Mỳ ăn liền Việt Nam xuất EU được nới lỏng kiểm định

Kể từ ngày 27/6/2023, các mặt hàng mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Châu Âu (EU) sẽ không còn bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định.

EU nới lỏng quy định an toàn thực phẩm với mỳ ăn liền Việt Nam

Ngày 7/6/2023, EU đã đăng công báo Quy định (EU) 2023/1110 ký ngày 6 tháng 6 năm 2023 sửa đổi Quy định 2019/1973 về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU.

Theo đó, EU đã chính thức đưa các loại mỳ ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại Biên giới là 20%.

Như vậy, kể từ ngày 27/6/2023, các mặt hàng mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Quy định có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo.

Đây được đánh giá là một tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm mì gói sang châu Âu.

Mặt hàng mỳ ăn liền được đưa từ phụ lục II sang phụ lục I

Được biết, trước đó, EU bắt đầu áp dụng quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến mỳ của Việt Nam từ ngày 1/1/2022. Chỉ 6 tháng sau, Việt Nam đã thành công thuyết phục EU đưa bún miến, các sản phẩm từ gạo ra khỏi danh mục quản lý an toàn thực phẩm.

Tiếp đó, 18 tháng sau khi EU thông qua quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến mỳ của Việt Nam, thì mỳ ăn liền cũng đã được đưa từ phụ lục II (kiểm soát theo chứng thư và tại cửa khẩu) sang phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu).

Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn và kịp thời của Bộ Công Thương trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như tích cực hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các quy định liên quan đến công tác kiểm soát tại cửa khẩu vẫn được duy trì với tần suất 20% đòi hỏi Việt Nam luôn phải duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền.

Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, mỳ ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU có nhiều vụ vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ là tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó là đưa quay lại phụ lục II. Nếu mỳ ăn liền của Việt Nam bị đưa lại về phụ lục II thì quá trình thuyết phục EU đưa lại phụ lục I là khó khăn hơn rất nhiều.

Chính vì lý do đó, Bộ Công thương cũng đã ra lời đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền của Việt Nam phải liên tục kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, và kể cả xem xét áp dụng các biện pháp tự nguyện như tự xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm uy tín đối với các lô hàng mỳ ăn liền xuất khẩu vào EU.

Nguồn: Bộ Công thương, TTXVN

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/my-an-lien-viet-nam-xuat-eu-duoc-noi-long-kiem-dinh-179230612220612592.htm