Mường La phát huy nội lực, bứt phá đi lên

Mường La - vùng đất bên dòng sông Đà có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, du lịch. Với sự năng động, nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa huyện bứt phá vươn lên.

Ngày hội hoa sơn tra huyện Mường La năm 2023.

Trong câu chuyện của những ngày đầu năm 2024, đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La, phấn khởi thông tin: Khơi thông nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Mường La xác định trụ cột chính là phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La và du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến. Mừng nhất là tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Dấu ấn trong sản xuất nông nghiệp của Mường La là tiếp tục chuyển đổi sản xuất, cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh, phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng. Năm 2023, trồng mới gần 700 ha cây ăn quả các loại; nâng diện tích cây ăn quả lên hơn 6.500 ha và gần 2.500 ha cây sơn tra; sản lượng cây ăn quả và cây sơn tra đạt trên 33.000 tấn. Các sản phẩm xoài, nhãn, chuối đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn và xuất khẩu. Duy trì, phát triển 5 sản phẩm OCOP, 2 sản phẩm trà hoa đu đủ và mật ong đá Chiềng Lao được công nhận sản phẩm công nghiệp tiêu biểu tỉnh Sơn La. Khai thác lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện và diện tích ven hồ, huyện vận động nhân dân nuôi hơn 1.000 lồng cá, sản lượng nuôi và đánh bắt đạt 970 tấn.

Hòa vào bức tranh về sự vươn lên của Mường La, lĩnh vực du lịch ngày càng phát triển và để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Nổi bật, là Ngày hội Hoa sơn tra huyện Mường La lần đầu tiên được tổ chức tại “Miền quê cổ tích” Ngọc Chiến. Ngày hội đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều hoạt động sôi động, thu hút hàng chục nghìn nhân dân và du khách tham gia. Đây là dịp tôn vinh vẻ đẹp của hoa sơn tra, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Mường La độc đáo, năng động với nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc đón du khách đến trải nghiệm và khám phá. Ngày hội tạo cơ hội và điều kiện giúp kết nối mọi người, kết nối cộng đồng, kết nối các doanh nghiệp, du khách cùng trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác các tiềm năng du lịch.

Du khách tham quan xã Ngọc Chiến

Cùng với đó, Mường La đã khảo sát, phục dựng Lễ hội Nàng Han tại xã Mường Trai. Công bố quyết định công nhận 4 loại cây với 7 cá thể cây là cây di sản Việt Nam tại các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn xã Ngọc Chiến. Xây dựng thuyết minh điểm du lịch trên cơ sở các tích truyện được sưu tầm tuyên truyền tới nhân dân và giới thiệu với du khách đến tham quan. Chỉ đạo thực hiện xây dựng “Làng du lịch tốt nhất của Tổ chức Du lịch thế giới” tại bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến. Xây dựng 3 sản phẩm du lịch đã đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (bản du lịch cộng đồng bản Lướt, bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến; điểm du lịch Nhà máy thủy điện Sơn La). Xã Ngọc Chiến bây giờ là điểm đến hấp dẫn du khách khi đến với Sơn La và huyện Mường La. Trong năm qua, Mường La đã đón trên 132.800 lượt khách đến tham quan du lịch với tổng doanh thu đạt 46,5 tỷ đồng.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại xã Mường Trai

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm qua cũng có nhiều khởi sắc, Mường La đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Năm 2023, huyện đã huy động nhân dân làm mới 25 tuyến đường giao thông, với chiều dài 19,2 km với tổng kinh phí thực hiện hơn 33 tỷ đồng; trong đó, nhà nước hỗ trợ gần 23 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng. Cuối năm 2023, Ngọc Chiến là xã đầu tiên của huyện Mường La đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, đã có 833 hộ hiến 3,3 ha đất để làm đường giao thông nông thôn; tổng vốn nhân dân đóng góp trên 115 tỷ đồng. Nhân dân trong xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42 triệu đồng/người/năm... Sự đồng tình vào cuộc tích cực của nhân dân là “chìa khóa” quan trọng để Ngọc Chiến cán đích nông thôn mới.

Chính sự vào cuộc tích cực, năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, sự quyết tâm thoát nghèo của nhân dân đã tạo những đổi thay trên các lĩnh vực của huyện Mường La đã tác động tích cực đến việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường La lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, phấn đấu đưa huyện Mường La thoát nghèo trong nhiệm kỳ 2020-2025. Chưa đầy 2 năm thực hiện nghị quyết Đại hội, huyện Mường La đã không nằm trong danh sách huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022, của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 14,21%, giảm 3,49% so với năm 2022.

Đón xuân mới, nhiều nhà mới mọc lên, nhà nhà có tết đủ đầy, đầm ấm hơn. Trong không khí náo nức, rộn ràng của mùa xuân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường La quyết tâm thực hiện mục tiêu, tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững; xóa đói giảm nghèo bằng nội lực, bằng tiềm năng, thế mạnh tiếp sức cho địa phương bứt phá, đi lên.

Trung tâm thị trấn Ít Ong, huyện Mường La.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/muong-la-phat-huy-noi-luc-but-pha-di-len-Z94sGG2Sg.html