Mỹ cấm khai thác dầu khí tại nhiều khu vực ở Alaska

Ngày 6/9, Bộ Nội Vụ Mỹ thông báo, nước này sẽ hủy bỏ hợp đồng khoan, thăm dò dầu khí tại khu bảo tồn động vật hoang dã ở bang Alaska – di sản của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia ở Alaska là vùng sinh thái quan trọng với loài gấu trắng Bắc cực, tuần lộc Caribu và hàng trăm nghìn loài chim di cư. (Ảnh: AFP)

Chính quyền của ông Donald Trump khi đó đã cấp cho Cơ quan Xuất khẩu và Phát triển Công nghiệp Alaska (AIDEA) 7 hợp đồng thuê và khai thác dầu khí tại khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia ở Bắc Cực này chỉ một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden năm 2021.

Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Mỹ cho biết, một cuộc đánh giá môi trường mới đã xác định rằng các phân tích làm cơ sở cho việc cung cấp hợp đồng cho thuê hồi năm 2021 là "sai sót nghiêm trọng", qua đó quyết định trao cho Bộ trưởng Deb Haaland quyền hủy hợp đồng cho thuê.

Việc hủy bỏ hợp đồng trên cho thấy cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm bảo vệ môi trường sống rộng 19,6 triệu mẫu Anh (7,7 triệu ha) cho gấu Bắc Cực và tuần lộc.

Trong một tuyên bố, ông Joe Biden nhấn mạnh Alaska là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú nhất và nhiều khu vực có vai trò quan trọng về văn hóa, đồng thời cho biết: “Khi cuộc khủng hoảng khí hậu làm ấm Bắc Cực với tốc độ nhanh hơn gấp đôi so với phần còn lại của thế giới, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ khu vực quý giá này”.

Các nhà lãnh đạo ở Alaska đã hoan nghênh động thái này, tuy nhiên các đảng viên đảng Cộng hòa vẫn phản đối bằng lập luận “cản trở nền kinh tế Alaska và khiến an ninh năng lượng của đất nước gặp rủi ro”.

Bộ Nội vụ Mỹ cũng cho biết sẽ cấm cho thuê mới trên hơn 10 triệu mẫu Anh, tương đương hơn 40% tổng diện tích Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia ở Alaska (NPR-A), khu vực rộng 23 triệu mẫu Anh và là vùng đất công lớn nhất không bị con người gây xáo trộn ở Mỹ. Đây là vùng sinh thái quan trọng với loài gấu trắng Bắc cực, tuần lộc Caribu và hàng trăm nghìn loài chim di cư.

Tuy nhiên, quy định mới cũng hạn chế, nhưng không cấm tuyệt đối hoạt động khai thác tại vùng có diện tích hơn 970.000 ha cũng thuộc NPR-A, đồng thời ủng hộ các hoạt động sinh kế của các cộng đồng bản địa ở Alaska.

Sản lượng khai thác dầu ở Alaska đã giảm dần trong 3 thập kỷ qua. Theo số liệu chính thức, bang này hiện sản xuất dưới 500.000 thùng dầu thô/ngày, giảm so với hơn 2 triệu thùng/ngày vào năm 1988.

NPR-A là khu đất công lớn nhất của Mỹ và được cựu Tổng thống Warren G.Harding thành lập năm 1923. Năm 1976, Quốc hội Mỹ chỉ đạo việc khai thác nhiên liệu hóa thạch tại khu vực này phải cân bằng với nhu cầu bảo vệ môi trường./.

H.Hà (Theo Reuters, AFP)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/my-cam-khai-thac-dau-khi-tai-nhieu-khu-vuc-o-alaska-646061.html