Mỹ bất ngờ tiết lộ: Siêu tên lửa AIM-120 mới là sát thủ bắn hạ Su-22 Syria

Mỹ bất ngờ công bố những chi tiết liên quan đến vụ tiêu diệt máy bay Su-22 của Syria. Trong đó đáng chú ý là chi tiết Mỹ đã cố gắng liên lạc với Nga trước khi tấn công, và loại tên lửa diệt Su-22 chính xác là AIM-120 sau khi chiếc Su-22 tránh được đòn tấn công từ AIM-9X.

Lầu Năm Góc ngày 21/6 công khai những chi tiết liên quan đến cuộc đối đầu giữa tiêm kích F/A-18E Super Hornet với cường kích Su-22 Syria trên bầu trời phía Nam thành phố Raqqa hôm 18/6. Sự việc khiến Nga hết sức tức giận.

Cụ thể, sáng 18/6, quân đội Mỹ khẳng định nhận được lời kêu cứu từ lực lượng phiến quân mà nước này hậu thuẫn tại Syria. Nhóm phiến quân này cho biết đang bị quân đội Syria tấn công dồn dập ở ngoại ô thị trấn Raqqa.

Mỹ cũng cho biết đã cố gắng liên lạc đường dây nóng với không quân Nga tại Syria để nhờ can thiệp tới chiếc Su-22 ngừng tấn công lực lượng ôn hòa đối lập với chính phủ Syria do Mỹ hẫu thuẫn. Rất tiếc sự liên hệ nhờ can thiệp không thành công buộc Mỹ phải tấn công chiếc Su-22.

Mỹ đã điều 2 chiếc F/A-18E Super Hornet từ tàu sân bay USS George H.W. Bush đến để tấn công chiếc máy bay này.

Một tiêm kích F/A-18E đã khai hỏa quả tên lửa không đối không tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder nhắm vào cường kích Syria từ khoảng cách hơn 800m, nhưng chiếc Su-22 của Syria đã phóng bẫy mồi nhiệt và tránh được.

Phi công Mỹ tiếp tục khai hỏa lần hai từ phía sau bằng một tên lửa đối không tầm trung AIM-120. Quả tên lửa phát nổ ngay phía sau đuôi cường kích Syria, khiến nó hư hỏng nặng và lao xuống đất. Viên phi công chiếc Su-22 đã buộc phải nhảy dù để đảm bảo tính mạng.

AIM-120 thuộc loại tên lửa tầm trung không đối không được phát triển bởi công ty quốc phòng Raytheon của Mỹ. Tên lửa AIM-120 hiện đang có trong trang bị của quân đội 36 nước. Với việc sử dụng đầu dò radar thay vì đầu dò hồng ngoại, một khi mục tiêu bị khóa gần như 100% bị tiêu diệt.

Hiện không quân Mỹ đang tiến hành cải thiện hệ thống điều khiển và nâng cấp AIM-120C5 theo các nội dung: Kéo dài động cơ tên lửa, cải tiến đường truyền dữ liệu và có khả năng ngắm ngoài trục cao hơn.

Tên lửa AIM-120 có thể được tích hợp trên máy bay chiến đấu F-22, Eurofighter Typhoon, F-15, F-16, F/A-18, F-35 JSF, Sea Harrier, Tornado, Harrier II Plus, JAS-39 Gripen và hệ thống tên lửa đối không tiên tiến của Na Uy (NASAMS).

Các phiên bản của tên lửa AIM-120 nhìn chung đều có kích thước tương đương nhau, sự khác biệt chủ yếu nằm ở những cải tiến động cơ, thuốc phóng, hệ thống dẫn đường... AIM-120 có trọng lượng 152kg, dài 3,7m, đường kính thân 180mm.

Một trong những ưu điểm đáng nói tới của tên lửa AIM-120 là hệ thống dẫn đường. Nó sử dụng đầu dẫn radar chủ động có khả năng tự phát hiện, theo dõi và khóa mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ của máy bay mang phóng.

Nghĩa là, sau khi rời khỏi bệ phóng trên máy bay, AIM-120 sẽ tự chủ hoàn toàn trong việc tấn công, tiêu diệt mục tiêu. Còn máy bay mang phóng có thể chuyển hướng sang mục tiêu khác hoặc thoát ly. Một ưu điểm khác trên tên lửa AIM-120 là có thể bắn các mục tiêu ngoài tầm nhìn trong mọi điều kiện thời tiết, cả ban ngày hoặc ban đêm.

Tên lửa AIM-120 được trang bị đầu đạn nổ phá mảnh nặng 22,7kg với phiên bản A/B và rút xuống còn 18,1kg với phiên bản C. Tên lửa AIM-120 được đánh giá là cực kỳ hiệu quả, dễ dàng phá hủy hoặc gây tổn thương nghiêm trọng với mọi máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay vận tải...

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/my-bat-ngo-tiet-lo-sieu-ten-lua-aim120-moi-la-sat-thu-ban-ha-su22-syria/732397.antd