Mỹ muốn trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế vì ra lệnh bắt Thủ tướng Israel

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây tiết lộ rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẵn sàng hợp tác với Quốc hội nước này để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) liên quan đến việc yêu cầu lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh Getty Images.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh Getty Images.

Tại phiên điều trần của tiểu ban phân bổ ngân sách Thượng viện ngày 21/5 (giờ địa phương), Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói với Ngoại trưởng Blinken rằng ông muốn thấy các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với ICC nhằm đáp trả động thái do công tố viên Karim Khan công bố ngày 20/5. “Tôi muốn hành động chứ không chỉ lời nói”.

Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Tôi hoan nghênh việc hợp tác với Quốc hội trong vấn đề này”.

Hồi đầu tuần, công tố viên ICC Karrim Khan cho biết rằng ông có cơ sở hợp lý để tin rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel và ba nhà lãnh đạo Hamas “phải chịu trách nhiệm hình sự” về cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như nhiều nhà lập pháp Mỹ khác đều chỉ trích gay gắt thông báo của ông Khan, cho rằng tòa án ICC không có thẩm quyền đối với cuộc xung đột ở Gaza.

Mỹ không phải là thành viên của ICC, nhưng đã ủng hộ các cuộc truy tố trước đây, bao gồm cả quyết định của ICC năm ngoái về việc ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc chiến ở Ukraine.

Tại phiên điều trần ngày 21/5, ông Blinken cho biết ông sẽ làm việc với Quốc hội để có phản ứng thích hợp, gọi động thái của ICC là “hoàn toàn sai lầm”, nhấn mạnh rằng điều này sẽ làm phức tạp thêm triển vọng đạt được thỏa thuận về con tin và lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột giữa Israel với Hamas.

Các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ trước đây từng đe dọa ban hành luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ICC, nhưng biện pháp đó không thể trở thành luật nếu không có sự ủng hộ từ Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp Đảng Dân chủ, những người kiểm soát Thượng viện.

Vào năm 2020, chính quyền của Tổng thống Donald Trump khi đó đã cáo buộc ICC xâm phạm chủ quyền quốc gia của Mỹ khi ủy quyền điều tra về tội ác chiến tranh ở Afghanistan. Mỹ nhắm vào các nhân viên tòa án ICC, bao gồm cả công tố viên lúc đó là Fatou Bensouda, bằng cách phong tỏa tài sản và cấm đi lại. Ông Biden đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đó vào tháng 4/2021 ngay sau khi nhậm chức.

Tiến Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-muon-trung-phat-toa-an-hinh-su-quoc-te-vi-ra-lenh-bat-thu-tuong-israel-i731945/