Mỹ Lộc phát huy truyền thống quê hương cách mạng

Mỹ Lộc (xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong), một làng quê trù phú nằm bên bờ sông Vĩnh Định, có trục đường ĐT 580 (tỉnh lộ 64 cũ) nối liền thị xã Quảng Trị với cảng Cửa Việt, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Trong kháng chiến, nhiều cán bộ cách mạng của Đảng như cố Tổng bí thư Lê Duẩn, Trần Hữu Dực, Lê Chưởng, Lê Thị Diệu Muội, Lê Thế Tiết... đã chọn nơi này làm cơ sở để hoạt động cách mạng.

Nơi đây cũng là đầu mối liên lạc của nhiều cán bộ Tỉnh ủy Quảng Trị và Xứ ủy Trung kỳ thời bấy giờ. Hầu hết các gia đình trong làng đều là cơ sở cách mạng vững chắc, nhiều người bị bắt, bị tra tấn, tù đày nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa trở thành khu căn cứ địa, nơi huấn luyện lực lượng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, trong các ngày 14, 15 và 16-8-1945, nhiều cuộc mít tinh biểu tình, tuần hành thị uy diễn ra liên tục ở khắp các phủ, huyện. Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, ngày 18-8, Ban thống nhất Đảng bộ Quảng Trị (tức Tỉnh ủy lâm thời) đã triệu tập hội nghị thống nhất lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị quyết định tiến hành giành chính quyền đồng loạt ở các địa phương ngày 23-8. Cũng trong đêm này, tại thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, lực lượng quần chúng nhân dân đã tập hợp đông đảo trước khi kéo lên thị xã Quảng Trị (tỉnh lỵ của tỉnh lúc bấy giờ) để khởi nghĩa giành chính quyền.

 Ông Nguyễn Đô (ngoài cùng bên trái) kể lại những ngày hào hùng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ông Nguyễn Đô (ngoài cùng bên trái) kể lại những ngày hào hùng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Giữa những ngày mùa Thu tháng Tám lịch sử này, chúng tôi về thôn Mỹ Lộc, ký ức về những ngày Cách mạng Tháng Tám cách đây 75 năm về trước vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người dân nơi đây. Vào thăm gia đình ông Nguyễn Đô, người dân thôn Mỹ Lộc năm nay đã hơn 90 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ như in không khí quân và dân Triệu Hòa đứng lên giành chính quyền cách đây 75 năm về trước. Theo lời ông, vào thời điểm đó, để chuẩn bị cho đêm 23-8, nhiều gia đình ở Mỹ Lộc mấy ngày đêm trước đó đã may cờ đỏ sao vàng chuẩn bị khởi nghĩa. Ông lúc đó là đội viên đội tự vệ được trang bị gươm giáo, cờ đỏ sao vàng cùng nhân dân ra tỉnh lộ 64 với khí thế sôi nổi, hào hứng đi giành chính quyền trong tiếng trống, tiếng mõ, tiếng phèng la khua vang cả một vùng.

Còn với ông Lê Xuân Hồng (thôn Mỹ Lộc) tuy khi đó mới 10 tuổi nhưng những kỷ niệm trong đêm tổng khởi nghĩa không thể phai mờ trong tâm trí. Ông Hồng nhớ lại, lúc đó không phân biệt già trẻ, gái trai, ai ai cũng náo nức kéo lên thị xã Quảng Trị cướp chính quyền.

Vượt qua khó khăn, gian khổ sau ngày đất nước thống nhất, phát huy truyền thống anh hùng của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu Hòa nói chung, thôn Mỹ Lộc nói riêng đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Hòa cho biết: “Vốn là địa phương thuần nông nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu Hòa luôn phát huy, vận dụng bài học kinh nghiệm đoàn kết, sức mạnh lòng dân từ Cách mạng Tháng Tám vào công cuộc xây dựng quê hương. Nhờ đó, từ chỗ còn nhiều hộ đói, hộ nghèo, đến nay bộ mặt quê hương đã có sự thay đổi đáng kể, cuộc sống người dân không ngừng nâng lên”.

 Người dân Triệu Hòa chuyển đổi mô hình trồng lúa sang trồng hoa cho thu nhập cao.

Người dân Triệu Hòa chuyển đổi mô hình trồng lúa sang trồng hoa cho thu nhập cao.

Nhằm phát huy giá trị tinh thần, khí thế quật khởi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, những năm qua Đảng ủy xã Triệu Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy tinh thần về sự kiện quân và dân xã nhà vùng lên giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như tuyên truyền, xây dựng bia di tích, biên soạn cuốn sách lịch sử về sự kiện Cách mạng Tháng Tám của xã nhà.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu Hòa đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Cụ thể, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13,8%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 48,6 triệu đồng. Các hoạt động văn hóa - thông tin tuyên truyền có nhiều tiến bộ; các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú được quan tâm giữ gìn. Hiện nay, tất cả các thôn đều được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, phấn đấu cuối năm 2020 hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và về đích nông thôn mới.

Bài, ảnh: PHÙNG NGỌC THĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/my-loc-phat-huy-truyen-thong-que-huong-cach-mang-632051