Mường Phăng ngày ấy, bây giờ

Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, ngoài các địa danh nổi tiếng như Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1... không thể không nhắc đến Mường Phăng. Đây là nơi đặt Sở Chỉ huy - cơ quan đầu não của chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31/1-15/5/1954).

Với ý chí, khát khao “Làm một trận Điện Biên Phủ trong xu thế hội nhập và phát triển” tuổi trẻ Mường Phăng nói riêng và tuổi trẻ thành phố Điện Biên Phủ nói chung, đã và đang cùng cả nước góp phần giáo dục, bồi dưỡng hình thành lớp thanh niên mới “vừa hồng, vừa chuyên”. Đặc biệt, có kiến thức vững vàng, khả năng tiếp cận trí tuệ của thời đại; khơi gợi ý chí “tự lực, tự cường”, xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; chung tay xây dựng nông thôn mới, làm chủ cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương.

Dưới tán rừng của đại ngàn Mường Phăng, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao trước bọc sau, thuận lợi khi di chuyển và phù hợp với đặc thù làm việc khẩn trương của Bộ Chỉ huy chiến dịch, vừa bảo đảm bí mật, vừa tuyệt đối an toàn.

Diện mạo ngày càng khang trang, sạch đẹp, không gian yên tĩnh, thoáng đãng, đó là cảm nhận của rất nhiều du khách khi đến thăm Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cơ quan đầu não của quân đội - Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau khi dâng hương tại Khu tưởng niệm Đại tướng, du khách sẽ men theo con đường mòn nhỏ lên núi Pú Đồn.

Du khách tiếp tục đi bộ dọc theo con đường nhựa để lên Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Những chỗ khó dọc theo đường đều có bậc thang, núi cũng không cao, nên ngay các cựu chiến binh đã cao tuổi vẫn có thể đi bình thường.

Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ hiện còn lưu giữ nhiều di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu như lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Đến với di tích Sở Chỉ huy, du khách còn được tham quan trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến - nơi giao ban hàng ngày của Bộ Chỉ huy, hội trường - nơi diễn ra các Hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy triệu tập, bếp Hoàng Cầm… tất cả được chỉnh trang, tu sửa gọn gàng, sạch đẹp.

Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn, trong vòng 105 ngày từ 31/1/1954 đến 15/5/1954 cơ quan đầu não quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Từ Sở Chỉ huy này, đi lên điểm cao nhất, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1...

Năm 2004, trong lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Mường Phăng, thấy người dân nơi đây phải sống trong cảnh khan hiếm nước sản xuất. Sau chuyến thăm ấy, Đại tướng đã viết thư gửi Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng về việc xây dựng hồ chứa thủy lợi Loọng Luông.

Sau 2 năm thi công, năm 2013 hồ Loọng Luông hoàn thành và đưa vào khai thác, với tổng diện tích lưu vực 1,9km2, dung tích hữu ích hơn 1 triệu m3, cấp nước tưới 150ha đất trồng lúa trên địa bàn, mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định tại xã Mường Phăng.

Từ khi có hồ chứa nước Loọng Luông, những hạn chế trong sản xuất đã được khắc phục. Không chỉ có 5 bản người Mông, hồ Loọng Luông còn cung cấp nước cho gần như toàn bộ 20 bản của xã Mường Phăng. Đủ nước sản xuất, diện tích đất lúa hai vụ của xã liên tục tăng.

Với lối tư duy mới, quyết tâm cao, tinh thần dám nghĩ dám làm, Hợp tác xã Dâu tây Mường Phăng-Điện Biên của thanh niên Hoàng Văn Dán, thế hệ trẻ của xã Mường Phăng đã bước đầu đem lại thành công về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên trong xã. Anh là tấm gương đoàn viên tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế-xã hội.

Vào vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày Hợp tác xã thu hái được từ 60 đến 70kg quả. Giá mỗi kg khoảng 150 nghìn đồng. Với ưu thế là nông sản địa phương, mẫu mã đẹp, chất lượng quả đồng đều và giá cả phù hợp thị trường nên dâu tây Mường Phăng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Sản phẩm quả sau khi thu hái được đóng gói và đưa đi tiêu thụ ở siêu thị, cửa hàng hoa quả và phục vụ khách du lịch khi đến với Mường Phăng. Với 3ha hiện có, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng/vụ.

Người trẻ của xã Mường Phăng hôm nay đã trưởng thành, có thể đảm nhận những các vị trí đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội như hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Văn phòng Ủy ban nhân dân, trở thành công chức, viên chức khi còn rất trẻ.

Một trong những điểm du lịch cộng đồng đặc sắc ở Mường Phăng là bản văn hóa du lịch Che Căn nằm ngay trung tâm xã. Che Căn có địa thế dựa lưng vào một phần dãy núi Pú Đồn, có đỉnh cao nhất là Pú Huốt, cao hơn 1.700m so với mặt biển. Bản có gần 100 hộ dân tộc Thái sinh sống.

Không khó để nhận thấy nét đặc sắc ở Che Căn là những ngôi nhà sàn truyền thống nhuốm màu thời gian của đồng bào dân tộc Thái, lấp ló giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng.

Hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Người dân ở đây gìn giữ và phát huy tốt các giá trị văn hóa, văn nghệ, ẩm thực truyền thống. Hiện nay, bản Che Căn có 1 homestay và gần 20 hộ làm dịch vụ du lịch. Ðến Che Căn, du khách được tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm thực tế đời sống sinh hoạt, văn hóa, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái.

Homestay Phương Ðức là cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đầu tiên do người dân Mường Phăng thực hiện. Đến đây, du khách được cung cấp các dịch vụ: ăn, ngủ và tham gia hoạt động trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên. Homestay Phương Đức đủ phục vụ từ 45 đến 50 khách ăn, ở trong ngày, ngoài ra du khách còn được trải nghiệm đầy đủ không gian văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái.

70 năm sau giải phóng, mảnh đất căn cứ địa cách mạng Mường Phăng cũng vươn mình, “thay da đổi thịt” từng ngày. Mường Phăng ngày nào giờ đây đã khoác lên mình diện mạo khởi sắc của xã nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới, xã Mường Phăng được quy hoạch vừa mang yếu tố hiện đại, văn minh nhưng vẫn gìn giữ và phát huy tốt giá trị truyền thống các dân tộc. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ. Các trục đường liên xã được mở rộng, trải nhựa; 100% tuyến đường nội bản, liên bản được bê tông hóa kiên cố.

Cựu chiến binh Ngô Văn Toàn, 77 tuổi, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Sau hơn 10 năm, tôi mới có dịp trở lại Mường Phăng. Mường Phăng hôm nay đẹp hơn hẳn. Đây là điều đáng mừng và rất cần thiết đối với một địa danh lịch sử quan trọng của quốc gia”.

Hàng ngày, các đoàn khách vẫn tấp nập trở lại thăm khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng. Ngoài chiêm ngưỡng cảnh quan, du khách còn muốn tận mắt chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của mảnh đất kiên cường, hào hùng trong quá khứ, từng bước khởi sắc thời hiện tại và xây dựng thành công phong trào nông thôn mới. Đó tiếp tục là điều khích lệ đối với mỗi cán bộ và thế hệ trẻ Mường Phăng nỗ lực tiến lên với tinh thần Ðiện Biên Phủ năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa 70 năm, Mường Phăng trở thành địa chỉ chói lọi trong bản đồ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Để Mường Phăng có được sự đổi thay như ngày hôm nay, đó là kết quả quá trình chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc. Các thế hệ thanh niên hôm nay quyết tâm chung tay, góp sức gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử xây dựng quê hương cách mạng khởi sắc.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/anh-muong-phang-ngay-ay-bay-gio-post804431.html