Mỹ - Iran 'chực chờ' chiến tranh

Mối quan hệ Mỹ- Iran lại rơi vào căng thẳng đáng lo ngại sau khi Lầu Năm Góc mở cuộc không kích quy mô nhằm vào nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria, chỉ 2 ngày sau một cuộc tấn công bằng tên lửa khiến một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng.

Mối quan hệ Mỹ- Iran lại rơi vào căng thẳng đáng lo ngại sau khi Lầu Năm Góc mở cuộc không kích quy mô nhằm vào nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria, chỉ 2 ngày sau một cuộc tấn công bằng tên lửa khiến một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng.

Các máy bay chiến đấu F-15 tấn công 5 mục tiêu liên quan đến Kataib Hizbollah ở Syria. Ảnh: NYTimes

Tấn công “cánh tay trái” của Iran

Theo AP, các máy bay chiến đấu F-15 tấn công 5 mục tiêu liên quan đến Kataib Hezbollah ở miền tây Iraq và miền đông Syria.

Lầu Năm Góc cho biết, họ nhắm mục tiêu vào kho vũ khí hoặc các cơ sở chỉ huy và kiểm soát liên kết với Kataib Hezbollah (KH) ở tây Iraq, cũng như đông Syria, để đáp trả hàng loạt vụ tấn công tên lửa từ hôm 28-12, khiến một nhà thầu dân sự thiệt mạng, 4 thành viên của một cơ quan dịch vụ Mỹ và lực lượng an ninh Iraq bị thương. “KH có mối liên kết chặt chẽ với Lực lượng Quds của Iran và liên tục nhận được viện trợ và nhiều hỗ trợ khác từ Tehran mà họ đã sử dụng để tấn công” các lực lượng liên minh”, Lầu Năm Góc tuyên bố, đề cập đến cánh tay bên ngoài của Lực lượng Cách mạng Iran. “Chúng tôi sẽ không ủng hộ Cộng hòa Hồi giáo Iran thực hiện các hành động khiến người Mỹ lâm nguy”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh.

Trong tuyên bố ngày 30-12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định, các cuộc không kích này đã thành công và ông không loại trừ các hành động bổ sung “nếu cần thiết”. Ông Esper nhấn mạnh: “Tôi muốn lưu ý, chúng tôi sẽ có thêm các hành động nếu cần thiết nhằm đảm bảo rằng chúng tôi hành động để phòng vệ và ngăn chặn những hành vi tồi tệ hơn từ các nhóm phiến quân hoặc từ Iran”. Theo các nguồn tin, 19 thành viên nhóm Hezbollah thiệt mạng trong các cuộc không kích này. Bộ trưởng Esper cũng nói rằng, ông cùng ngoại trưởng Pompeo đến Florida, nơi Tổng thống Donald Trump đang trải qua kỳ nghỉ Giáng sinh, để thông báo cho ông chủ Nhà Trắng về các sự kiện mới nhất ở Trung Đông.

Vài giờ sau tuyên bố từ Washington, 4 quả rocket phát nổ gần căn cứ của quân đội Mỹ gần thủ đô của Iraq nhưng may mắn không ai bị thương. Người phát ngôn của Thủ tướng Iraq sắp mãn nhiệm Abel Abdel Mahdi tuyên bố đây là hành động “vi phạm chủ quyền của Iraq”. Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm nhưng mọi nghi ngờ đổ dồn vào một phe thân Iran hùng mạnh khác, Assaib Ahl al-Haq - vốn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của Washington - và đã kêu gọi người Mỹ rút khỏi Iraq. “Sự hiện diện của quân đội Mỹ trở thành gánh nặng cho nhà nước Iraq và là nguồn đe dọa đối với các lực lượng của chúng tôi”, Assaib Ahl al-Haq tuyên bố và khẳng định: “Do đó, tất cả chúng ta buộc phải làm mọi thứ để trục xuất họ bằng mọi cách hợp pháp”.

Tiến thoái lưỡng nan

Rất nhiều người Iran ủng hộ các nhóm vũ trang ở Iraq, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tehran và Washington, khiến Baghdad ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng các yêu cầu của các đồng minh chủ chốt này.

Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với Tehran và áp đặt các lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế quốc gia Hồi giáo. Baghdad đang mắc kẹt ở giữa. Nhưng các phe thân Iran ở Iraq hiện được coi là mối đe dọa đáng kể đối với binh sĩ Mỹ, thậm chí còn lớn hơn so với các phiến quân IS, nhóm đã mở các cuộc tấn công càn quét Iraq vào năm 2014.

Cuộc tấn công trả đũa của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Iraq bị kìm kẹp bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất của nước này kể từ sau cuộc xâm lược do Washington dẫn đầu vào năm 2003 lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein. Những người biểu tình, lớn lên trong thời kỳ “hậu Saddam Hussein”, trút giận lên một chính phủ mà họ cho là bất tài, tham nhũng và coi thường Iran. Bạo lực liên quan đến biểu tình đã cướp đi khoảng 460 sinh mạng, hầu hết là những người biểu tình và khiến khoảng 25.000 người bị thương, nhưng các cuộc biểu tình và các cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn.

Kể từ ngày 28-10, ít nhất 11 cuộc tấn công nhắm vào các căn cứ quân sự của Iraq, nơi có sự hiện diện của các binh sĩ hoặc nhà ngoại giao Mỹ, bao gồm vụ 5 tên lửa tấn công căn cứ không quân Al-Asad vào ngày 3-12, chỉ 4 ngày sau khi Phó Tổng thống Mike Pence đến thăm các binh sĩ ở đó.

KHẢ ANH

MỸ KHÔNG KÍCH PHIẾN QUÂN AL-SHABAAB Ở SOMALIA

Quân đội Mỹ ngày 30-12 cho biết, 4 phần tử của nhóm khủng bố Al-Shabaab đã thiệt mạng hôm 29-12 trong 3 cuộc không kích của Mỹ vào 2 địa điểm ở Somalia,

Cuộc không kích xảy ra một ngày sau khi ít nhất 90 người thiệt mạng trong vụ đánh bom xe tải tại một trạm kiểm soát bận rộn ở thủ đô Mogadishu của Somalia, vụ tấn công nguy hiểm nhất trong hơn 2 năm qua.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_218406_my-iran-chuc-cho-chien-tranh.aspx