tế này.

Đáp lại, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề trong EU của Áo Karoline Edtstadler tuyên bố: "Chúng ta chỉ có thể vượt qua những thách thức trước mắt bằng cách hợp tác chặt chẽ với nhau".

Sau nhiều thập niên phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga, chính phủ Áo đang nỗ lực thay đổi thực tế này.

Tuy nhiên, nước này phải đối mặt với nhiều trở ngại khác nhau, bao gồm vị trí địa lý của một quốc gia không có biển. Trong khi đó, các quốc gia khác ở châu Âu đang tăng cường khả năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các khu vực khác qua các cơ sở ven biển.

(theo Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-noi-ve-no-luc-vu-khi-hoa-nang-luong-cua-nga-ao-no-luc-xa-roi-khi-dot-moscow-241271.html