Mỹ chi hàng tỷ đô phát triển máy bay 'ngày tận thế'

Mỹ dự định phát triển một phi đội máy bay 'ngày tận thế' mới để thay các phương tiện E-4B Nightwatch hiện tại, có khả năng phục vụ như một sở chỉ huy di động nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Tham vọng phát triển pháo đài bay

Theo kế hoạch, lực lượng không quân Mỹ sẽ phải chọn được nhà thầu để chế tạo pháo đài bay được mệnh danh là máy bay "ngày tận thế" mới vào năm 2024.

Mỹ sẽ chi khoảng 890 triệu USD trong năm tài chính 2024 để phát triển phi đội máy bay "ngày tận thế". Sẽ có thêm 8,3 tỷ USD được phân bổ cho chương trình này đến năm 2028.

Hiện tại, dòng pháo đài bay Mỹ đang dùng là E-4B Nightwatch có sức chứa lên đến hàng trăm người, dự kiến thời hạn hoạt động sẽ kết thúc vào năm 2030. Như vậy Mỹ chỉ có 6 năm để cho ra mắt pháo đài bay mới.

Máy bay “ngày tận thế” E-4B Nightwatch.

Loại E-4B Nightwatch đang được sử dụng để phục vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong các hoạt động thường ngày. Pháo đài bay này có khả năng vận hành như một trạm chỉ huy di động, chuyên chở Tổng thống Mỹ và lãnh đạo cấp cao trong trường hợp xảy ra thảm họa. Máy bay có thể chịu được các vụ nổ hạt nhân, ảnh hưởng điện từ.

E-4B có thể bay trên bầu trời cả tuần nếu được tiếp nhiên liệu trên không. Mỹ có bốn chiếc E-4B đang hoạt động nhưng chỉ một chiếc trong số đó luôn sẵn sàng chiến đấu.

Phương tiện này được chế tạo trên nền tảng của Boeing 747, cùng loại với chuyên cơ Không lực Một (Air Force One) phục vụ Tổng thống Mỹ nhưng khác nhau về tiện nghi.

E-4B là trung tâm chỉ huy chiến tranh di động, đảm bảo có thể mang theo hàng chục chuyên gia phân tích quân sự, chiến lược gia và trợ lý liên lạc.

Máy bay được trang bị nhiều linh kiện đặc biệt, như ăng-ten dây dài tới 8km để duy trì liên lạc với lực lượng tàu ngầm hạt nhân kể cả khi trạm liên lạc mặt đất bị phá hủy.

Bên trong E-4B có không gian tương đương văn phòng di động rộng 1.524m2, bao gồm phòng hội nghị, phòng họp báo và khoang nghỉ. Mỗi chiếc có trọng lượng rỗng 190 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa là gần 375 tấn.

Boeing bị loại khỏi cuộc đua

Tuy nhiên, với phi đội "ngày tận thế" mới, Boeing khả năng cao sẽ không được tham gia chế tạo vì theo thông tin mới nhất từ hãng Reuters, tập đoàn Boeing đã bị loại khỏi cuộc cạnh tranh giành hợp đồng sản xuất.

Boeing xác nhận Không quân Mỹ đã loại tập đoàn này. Do đó, rất có thể hợp đồng sẽ thuộc về tập đoàn Sierra Nevada Corp – đơn vị cạnh tranh duy nhất.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc chưa bình luận về việc liệu họ có nhận được lời đề nghị từ các công ty khác tham gia đấu thầu hay không.

Động thái mới nhất từ Lầu Năm Góc đã làm sôi động cuộc đua chế tạo phiên bản kế nhiệm máy bay "ngày tận thế".

Hai nguồn tin cho biết, Boeing và Không quân Mỹ đã không thể đạt được thỏa thuận về quyền dữ liệu và các điều khoản hợp đồng.

Nhà sản xuất máy bay Mỹ từ chối ký vào tất cả các loại thỏa thuận chốt giá cố định có liên quan đến vấn đề này vì lo ngại chi phí sẽ vượt quá giới hạn đã thỏa thuận.

Hồi tháng 10 vừa qua, Boeing cho biết, họ đang tiếp cận tất cả các cơ hội để bổ sung thêm quy định trong bản thảo hợp đồng mới để đảm bảo có thể đáp ứng các cam kết và hỗ trợ hoạt động kinh doanh lâu dài của tập đoàn.

Mặt khác, nhà sản xuất máy bay của Mỹ khẳng định, họ đã đưa ra đề xuất dựa trên 60 năm kiến thức và kinh nghiệm chế tạo máy bay thương mại quân sự trong đó hãng từng đảm nhiệm từ khâu thiết kế, phát triển và bảo trì E-4B Nightwatch – phương tiện hiện đang phục vụ cho nhiệm vụ chỉ huy và kiểm soát an ninh quốc gia.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Boeing đang phải tìm cách để chứng minh với những nhà đầu tư rằng công ty đang tìm kiếm các điều khoản hợp đồng có lợi hơn trong những giao dịch trong tương lai với Lầu Năm Góc.

Trấn an các nhà đầu tư, trong một cuộc họp hồi tháng 10 Giám đốc tài chính của Boeing – ông Brian West quả quyết: "Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ không ký vào các hợp đồng phát triển giá cố định và cũng không có ý định làm như vậy".

Từ thực tế trên, giới chuyên gia lo ngại, kế hoạch chế tạo pháo đài bay "ngày tận thế" mới khó có thể hoàn thành đúng kế hoạch.

Thực tế, đơn vị quốc phòng của Boeing đã lỗ 1,3 tỷ USD trong năm nay cho các chương trình phát triển với giá cố định bao gồm Starliner của NASA và chuyên cơ Không lực Một (Air Force One) mới phục vụ Tổng thống. Theo đánh giá của Reuters, hãng đã lỗ 16,3 tỷ USD cho các chương trình giá cố định kể từ năm 2014.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/my-chi-hang-ty-do-phat-trien-may-bay-ngay-tan-the-192231215100652578.htm