Mỹ lần đầu dùng máy bay thả hàng viện trợ xuống dải Gaza

Hôm 3/3, BBC đưa tin Mỹ đã thực hiện đợt thả hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên cho dải Gaza, với hơn 30.000 suất ăn được thả xuống bằng 3 máy bay quân sự.

Hoạt động này được thực hiện cùng với lực lượng không quân Jordan, và cũng là hoạt động đầu tiên trong số nhiều hoạt động được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố.

Ông hứa sẽ tăng cường viện trợ sau khi ít nhất 112 người thiệt mạng do Israel pháo kích khi đám đông người dân Palestin xông vào đoàn xe chở hàng viện trợ trong tuần.

Việc thả hàng viện trợ diễn ra khi một quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết khuôn khổ của thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tuần ở Gaza đã được thực hiện.

Quan chức chính quyền Biden hôm 2/3 thông tin, Israel “ít nhiều đã chấp nhận” một thỏa thuận về lệnh ngừng bắn mới.

Theo một quan chức giấu tên, sẽ có lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần ở Gaza bắt đầu từ hôm nay nếu Hamas đồng ý thả một số con tin dễ bị tổn thương (…) là người bệnh, người bị thương, người già và phụ nữ”.

Mỹ thả hàng viện trợ xuống dải Gaza

Các nhà hòa giải dự kiến sẽ gặp lại ở Cairo vào ngày 3/3, và các quan chức Ai Cập cho biết các phái đoàn của cả Hamas và Israel dự kiến sẽ đến để đàm phán.

Một quan chức cho hay, một số vấn đề kỹ thuật nhất định xung quanh một thỏa thuận khả thi vẫn cần được giải quyết, chẳng hạn như số lượng tù nhân Palestine sẽ được Israel thả để đổi lấy con tin do Hamas bắt giữ.

Hôm 2/3, các máy bay vận tải C-130 đã thả hơn 38.000 suất ăn dọc bờ biển Gaza, Bộ Tư lệnh trung ương Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố.

“Những đợt thả hàng này là một phần trong nỗ lực bền vững nhằm có thêm viện trợ cho Gaza, bao gồm cả việc mở rộng dòng viện trợ thông qua các hành lang và tuyến đường trên đất liền”.

Các quốc gia khác bao gồm Anh, Pháp, Ai Cập và Jordan trước đây đã từng thả viện trợ vào Gaza, nhưng đây là lần đầu tiên Mỹ thực hiện việc này.

Các quan chức chính quyền thông tin thêm, "sự cố bi thảm" trong tuần đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc mở rộng và duy trì dòng hỗ trợ nhân đạo vào Gaza để ứng phó với tình hình nhân đạo thảm khốc".

Các cơ quan viện trợ đã nói rằng không vận để thả hàng viện trợ là một cách cung cấp viện trợ không hiệu quả.

Medhat Taher, một cư dân ở Gaza đã phải di dời, nói với hãng tin Reuters rằng phương pháp như vậy thật không thỏa đáng.

"Cái này có đủ cho một trường học không? Cái này có đủ cho 10.000 người không? Sẽ tốt hơn nếu gửi viện trợ qua đường bộ và tốt hơn là thả chúng bằng dù".

Trong tuyên bố hôm 1/3, Tổng thống Biden tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ "nhấn mạnh rằng Israel cần tạo điều kiện cho nhiều xe tải và nhiều tuyến đường hơn để ngày càng có nhiều người nhận được sự giúp đỡ mà họ cần".

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ gặp thành viên nội các chiến tranh Israel Benny Gantz tại Washington vào tuần tới để thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn và các vấn đề khác, Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng.

Trong vụ việc diễn ra trong tuần này, 112 người thiệt mạng và hơn 760 người bị thương khi họ tụ tập quanh các xe tải viện trợ ở rìa phía tây nam thành phố Gaza.

Hamas cáo buộc Israel bắn vào dân thường, nhưng Israel cho biết hầu hết đã chết vì bị giẫm đạp sau khi bắn cảnh cáo.

Giorgios Petropoulos, người đứng đầu văn phòng phụ tại Gaza của Điều phối viên các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nói với BBC rằng ông và một nhóm được cử đến bệnh viện al-Shifa đã tìm thấy một số lượng lớn người bị vết đạn bắn.

Trong khi đó, theo Hamas, một vụ pháo kích của Israel đã giết chết ít nhất 11 người tại một trại ở Rafah, miền nam Gaza hôm 2/3. Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi vụ tấn công là "thái quá".

Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc trong khi đó đã cảnh báo nạn đói sắp xảy ra ở phía bắc Gaza, nơi nhận được rất ít viện trợ trong những tuần gần đây và nơi ước tính có khoảng 300.000 người đang sống với rất ít lương thực hoặc nước sạch.

Quân đội Israel đã phát động một chiến dịch trên không và trên bộ quy mô lớn nhằm tiêu diệt Hamas sau khi các tay súng của lực lượng này giết chết khoảng 1.200 người ở miền nam Israel vào ngày 7/10 năm ngoái và bắt 253 người trở về Gaza làm con tin.

Bộ y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết hơn 30.000 người, trong đó có 21.000 trẻ em và phụ nữ, đã thiệt mạng ở Gaza kể từ đó, với khoảng 7.000 người mất tích và ít nhất 70.450 người bị thương vì các chiến dịch tấn công trả đũa của Israel.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/my-lan-dau-tha-hang-vien-tro-xuong-dai-gaza_159518.html