Mỹ-Hàn Quốc kiềm chế nỗ lực hạt nhân của Triều Tiên

Mỹ và Hàn Quốc thành lập lực lượng đặc nhiệm mới nhằm hạn chế việc Triều Tiên nhập khẩu dầu - nguồn nguyên liệu thiết yếu cho phát triển hạt nhân và tên lửa cũng như củng cố vị thế quân sự của nước này.

Tàu chở dầu mang cờ Triều Tiên. Ảnh tư liệu: Bộ Quốc phòng Nhật Bản

Sự ra mắt của lực lượng này diễn ra trong bối cảnh bế tắc do tiếng nói khác biệt trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) làm dấy lên lo ngại về tương lai hiện thực hóa các lệnh trừng phạt quốc tế.

Hạn chế lượng dầu nhập khẩu của Triều Tiên

Theo Reuters, cuộc họp đầu tiên của lực lượng nói trên diễn ra tại Washington, D.C (Mỹ) ngày 26-3 với sự góp mặt của hơn 30 quan chức trong các lĩnh vực ngoại giao, tình báo, trừng phạt và ngăn chặn hoạt động hàng hải. Sự kiện tập trung thảo luận cách ứng phó với nỗ lực của Triều Tiên nhằm lách biện pháp trừng phạt liên quan mua xăng dầu tinh chế; đồng thời tìm cách ngăn hợp tác Nga - Triều về các thương vụ liên quan dầu mỏ. Trong khi đó, cách thức ngăn chặn quá trình vận chuyển dầu mỏ tinh chế vào Triều Tiên, cũng như hành vi tài trợ bất hợp pháp cho việc này, sẽ là chủ đề thảo luận tại cuộc họp tiếp theo.
Về nhiệm vụ cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, lực lượng đặc nhiệm Mỹ-Hàn đang xem xét hành động hợp tác chung tiềm năng nhằm phá vỡ mạng lưới thu mua dầu đã lọc của Triều Tiên, gồm phát hiện hành vi lách lệnh trừng phạt và áp đặt biện pháp trừng phạt lên khu vực tư nhân và bên thứ ba cố ý hoặc vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển dầu. Trong tương lai, lực lượng này có thể nhắm vào các lĩnh vực khác có khả năng tránh lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc bán than.

Toan tính đằng sau

Chung quy, việc Mỹ và đồng minh thân thiết Hàn Quốc “bắt tay” hạn chế khả năng nhập khẩu dầu của Triều Tiên cũng chỉ hướng đến mục tiêu cuối cùng, đó là ngăn chặn hiệu quả nguồn lực cần thiết cho chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Triều Tiên.

Tính thời điểm về sự ra đời của lực lượng đặc nhiệm này cũng là điều đáng chú ý. Trước hết, hội đồng chuyên gia của về giám sát thực thi lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên đang phải đối mặt với tương lai không chắc chắn và có khả năng bị giải tán. NK News tuần trước đưa tin LHQ đã trì hoãn cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an về việc gia hạn nhiệm vụ của hội đồng này trước thời điểm hết hạn vào ngày 30-4 do lo ngại Nga có khả năng sẽ phủ quyết.

Bên cạnh đó, động thái lần này của Mỹ và Hàn Quốc diễn ra sau khi Financial Times đưa tin Nga bắt đầu cung cấp dầu trực tiếp cho Triều Tiên, đồng thời trích dẫn hình ảnh vệ tinh làm bằng chứng. Những hình ảnh được chia sẻ với Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia (RUSI), cơ quan nghiên cứu của Anh, cho thấy, ít nhất 5 tàu chở dầu của Triều Tiên đã thu thập các sản phẩm dầu từ Cảng Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga trong tháng 3-2024. Hình ảnh vệ tinh được cho là đã xác nhận rằng hai tàu trong số đó đi từ Cảng Vostochny đến cảng Chongjin (Triều Tiên). Đáng chú ý, các chuyến hàng, bắt đầu vào ngày 7-3 có thể là chuyến giao hàng trực tiếp bằng đường biển đầu tiên được ghi nhận từ Nga kể từ khi Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) áp đặt giới hạn nhập khẩu dầu nghiêm ngặt đối với Triều Tiên vào năm 2017 để đáp lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa của nước này. Theo đó, LHQ yêu cầu các nước thành viên báo cáo về việc cung cấp, bán và vận chuyển tất cả các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và dầu thô sang Triều Tiên, đồng thời áp đặt giới hạn nhập khẩu 4 triệu thùng dầu thô và 500.000 thùng sản phẩm tinh chế hằng năm của quốc gia Đông Bắc Á này.

Reuters dẫn báo cáo gần đây của hội đồng chuyên gia của LHQ về giám sát việc thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên cho biết, các tàu chở dầu mang cờ Triều Tiên có thể đã chuyển 1,5 triệu thùng dầu từ tháng 1 đến 9-2023, gấp 3 lần mức trần dầu hàng năm. Con số này cho thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục sử dụng nhiều phương pháp khác nhau và mạng lưới trung chuyển để nhập khẩu dầu từ nước ngoài.

Năm ngoái, Ủy ban giám sát lệnh trừng phạt của LHQ cho biết, hoạt động xuất khẩu dầu từ Nga sang Triều Tiên ược nối lại vào tháng 12-2022 sau hai năm tạm dừng. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Sun Hui vào thời điểm đó cho biết, hợp tác chiến lược giữa hai nước chưa bao giờ mạnh mẽ đến như vậy; đồng thời ca ngợi đây là “thời hoàng kim” mới trong quan hệ song phương. Mỹ và Hàn Quốc lâu nay bày tỏ lo ngại về khả năng Nga có thể cung cấp thêm xăng dầu tinh chế cho Triều Tiên do mối quan hệ quân sự chặt chẽ đang phát triển giữa hai nước.

NK News dẫn lời ông Yang Uk, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cho rằng, chính sự rối loạn chức năng của cơ chế trừng phạt Triều Tiên hiện tại là lý do để Mỹ và Hàn Quốc thành lập lực lượng đặc nhiệm mới và khẳng định vai trò lãnh đạo của họ để bảo vệ các lệnh trừng phạt của LHQ. Việc thực thi các lệnh trừng phạt là tùy thuộc vào từng quốc gia nhưng chỉ có Mỹ và Hàn Quốc coi đó là ưu tiên hàng đầu trong khi các quốc gia khác lại chẳng bận tâm.

THƯ LÊ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202403/my-han-quoc-kiem-che-no-luc-hat-nhan-cua-trieu-tien-3969038/