Mỹ - Iran lại tiếp tục khiêu khích nhau

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ buộc Iran phải chịu trách nhiệm sau vụ tấn công bằng rocket nhắm vào khu vực có đặt đại sứ quán Mỹ ở Iraq. Trong khi đó, nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei - tuyên bố nước này có thể làm giàu urani có độ tinh khiết lên tới 60% trong trường hợp cần thiết và Tehran sẽ không bao giờ nhượng bộ trước áp lực của Mỹ đối với hoạt động phát triển hạt nhân. Động thái này của hai nước khiến nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân có nguy cơ trở thành công cốc.

Các phương tiện bị phá hủy trong cuộc tấn công tên lửa vào Vùng Xanh của Baghdad hôm 22-2. Ảnh: AFP

Các phương tiện bị phá hủy trong cuộc tấn công tên lửa vào Vùng Xanh của Baghdad hôm 22-2. Ảnh: AFP

Hàn Quốc “phá băng” khối tài sản của Iran sau khi tham vấn Mỹ

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết khối tài sản của Iran bị phong tỏa ở các ngân hàng Hàn Quốc sẽ được giải phóng sau khi nước này tham vấn Mỹ.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tehran công bố đã đạt được thỏa thuận với Seoul về cách thức chuyển giao và sử dụng số tiền bị “đóng băng” này. Theo thông báo ngày 23-2 của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, chính phủ nước này đã đàm phán với Iran về cách thức sử dụng khối tài sản bị phong tỏa và Tehran đã bày tỏ sự đồng thuận với các đề xuất của Seoul. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về các đề xuất không được nêu cụ thể trong thông báo. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: “Quá trình giải phóng tài sản bị phong tỏa trên thực tế sẽ được thực hiện thông qua tham vấn với các quốc gia liên quan, trong đó có Mỹ”.

Tehran đã gây áp lực buộc Seoul phải trả số tiền 7 tỷ USD trong tài khoản của nước này đang bị phong tỏa tại hai ngân hàng Hàn Quốc do lệnh trừng phạt của Mỹ. Seoul đã đàm phán với Washington về biện pháp giải phóng số tiền mà không vi phạm các lệnh trừng phạt, bao gồm việc mở rộng hợp tác thương mại nhân đạo với quốc gia Trung Đông.

Tòa án Tối cao Mỹ “bật đèn xanh” điều tra hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Trump.

Ngày 22-2, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết cho phép giao nộp hồ sơ thuế của cựu Tổng thống Donald Trump cho các công tố viên của Văn phòng Công tố quận Manhattan, thành phố New York.

Quyết định trên cũng đồng nghĩa yêu cầu công ty kiểm toán lâu năm của ông Trump - Mazars USA - tuân thủ trát của tòa để chuyển cho bồi thẩm đoàn các tài liệu trên. Theo phán quyết, các công tố viên sẽ có được bản khai thuế trong 8 năm của cựu Tổng thống Trump nhằm phục vụ cuộc điều tra về tài chính của ông. Trước đó, Văn phòng Công tố quận Manhattan đã gửi trát cho Ủy ban Thuế New York, đề nghị cung cấp hồ sơ thuế để phục vụ cuộc điều tra đối với tập đoàn gia đình của ông Trump. Cuộc điều tra của công tố viên New York Cyrus Vance là cuộc điều tra hình sự duy nhất được công bố nhằm vào hoạt động kinh doanh bất động sản của Tập đoàn Trump. Tuy nhiên, khi ông Trump còn đương chức, các luật sư của ông nhiều lần lập luận rằng ông có quyền miễn trừ và theo hiến pháp, công tố viên phải chờ đến khi ông Trump mãn nhiệm nếu muốn tiếp cận các tài liệu đó.

B.N

Mỹ sẽ đáp trả

Trong buổi họp báo ngày 22-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ bất bình trước những vụ tấn công bằng rocket nhằm vào các lực lượng của liên quân do Mỹ đứng đầu và các mục tiêu khác tại Iraq, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington sẽ có hành động đáp trả vào thời gian và địa điểm thích hợp. “Chúng tôi sẽ buộc Iran phải chịu trách nhiệm về hành động của những lực lượng được Tehran hậu thuẫn ở Iraq nhằm tấn công người Mỹ. Tuy nhiên, ông Price nêu rõ phía Mỹ sẽ chọn lựa thời gian, địa điểm và công cụ đáp trả phù hợp, thay vì vội vàng phản ứng dẫn đến leo thang căng thẳng vì điều này có nguy cơ giúp Iran tăng cường nỗ lực gây bất ổn ở Iraq.

Chưa đầy 10 ngày, một loạt các vụ tấn công bằng rocket đã diễn ra liên tiếp nhằm vào các mục tiêu có sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Iraq. Mới nhất, ngày 22-2, cơ quan an ninh Iraq xác nhận ít nhất 2 quả rocket rơi vào trong Vùng Xanh, khu vực được đảm bảo an ninh cao độ, nơi đặt trụ sở đại sứ quán Mỹ và các nước khác ở thủ đô Baghdad. AFP dẫn lời nguồn tin cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa C-RAM tại đại sứ quán Mỹ đã không khai hỏa vì rocket không rơi vào trong khuôn viên tòa đại sứ. Tuy nhiên, ít nhất 1 rocket rơi trúng trụ sở của Cơ quan An ninh Quốc gia Iraq, nằm gần đại sứ quán Mỹ, làm hư hại một số xe hơi đậu ở đó. Các rocket khác thì trúng một số địa điểm khác ở Baghdad.

Cuộc tấn công diễn ra một tuần sau vụ phóng hơn 10 quả rocket vào khu phức hợp quân sự tại sân bay Arbil ở miền bắc Iraq, nơi đóng quân của liên quân, khiến 2 người chết. Hôm 20-2, một vụ tấn công bằng rocket khác đã xảy ra, nhắm vào căn cứ không quân Al-Balad ở phía bắc Baghdad, nơi Iraq đặt các chiến đấu cơ F-16 mua từ Mỹ. Trước đó, ngày 15-2, căn cứ không quân Mỹ tại miền Bắc Irab đã bị tấn công khiến 1 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương, trong đó có công dân Mỹ.

Hôm 22-2, trong chuyến thăm Oman, Tướng Kenneth McKenzie - Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cảnh báo, Iran không nên hành động khiêu khích trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao về chương trình hạt nhân của nước này đang diễn ra. Ông nghi ngờ, các lực lượng do Iran hậu thuẫn vẫn đang cố gắng tiến hành các vụ tấn công để trả thù cho Tướng Qasem Soleimani bị Mỹ giết hại hơn 1 năm về trước. Theo vị Tướng Mỹ, đây là thời điểm mà các bên phải xử lý các vấn đề một cách tỉnh táo và thận trọng. Tướng McKenzie đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ sẽ chuẩn bị cho mọi tình huống và cảnh báo Iran không nêu có hành động gây phương hại các nỗ lực xây dựng lại lòng tin.

Iran tuyên bố không nhượng bộ

Truyền hình nhà nước Iran ngày 22-2 dẫn phát biểu của nhà lãnh đạo tối cao của Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei - tuyên bố nước này có thể làm giàu uranium có độ tinh khiết lên tới 60% trong trường hợp cần thiết và Tehran sẽ không bao giờ nhượng bộ trước áp lực của Mỹ đối với hoạt động phát triển hạt nhân. Ông Khamenei nêu rõ: “Mức độ làm giàu uranium của Iran sẽ không bị giới hạn ở ngưỡng 20%. Chúng tôi sẽ tăng lên bất kỳ cấp độ nào mà đất nước cần... Chúng tôi có thể tăng lên mức 60%... Iran sẽ không nhượng bộ trước áp lực. Lập trường của chúng tôi sẽ không thay đổi”.

Theo Thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015, Iran có thể tinh chế uranium ở mức 3,67%. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã quyết định rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Để đáp trả, một năm sau đó, Iran dần dần đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các cam kết hạt nhân quan trọng. Hồi đầu tháng 1-2021, Iran đã nối lại việc sản xuất uranium được làm giàu uranium ở cấp độ 20% tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow ở thành phố Qom thuộc miền Bắc, vượt mức cam kết theo thỏa thuận. Lãnh tụ tối cao Iran cho rằng, người Mỹ và các nước Châu Âu trong thỏa thuận “đã sử dụng lời lẽ bất công chống lại Tehran”, khẳng định “Iran sẽ không nhượng bộ trước áp lực. Lập trường của chúng tôi sẽ không thay đổi”.

Động thái mới nhất trên của Iran được đưa ra sau khi hồi tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, họ đã sẵn sàng đàm phán với Iran về việc cả hai quốc gia quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mà người tiền nhiệm Donald Trump đã từ bỏ. Động thái này phản ánh sự thay đổi trong tiếp cận của chính quyền mới tại Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, Washington sẽ hướng tới việc củng cố và gia hạn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhằm hạn chế tiềm năng làm giàu uranium của Iran.

Hôm 19-2, Iran kêu gọi Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt mà chính quyền của cựu Tổng thống Trump đã tái áp đặt đối với nước này, sau khi nhận được đề nghị về việc cùng đàm phán từ tân Tổng thống Joe Biden. Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nêu rõ Iran sẽ “ngay lập tức đảo ngược” các biện pháp trả đũa của nước này liên quan các cam kết hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ “một cách vô điều kiện và có hiệu quả tất cả các biện pháp trừng phạt mà cựu Tổng thống Trump đã áp đặt, tái áp đặt hoặc một lần nữa gán cho Iran”.

Rào cản lớn nhất giữa hai nước hiện nay là không bên nào chịu hành động trước. Iran khẳng định Mỹ trước tiên phải hủy bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Trung Đông trong khi Washington cho rằng, Tehran trước tiên phải quay trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân đã ký. Tuy nhiên, Washington và Tehran dường như đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước. Iran đặt thời hạn chót là ngày 23-2-2021 để Washington bắt đầu đảo ngược các biện pháp trừng phạt, nếu không nước này sẽ chấm dứt hoạt động thanh sát hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế LHQ (IAEA).

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_238947_my-iran-lai-tiep-tuc-khieu-khich-nhau.aspx